Đổi mới để đảm bảo quyền của các đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý

01/04/2015
Đổi mới để đảm bảo quyền của các đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý
Đó là quan điểm được đưa ra tại Hội thảo “Trợ giúp pháp lý – Kinh nghiệm của một số quốc gia Châu Âu, những vấn đề đổi mới, hoàn thiện tại Việt Nam” do Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương phối hợp với Chương trình đối tác tư pháp tổ chức tại Đà Nẵng hôm qua (30/3).

Bà Lê Thị Thu Ba – Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp (CCTP) Trung ương nhấn mạnh, TGPL là một chính sách lớn trong tổng thể các chính sách xã hội của Nhà nước, mang ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc, được Việt Nam xem là một biện pháp “xóa đói, giảm nghèo về pháp luật” cho các đối tượng yếu thế trong xã hội.

Mặc dù có nhiều thành tựu nhưng công tác TGPL cũng vẫn còn hạn chế cần được khắc phục sớm với các giải pháp đổi mới nhằm đảm bảo ở mức cao nhất quyền tiếp cận pháp luật, tiếp cận công lý của các đối tượng thuộc diện được TGPL.

Theo TS Phạm Quý Tỵ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp,  việc đánh giá chất lượng TGPL hiện nay còn mang tính hình thức, chưa bảo đảm tính khách quan và hiệu quả vì cơ quan thực hiện TGPL cũng chính là cơ quan đánh giá chất lượng vụ việc. Vì vậy, “cần thiết phải có quy định về cơ chế đánh giá chất lượng TGPL và thủ tục khiếu nại, giải quyết khiếu nại về chất lượng dịch vụ TGPL”.

Bình luận đối với mô hình TGPL mới do Bộ Tư pháp xây dựng, ông Moling Ryan - Chương trình đối tác tư pháp cho rằng cần có cơ chế phù hợp, thực tiễn để quản lý dịch vụ TGPL nhất quán, chất lượng bằng cách đưa ra các tiêu chí phải bảo đảm sự công bằng, rõ ràng. Theo đó, phải có hệ thống quản lý, đánh giá một cách tập trung, đầu tư thích đáng cho công nghệ, quan trọng là hệ thống quản lý các vụ việc quản lý vụ việc thống nhất và sử dụng nó để cung cấp dịch vụ TGPL một cách hiệu quả.

Các đại biểu cũng cho rằng, để đổi mới được công tác TGPL, cần tháo bỏ rào cản đối với người TGPL từ chính những quy định pháp luật. Thực tế cho thấy số lượng vụ việc tố tụng trong lĩnh vực hình sự còn ít so với nhu cầu TGPL của người dân và số luợng án có liên  quan đến người được TGPL phải giải quyết hàng năm của cơ quan tiến hành tố tụng. Hiện nay khoảng 80% vụ án hình sự chưa có người bào chữa, số vụ việc  tham gia tố tụng chỉ chiếm 5,7%; tư vấn pháp luật tại trụ sở Trung tâm và Chi nhánh TGPL chiếm 22,9% trong tổng số  vụ việc TGPL./.

                                                             H.Giang

Đến nay, trên toàn quốc có 63 Trung tâm TGPL Nhà nước, 199 Chi nhánh của Trung tâm đặt tại cấp huyện và liên huyện, 4.345 Câu lạc bộ TGPL. Tổng số người làm việc tại các Trung tâm và Chi nhánh trong toàn quốc là 1.244 người, trong đó 483 trợ giúp viên pháp lý (TGPL).

Đến tháng 6/2013, cả nước có 317 tổ chức đăng ký tham gia TGPL, trong đó có 277 tổ chức hành nghề luật sư, 40 Trung tâm tư vấn pháp luật. Tổng số cộng tác viên trong toàn quốc là 8.980 người, trong đó có 1.055 luật sư.

Từ khi triển khai thi hành Luật TGPL đến tháng 6/2014, hệ thống TGPL của Nhà nước đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, thực hiện được 824.344 vụ việc TGPL cho 843.533 người thuộc diện TGPL.