Chủ tịch Hồ Chí Minh giáo dục, đấu tranh nhằm ngăn ngừa những thói hư, tật xấu của cán bộ, đảng viên

25/10/2021
Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu - Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, là người sáng lập, rèn luyện Đảng ta, Nhà nước ta. Người luôn quan tâm vấn đề xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đảng viên, những người có trọng trách đưa đường lối, chủ trưởng của Đảng đến với quần chúng nhân dân, đồng thời tập hợp, tổ chức quần chúng tiến hành cách mạng. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh,“Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém. Vì vậy, Đảng phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta”.
Tháng 9 năm 1945, trong thư gửi tỉnh Nghệ An, Chủ tịch Hồ Chí Minh dăn dò: “Cán bộ ta nhiều người cúc cung, tận tụy, hết lòng trung thành với nhiệm vụ , với Chính phủ, với quốc dân. Nhưng cũng có nhiều người hủ hóa, lên mặt làm quan cách mạng, hoặc là độc hành, độc đoán, hoặc là vì công vinh tư. Thậm chí dùng phép công để báo thù tư…những khuyết điểm trên, nhỏ thì làm cho dân chúng hoang mang, lớn thì làm cho đoàn kết lay động. Chúng ta phải lập tức sửa đổi ngay…”. Tháng 10 năm 1945, trong thư gửi các kỳ, tỉnh, huyện, làng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu một số căn bệnh của cán bộ, công chức lúc bấy giờ, đó là: “trái phép”, do tư thù, tư oán mà bắt bớ trái phép, tịch thu bừa bãi; “cậy thế”, cho mình là người của ban này, ban nọ, rồi ngang tàng, phóng túng, muốn sao được vậy; “hủ hóa”, muốn ăn ngon, mặc đẹp, chi tiêu ngày càng xa xỉ, lấy của công dùng vào việc tư; “tư túng”, kéo bè, kéo cánh, không tài năng gì cũng đưa vào chức này, chức nọ; “chia rẽ”, bênh vực lớp này, chống lại lớp kia; “kiêu ngạo”, lúc nào cũng lên mặt “quan cách mạng”, coi khinh quần chúng. Chủ tịch Hồ Chí Minh phê phán những “lầm lỗi nặng nề nói trên”, đồng thời chỉ rõ: “Chúng ta không sợ sai lầm, nhưng đã nhận biệt sai lầm thì phải ra sức sữa chữa”.
Tháng 3 năm 1947, trong thư gửi các đồng chí Bắc Bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra những khuyết điểm, phải kiên quyết tẩy sạch. Đó là:“địa phương chủ nghĩa”, chỉ biết đến lợi ích của của địa phương mình, bộ phận mình; “óc bè phái”, nghe người, dùng người hẩu với mình; “óc quân phiệt, quan liêu”, hống hách như một “ông vua con” ở nơi mình phụ trách; “óc hẹp hòi”, không biết dùng chỗ hay của người khác và giúp họ chữa chổ dở; “ham chuộng hình thức”, thích hành thức bề ngoài, phô trương cho oai; “làm việc lối bàn giấy”, thích làm việc kiểu giấy tờ, chỉ tay năm ngón, ít đi vào quần chúng, không bám sát thực tế; “vô kỷ luật, kỷ luật không nghiêm”, việc dễ thị làm, khó thì bỏ, bỏ địa phương khi chiến tranh lan tới; “ích kỷ, hủ hóa”, thích ăn ngon, mặc đẹp, xa hoa, chỉ lo danh lợi cho bản thân mình.
Những ngày đầu kháng chiến chống Thực dân Pháp, mặc dù trong điều kiện vô cùng khó khăn, công việc lại hết sức nặng nề. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bộ Chính trị tập trung nguồn lực vào công tác đối nội, đối ngoại của chính quyền còn rất non trẻ, tài chính khó khăn, thiếu thốn mọi bề. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giành nhiều thời gian cho việc xây dựng, rèn luyện, uốn nắn những lầm lỗi, lệc lạc của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Qua đó, rút ra kinh nghiệm hoạt động của bộ máy chính quyền từ sau ngày giành được độc lập.
Đến tháng 10 năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho ra đời tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, đây là cẩm nang gối đầu giường của đông đảo cán bộ, đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh nghiêm khắc đòi hỏi từng tổ chức, từng người, ngay từ bây giờ các cơ quan, các cán bộ, các đảng viên mỗi ngày phải thiết thực kiểm điểm và kiểm điểm đồng chí mình. Hễ thấy khuyển điểm phải kiển quyết tự sửa và giúp đồng chí mình sửa chữa, “phải như thế, Đảng mới nhanh chóng phát triển, công việc mới chóng thành công”. Nội dung tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” là những chỉ dẫn cụ thể cán bộ, đảng viên về phương pháp lãnh đạo và tác phong công tác của người chiến sỹ cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên khá nhiều khuyết điểm của không ít cán bộ, đảng viên và chỉ dẫn cách thức chữa từng căn bệnh cụ thể. Những khuyết điểm đó, theo Người có thể xếp thành ba loại: “khuyết điểm về tư tưởng, tức là bệnh chủ quan; khuyết điểm về sự quan hệ trong Đảng và ngoài Đảng, tức là bệnh hẹp hòi; khuyết điểm về cách nói và cách viết, tức là ba hoa. Ba chứng bệnh nguy hiểm nếu không chữa ngay để nó lây lan, thì có hại vô cùng”.
