Phiên họp thứ 19 Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương

16/03/2015
Phiên họp thứ 19 Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương
Sáng 14/3, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đã tiến hành Phiên họp thứ 19 dưới sự chủ trì của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo, tập trung thảo luận về một số đề án quan trọng như mô hình tố tụng dân sự, mô hình tố tụng hành chính, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật tạm giữ, tạm giam.

Đây là những đề án có ý nghĩa quan trọng trong việc hoàn thiện mô hình tố tụng, tổ chức, hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng theo tinh thần Hiến pháp 2013 và chủ trương cải cách tư pháp. Cho ý kiến về các đề án này, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho rằng, thực tế hiện tỷ lệ các vụ việc xem xét thủ tục giám đốc thẩm ở Việt Nam đứng đầu nên không đồng tình với các qui định về thủ tục, căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm được qui định trong hai đề án về Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi) và đề nghị quy định chặt chẽ hơn về mặt thủ tục theo hướng hạn chế thủ tục giám đốc thẩm, mở rộng thẩm quyền xét xử giám đốc thẩm của bản án cấp dưới khi có đủ căn cứ.

Thứ trưởng cũng đề nghị giữ nguyên thẩm quyền của TAND trong việc giải quyết các vụ kiện hành chính, nhưng bổ sung thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện về quyết định xử lý viên chức. Tuy nhiên, Thứ trưởng nhận thấy, không nên mở rộng thẩm quyền cho TA giải quyết các khiếu kiện liên quan đến các quyết định nội bộ như quyết định lên lương để TA không bị quá tải.

Đồng tình với đề xuất phân định thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện hành chính trong lĩnh vực đất đai của cấp huyện cho TAND cấp tỉnh, nhưng Thứ trưởng vẫn băn khoăn về cơ chế xét xử cho TAND cấp tỉnh đối với các khiếu kiện liên quan đến các quyết định hành chính của cấp tỉnh. Từ thực tiễn công tác thi hành án, Thứ trưởng Bộ Tư pháp nhấn mạnh, thi hành  án hành chính là vấn đề nan giải vì đối tượng thi hành là những người có chức có quyền nên “cần phải có quyết định đủ mạnh” để đảm bảo cho việc thi hành án hành chính.

Đối với đề án về Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc đồng tình giao thẩm quyền điều tra ban đầu cho các cơ quan Thuế, chứng khoán, kiểm ngư vì “đây là những lĩnh vực mà các nước khác đều cho phép làm và có hiệu quả, nhất là trong lĩnh vực thuế. Song cần quy định cụ thể về quy trình, thủ tục, vị trí nào được làm, bổ sung thêm kỹ năng cho cán bộ của các cơ quan này để thực hiện hoạt động điều tra”.

Trên cơ sở các ý kiến đóng góp của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp TƯ về các đề án, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá việc sửa đổi Bộ luật tố tụng dân sự và Luật tố tụng hành chính được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, thể chế hóa được nhiều chủ trương cải cách tư pháp của Đảng, cụ thể hóa nhiều quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật tổ chức TAND 2014, đáp ứng được yêu cầu đổi mới trong hoạt động tố tụng và tháo gỡ những khó khăn,  bất cập trong thủ tục tố tụng dân sự và tố tụng hành chính hiện hành… Việc chuẩn bị Luật tạm giữ, tạm giam và Luật tổ chức CQĐT hình sự tích cực, tốt nhưng hơi chậm.

Chủ tịch nước đề nghị các Ban soạn thảo tiếp thu ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo, tiếp tục rà soát, chỉnh lý, hoàn thiện các đề án cho phù hợp với Hiến pháp và thống nhất với một số  Luật mới được Quốc hội thông qua như: Luật tổ chức TAND 2014, Luật tổ chức VKSND năm  2014, chấp hành theo chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp và phù hợp với các cam kết quốc tế, để phù hợp với thực tiễn và công ước quốc tế Việt Nam tham gia, báo cáo cơ quan có thẩm quyền trong thời gian tới./.