Thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, ngày 04/01/2024 Bộ Tư pháp tổ chức họp thẩm định dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Cuộc họp do đồng chí Bùi Thị Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Phó chủ tịch Hội đồng thẩm định, chủ trì cuộc họp, tham dự có đại diện của cơ quan chủ trì soạn thảo, đại diện các Bộ, ngành có liên quan và một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.
Đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo cho rằng các quy định mới tại Nghị định số 99/2019/NĐ-CP đã tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục đại học có hành làng pháp lý để thực hiện quy định về công tác cán bộ. Tuy nhiên, cũng xuất hiện một số vấn đề khó khăn, vướng mắc, bất cập, chồng chéo; nhiều vấn đề đặt ra (như người đứng đầu cơ sở giáo dục dại học; mối quan hệ giữa đảng ủy, hội đồng trường và ban giám hiệu…). Do đó, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2019/NĐ-CP là cần thiết.
Bên cạnh đó, các thành viên Hội đồng thẩm định tập chung cho ý kiến vào nội dung cụ thể của dự thảo Nghị định như: (i) xác định “cấp có thẩm quyền bổ nhiệm, công nhận” đối với chức danh Hiệu trưởng các cơ sở giáo dục đại học công lập; (ii) sửa đổi, bổ sung tỷ lệ phần trăm tổng số viên chức, người lao động của trường đại học tham dự hội nghị đại biểu bầu thành viên hội đồng trường; (iii) thủ tục thành lập, công nhận hội đồng khoa học, chủ tịch hội đồng khoa học, giám đốc đại học của trường đại học được Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển thành đại học; (iv) quy định về bãi nhiệm, miễn nhiệm chủ tịch hội đồng trường, miễn nhiệm thành viên khác của hội đồng trường...
Kết luận cuộc họp, bà Bùi Thị Nam đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo lưu ý một số vấn đề sau: Một là, về phạm vi sửa đổi, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát thêm việc thi hành Nghị định 99/2019/NĐ-CP để bổ sung những nội dung còn vướng mắc, bất cập trên thực tiễn vào dự thảo Nghị định lần này; Hai là, nên quy định các trường hợp cụ thể, làm minh bạch các trường hợp để cơ quan quản lý trực tiếp thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cấp có thẩm quyền bổ nhiệm, công nhận trong việc thực hiện các quy định việc giao quyền hiệu trưởng hoặc giao phụ trách (Điều 7); Ba là, về dự thảo Tờ trình cần tập trung vào những vấn đề vướng mắc, bất cập trên thực tiễn để làm cơ sở cho việc sửa đổi Nghị định.... Trên cơ sở kết quả cuộc họp Hội đồng thẩm định, Bộ Tư pháp sẽ khẩn trương hoàn thành báo cáo thẩm định./.