Liên quan đến những nội dung phân cấp trong lĩnh vực luật sư, đang có một số ý kiến băn khoăn. Tuy nhiên, cần hiểu rõ rằng các Nghị định về phân quyền, phân cấp trong các lĩnh vực quản lý của Bộ Tư pháp (cùng với nhiều Nghị định về phân quyền, phân cấp khác) được ban hành để thực hiện chủ trương cấp bách, đã được Quốc hội cho phép và chỉ có hiệu lực đến ngày 01/3/2027. Sau ngày 01/3/2027, tất cả các luật, trong đó có Luật Luật sư sẽ được ban hành để tạo sự đồng bộ, thống nhất.
Bài 4: Việc phân quyền, phân cấp bằng nghị định - phù hợp với chủ trương của Đảng, được Quốc hội cho phép
Không quy định lại những nội dung vẫn còn phù hợp tại các văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn
Hiện đang có một số ý kiến băn khoăn nội dung phân cấp trong lĩnh vực luật sư. Cụ thể, có ý kiến cho rằng, Luật Luật sư quy định Bộ trưởng Bộ Tư pháp cấp, thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư, trong khi đó Nghị định số 121/2025NĐ-CP lại quy định Chủ tịch UBND tỉnh là đang có sự chồng chéo giữa Luật Luật sư và Nghị định, thậm chí có ý kiến cho rằng đây là “quy định trái luật”.
Về ý kiến này, đối chiếu theo Luật Luật sư và Nghị định 121/2025, có thể thấy ngay đang có sự quy định khác nhau trong Luật Luật sư và Nghị định 121/2025NĐ-CP. Nếu nghiên cứu hết tất cả các Nghị định về phân quyền, phân cấp trong tất cả các lĩnh vực thì đều thấy có sự khác nhau giữa Luật và Nghị định, chứ không riêng lĩnh vực luật sư.
Theo đó, cũng như các lĩnh vực khác, việc giao cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh giải quyết một số thủ tục hành chính (TTHC) nói chung, trong đó có TTHC cấp, thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư là thực hiện chủ trương Trung ương tập trung quản lý vĩ mô, xây dựng thể chế, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đồng bộ, thống nhất, giữ vai trò kiến tạo và tăng cường kiểm tra, giám sát; phân quyền, phân cấp đủ mạnh, đủ rõ, hợp lý các nhiệm vụ ở Trung ương đang thực hiện về cho địa phương theo đúng tinh thần “địa phương quyết định, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.
Đồng thời, để phục vụ cho việc sắp xếp bộ máy tổ chức, đẩy mạnh phân quyền. phân cấp, QH đã giao Chính phủ ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) thuộc thẩm quyền phân định lại nhiệm vụ, quyền hạn của CQĐP và điều chỉnh các quy định khác có liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương để thống nhất áp dụng trong thời gian chưa sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội (QH), Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH và định kỳ báo cáo UBTVQH.
Cụ thể, tại Điều 32 Luật Tổ chức Chính phủ quy định: “1. Trường hợp luật, nghị quyết của QH, pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ chưa phù hợp với quy định của Luật này thì phải điều chỉnh thống nhất với quy định của Luật này trong thời hạn 02 năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
2. Trong thời gian luật, nghị quyết của QH, pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH chưa được sửa đổi, bổ sung theo thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này, để bảo đảm giải quyết việc phân quyền, phân cấp đối với một số lĩnh vực ưu tiên, cấp bách, giao Chính phủ ban hành VBQPPL điều chỉnh một số nhiệm vụ, quyền hạn và quy định khác có liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ đang được quy định trong các điều, khoản, điểm có liên quan tại luật, nghị quyết của QH, pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH để thống nhất áp dụng, định kỳ báo cáo UBTVQH; trường hợp liên quan đến luật, nghị quyết của QH thì báo cáo QH tại kỳ họp gần nhất.
3. Trong thời gian cơ quan có thẩm quyền chưa ban hành VBQPPL để điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ phù hợp với quy định của Luật này thì các quy định của pháp luật hiện hành về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ được tiếp tục thực hiện cho đến khi cơ quan có thẩm quyền ban hành VBQPPL sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế”.
Ngoài ra, ngày 16/6/2025, QH đã thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương (CQĐP). Điều 54 Luật Tổ chức CQĐP quy định: “1. Chậm nhất là ngày 01 tháng 3 năm 2027, các VBQPPL có nội dung quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quy định khác có liên quan của CQĐP các cấp phải được sửa đổi, bổ sung để bảo đảm phù hợp với tổ chức đơn vị hành chính, các nguyên tắc và các nhiệm vụ, quyền hạn của CQĐP các cấp quy định tại Luật này.
Kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, để kịp thời thực hiện tổ chức CQĐP cấp tỉnh, cấp xã theo quy định tại Luật này và đẩy mạnh phân quyền, phân cấp cho CQĐP trong một số lĩnh vực ưu tiên, cấp bách, giao Chính phủ ban hành VBQPPL thuộc thẩm quyền phân định lại nhiệm vụ, quyền hạn của CQĐP và điều chỉnh các quy định khác có liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương để thống nhất áp dụng trong thời gian chưa sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh, nghị quyết của QH, UBTVQH và định kỳ báo cáo UBTVQH; trường hợp liên quan đến luật, nghị quyết của QH thì báo cáo QH tại kỳ họp gần nhất.
