Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp họp phiên thứ 20

21/05/2015
Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp họp phiên thứ 20
Sáng 19/5, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương họp phiên thứ 20, thảo luận cho ý kiến về Đề án "Đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách cho Toà án nhân dân theo tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị" và Đề án "Đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách cho Viện KSND đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp".

Thảo luận tại phiên họp, Thường trực Ban Chỉ đạo nhất trí về sự cần thiết và các căn cứ để xây dựng 2 Đề án nói trên, đồng thời khẳng định việc xây dựng Đề án đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách là nhằm tìm ra cơ chế phù hợp, khắc phục những hạn chế, tập trung các nguồn lực đầu tư của Nhà nước, tạo điều kiện để ngành Tòa án, Viện Kiểm sát thực hiện hiệu quả đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.

Cơ bản nhất trí với các đề xuất về đổi mới cơ chế phân bổ vốn đầu tư của Đề án, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng Đề án cần đổi mới hơn nữa quy trình phân bổ, quản lý, sử dụng ngân sách. Như vậy sẽ giảm bớt khâu trung gian, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính trong việc phân bổ dự toán, quản lý, sử dụng, kiểm tra, giám sát việc thực hiện ngân sách Nhà nước, bảo đảm tính dân chủ, công khai, minh bạch, giảm bớt cơ chế xin cho, phòng ngừa tiêu cực.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh vấn đề thẩm quyền, thời hạn thủ tục quyết định đầu tư phân bổ ngân sách đã được quy định cụ thể trong Luật Đầu tư công đối với từng loại dự án, từng nguồn vốn. Theo đó, tất cả các bộ, ngành kể cả Tòa án, Viện kiểm sát phải đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn, lập, thẩm định phê duyệt theo luật này.

Phó Thủ tướng đề nghị ngành Tòa án, Kiểm sát phối hợp với Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính xây dựng hoàn thiện kế hoạch đầu tư trung hạn toàn ngành để tổng hợp trình Quốc hội trong thời gian tới.

Trên cơ sở  ý kiến đóng góp của các thành viên Ban Chỉ đạo, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đánh giá 2 Đề án được chuẩn bị công phu, nghiêm túc. Tuy nhiên, các đề án chưa khắc phục được những hạn chế, bất cập của cơ chế phân bổ, quản lý, sử dụng ngân sách hiện hành và cũng chưa đề xuất giải pháp để xác lập cơ chế mới về phân bổ ngân sách.

Đề án phải thể hiện được nhiều điểm mới, thể chế hóa được nhiều chủ trương cải cách tư pháp của Đảng, đáp ứng đúng yêu cầu Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp, phù hợp với nhiệm vụ đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách cho các cơ quan tư pháp và hoạt động tư pháp mà Chiến lược cải cách tư pháp đã đề ra.

Chủ tịch nước nêu rõ thực tế là nhu cầu chi hiện nay rất lớn, trong khi tiền thì có hạn, vì vậy việc đổi mới phân bổ ngân sách phải có điểm mới khác. Còn trong quá trình làm dự toán có vấn đề gì nổi lên phải có ý kiến.

Về một số nội dung còn ý kiến khác nhau, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang yêu cầu Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiếp thu các ý kiến đóng góp tại phiên họp, đồng thời rà soát lại các nội dung của Đề án để hoàn thiện, nhất là vấn đề nguồn kinh phí cần phải tính toán kỹ lưỡng.

Chinhphu.vn