Trong tác phẩm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập hàng loạt chứng bệnh tệ hại khác và mỗi chứng bệnh là một kẻ địch. Kẻ địch bên trong của mỗi cán bộ, đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích: “Mỗi kẻ địch bên trong là một bạn đồng minh của kẻ địch bên ngoài. Địch bên ngoài không đáng sợ. Địch bên trong ta đáng sợ hơn, vì chúng phá hoại từ trong phá ra”. Đó là bệnh “nể nang”, làm ngơ sai lầm của người quen biết, họ hàng, thân thích; “bệnh tham lam”, tự tư, tự lợi, đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích của dân tộc; “bệnh lười biếng”, tự cho mình là cái gì cũng biết, việc gì cũng giỏi, lười suy nghĩ, lười học tập, dành lấy việc dễ, đẩy việc khó cho người khác; “bệnh kiêu ngạo”, tự cao, tự đại, ham địa vị, danh vọng, hay lên mặt, thích được tâng bốc; “bệnh hiếu danh”, tự cho mình là anh hùng, quan trọng, không chịu làm những công tác thiết thực; “thiếu kỷ luật”, đặt mình lên trên tổ chức, thích sao làm vậy; “óc hẹp hòi”, khinh người, không cân nhắc người tốt, sợ người ta hơn mình; “óc lãnh tụ”, làm được một vài việc thì cho mình đáng là nãnh đạo, lãnh tụ ở địa phương, đơn vị; “bệnh hữu danh, vô thực”, làm việc không thiết thực, làm cho có chuyện, làm ít nói nhiều; “kéo bè, kéo cánh”, từ bè phái dẫn đến chia rẽ, hợp với mình thì dở vẫn cho là hay, che đậy cho nhau; “bệnh cận thị”, không nhìn xa, thấy rộng; “bệnh tị nạnh”, cái gì cũng muốn “bình đẳng”, cào bằng như nhau; “xu nịnh, a dua”, bốc thơm cấp trên và người có quyền thế, theo gió bẻ buồm, những chứng bệnh trên bắt nguồn từ bệnh “cá nhân”, mọi suy nghĩ, việc làm đều xuất phát từ lợi ích cá nhân và đặt lợi ích cá nhân lên trên hết, trước hết. Tất cả đều vì cá nhân, vì gia đình mình, vì phe nhóm mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Mắc những căn bệnh đó là do “kém tính đảng”, mắc một trong những bệnh đó “là hỏng việc”. Bác căn dặn: “Chúng ta phải ráo riết dùng phê bình và tự phê bình để giúp nhau chữa cho hết những bệnh ấy”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đích danh và phê phán gay gắt “bệnh cá nhân”- chủ nghĩa trong con người cán bộ, đảng viên.
Tại Đại hội lần thứ II của Đảng tháng 2 năm 1951, trong Báo cáo chính trị Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa nhấn mạnh: “Những khuyết điểm khá phổ thông và nghiệm trọng” lúc ấy là: “Những bệnh chủ quan, quan liêu, mệnh lệnh, hẹp hòi và bệnh công thần”.
Từ năm 1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lưu ý và và kêu gọi cán bộ, đảng viên, nhân dân phải thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu. Bác chỉ rõ: “Tham ô là kẻ cướp. Lãng phí tuy không lấy của công tư túi, song kết quả cúng rất có hại cho nhân dân, cho Chính phủ. Có khi tệ hại hơn nạn tham ô. Mà có nạn tham ô và lãng phí là vì bệnh quan liêu. Muốn trừ nạn tham ô, lãng phí trước mắt phải tẩy sạch bệnh quan liêu”.
Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954) làm chấn động địa cầu, từ giai đoạn này, song song với việc phê phán chủ nghĩa cá nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao đạo đức cách mạng và chỉ rõ người cách mạng phải kiên quyết loại trừ chủ nghĩa cá nhân ra khỏi đầu óc mình. Người đã phân tích rõ nguồn gốc và tác hại của chủ nghĩa cá nhân: “Vết tích xấu xa nhất và nguy hiểm nhất của xã hội cũ là chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân trái ngược với đạo đức cách mạng… là một thứ rất gian xảo, xảo quyệt, nó khéo dỗ dành người ta đi xuống dốc, nó “là kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội, người cách mạng phải tiêu diệt nó”. Người có đầu óc cá nhân chủ nghĩa thường ít hoặc không nghĩ đến lợi ích chung của cách mạng, của nhân dân và cộng đồng chung quanh họ, mà thường lo cho lợi ích riêng của cá nhân”.
Nguyễn Quốc Huy - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh cơ quan Bộ Tư pháp