2. Trong thời gian cơ quan có thẩm quyền chưa ban hành VBQPPL để điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của CQĐP theo quy định tại khoản 1 Điều này thì các quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của CQĐP được tiếp tục thực hiện cho đến khi cơ quan có thẩm quyền ban hành VBQPPL sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế”.
Từ các quy định trên có thể thấy, để thực hiện chủ trương phân quyền, phân cấp trong điều kiện cấp bách, QH đã nhất trí để Chính phủ quy định một số nội dung khác với luật ở trong các nghị định. Các Nghị định phân quyền, phân cấp này quy định những nội dung cần sửa đổi của pháp luật hiện hành, kể cả luật, nghị quyết, pháp lệnh của QH, UBTVQH để phân quyền, phân cấp, phân định thẩm quyền và trình tự, thủ tục thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền, phân cấp, phân định thẩm quyền, không quy định lại những nội dung vẫn còn phù hợp tại các văn bản này.
Về thời gian áp dụng, các Nghị định phân quyền, phân cấp, phân định thẩm quyền chỉ có hiệu lực pháp luật đến ngày 01/3/2027. Như vậy, có thể hiểu các Nghị định về phân quyền, phân cấp (trong đó có cả Nghị định 120, 121 năm 2025) được ban hành để thực hiện chủ trương cấp bách và đã được QH cho phép và chỉ có hiệu lực đến ngày 01/3/2027. Sau ngày 01/3/2027, tất cả các luật, trong đó có Luật Luật sư sẽ được ban hành để tạo sự đồng bộ, thống nhất. Do đó, có thể khẳng định việc Chính phủ ban hành Nghị định số 121/2025/NĐ-CP về phân quyền, phân cấp trong các lĩnh vực quản lý của Bộ Tư pháp (cùng với nhiều Nghị định về phân quyền, phân cấp khác) là phù hợp với chủ trương của Đảng, được QH cho phép.
Cấp/thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư phải bảo đảm điều kiện luật định
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, việc giao Chủ tịch UBND tỉnh có quyền cấp và thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư có thể gây ra phức tạp trong quá trình giải quyết các vụ án hành chính khi đối tượng hành chính là đối tượng bị kiện là người đứng đầu cơ quan hành chính ở địa phương, đồng thời là người cấp, thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư.
Theo quy định của pháp luật tố tụng hành chính, đối tượng bị kiện là người đứng đầu cơ quan hành chính ở địa phương, trong đó có UBND cấp tỉnh (là người có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề luật sư theo quy định của Nghị định 121/2025/NĐ-CP). Nhưng pháp luật tố tụng hành chính đã quy định chặt chẽ về trình tự, thủ tục giải quyết các vụ án hành chính, quyền và nghĩa vụ của các bên đương sự (trong đó luật sư là đại diện cho một bên đương sự). Pháp luật về tố tụng đã nêu rõ, việc giải quyết các vụ án hành chính được phán quyết trên cơ sở chứng cứ và theo quy định của pháp luật.
Còn Luật Luật sư đã quy định rất cụ thể về điều kiện để được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư, các trường hợp bị thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư. Do vậy, Bộ trưởng Bộ Tư pháp hay Chủ tịch UBND cấp tỉnh khi xem xét cấp, thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư đều phải căn cứ vào quy định của Luật Luật sư.
Ngoài ra, theo quy định của Luật Khiếu nại, người đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề luật sư, người bị thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư có quyền khiếu nại quyết định hành chính của Chủ tịch UBND cấp tỉnh (trường hợp bị từ chối cấp hay bị thu hồi chứng chỉ). Hơn nữa, trong trường hợp luật sư không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch UBND cấp tỉnh thì có quyền khiếu nại lần hai lên Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Đặc biệt, Đảng cũng nhấn mạnh chủ trương các cơ quan Trung ương chỉ tập trung thực hiện các nhiệm vụ mang tính vĩ mô, trong đó có tăng cường thanh tra, kiểm tra. Vì vậy, trong thời gian tới, các cơ quan Trung ương sẽ tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, trong đó tập trung vào việc thực hiện nhiệm vụ phân quyền, phân cấp của CQĐP. Như vậy, những lo ngại rằng việc giao Chủ tịch UBND tỉnh có quyền cấp, thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư có thể gây ra phức tạp trong quá trình giải quyết các vụ án hành chính là chưa có cơ sở thực tế. Hơn nữa, chúng ta cần nhận thức sâu sắc việc thực hiện phân quyền, phân cấp trong lĩnh vực luật sư nói riêng, các lĩnh vực khác nói chung phải đề cao tinh thần “địa phương quyết định, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm” để sau ngày 1/3/2027 sẽ tiến hành đánh giá, nhìn nhận việc triển khai chủ trương trên thực tiễn.
Thục Quyên - Hà Anh