Ngày 01/3/2008, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính. Dự thảo đề xuất 44 điểm sửa đổi với 50 điều.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm UB Pháp luật của QH, thì hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính đang được nghiên cứu trình QH thông qua (dự kiến sẽ áp dụng vào năm 2009), vì vậy cần cân nhắc kỹ và chỉ sửa đổi, bổ sung những điểm thật sự cần thiết của Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính.
Theo dự thảo Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính do Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày trước UBTVQH thì mức phạt tiền Mức xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm sẽ nâng cao hơn, tối thiểu là 10.000 đồng, tối đa là 500 triệu đồng (mức tối đa áp dụng đối với hành vi xâm phạm vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam). Đặc biệt, mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh và các thành phố trực thuộc trung ương như Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng sẽ được nâng lên 2 lần so với mức phạt hiện nay.
Theo Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường, mức phạt tiền mà dự án Pháp lệnh đề xuất có mục tiêu nâng cao tác dụng răn đe, giáo dục người vi phạm, thể hiện tinh thần xử lý cương quyết, triệt để, không bỏ lọt xử lý vi phạm hành chính, lập lại trật tự, kỷ cương xã hội.
Ngoài ra, để tăng tính chủ động cho cơ quan thực thi công vụ và thực hiện phân cấp mạnh mẽ hơn nữa cho cấp cơ sở, Chính phủ cũng đề xuất nâng thẩm quyền xử phạt của UBND xã, phường, quận, huyện lên khá cao. Cụ thể, Chủ tịch UBND phường tại các thành phố trực thuộc trung ương được phạt tới 5 triệu đồng. Chủ tịch UBND quận được phạt 50 triệu đồng.
Tương tự, chiến sỹ công an, bộ đội biên phòng đang thi hành công vụ được phạt tới 200.000 đồng, gấp đôi so với mức hiện hành. Cảnh sát viên đội nghiệp vụ cảnh sát biển: từ 200.000 lên 500.000 đồng. Điều này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho người thi hành công vụ khi xử phạt và việc chấp hành quyết định xử phạt được nhanh chóng, hiệu quả. Đa số các thành viên UBTVQH tán thành với việc nâng cao mức phạt tiền, phương thức xử lý đơn giản, hiệu quả hơn.
Pháp lệnh sửa đổi cũng đề xuất bổ sung hình thức phạt tiền đến 100.000 đồng đối với người đủ từ 14 đến 16 tuổi có hành vi vi phạm hành chính và cho phép cấp phó các cơ quan có thẩm quyền tham gia xử phạt vi phạm hành chính.
Tuy nhiên, Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng băn khoăn: “Phạt quá thấp như hiện nay thì không đủ tính răn đe song nếu áp đặt mức quá cao lại có thể gây ra tồn đọng. Quyết định xử phạt cứ ban hành nhưng việc thực thi lại nan giải. Thi hành bản án dân sự hiện nay là một ví dụ. Án dân sự tuyên cứ tuyên nhưng người ta không có tiền phạt nên án tồn đọng rất nhiều”.
Ông Vượng cũng lo ngại về vấn đề xử lý người chưa thành niên vi phạm hành chính: “Trẻ em chưa làm ra tiền, vậy bố mẹ, người giám hộ phải nộp? Nhưng phạt hành chính là “đánh” vào chính đối tượng vi phạm thì sao bắt người khác chịu thay được?” - ông Trần Thế Vượng nêu câu hỏi.
Ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm UB Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cũng cho rằng, không nên phạt tiền trẻ vị thành niên mà cần tăng tính răn đe bằng các biện pháp khác. Ngoài ra, việc đưa trẻ vào trung tâm giáo dưỡng phải cân nhắc, tránh đưa một số đối tượng chưa cần thiết vào. Ông nói: “Phải tránh trường hợp lợi dụng quy định để đẩy các em có hoàn cảnh “đặc biệt” cho Nhà nước và có thể sẽ ảnh hưởng tới tương lai của các em”.
Vấn đề Thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của chủ tịch UBND cấp xã và chủ tịch UBND cấp huyện cũng được các thành viên UBTV QH quan tâm, tranh luận. Nhiều ý kiến cho rằng, không nên bổ sung cho chủ tịch UBND cấp xã được áp dụng hình thức tháo dỡ một số công trình xây dựng trái phép do lo ngại trình độ cán bộ cấp cơ sở còn hạn chế, có thể dẫn đến lạm quyền.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận lưu ý ban soạn thảo nên thực hiện phân cấp và xác định rõ hơn nữa thẩm quyền, mức xử phạt của các cơ quan chức năng, những quy trình thủ tục liên quan đến nhân dân cần được xây dựng chặt chẽ, rõ ràng hơn để không vi phạm đến các quyền công dân.
Nhiều nội dung khác của dự thảo pháp lệnh như: thẩm quyền tạm giữ người theo thủ tục hành chính; sử dụng phương tiện kỹ thuật để thu thập chứng cứ vi phạm hành chính; thành lập Quỹ hỗ trợ phòng chống vi phạm hành chính cũng được các thành viên UBTVQH đóng góp ý ki
LH (tổng hợp)