Ký ức về chiến thắng Điện Biên Phủ trong tôi!

03/05/2024
Ký ức về chiến thắng Điện Biên Phủ trong tôi!
Thế hệ 8X chúng tôi may mắn sống trong thời đại hòa bình, ký ức về chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 là những thước phim tư liệu được VTV phát lại hàng năm, qua những câu chuyện kể của ông bà, là hình ảnh lá cờ Tổ quốc đang phần phật bay trên nóc hầm Đờ Cát, trong lời thơ, tiếng hát với rất nhiều kỷ niệm…
Trước khi biết đến bài thơ “Hoan hô chiến sỹ Điện Biên" của nhà thơ Tố Hữu, với những vần thơ hào hùng, như có cả nhạc và họa:
…“Năm mươi sáu ngày đêm, khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non/Gan không núng/Chí không mòn!”…
…Thì ấn tượng nhất đối với tôi về chiến thắng Điện Biên Phủ là bài thơ trong sách tập đọc lớp 3 mà hơn 30 năm rồi tôi vẫn nhớ, dù không đầy đủ lắm, bài thơ Một chiều hè lịch sử:
…Bố kể chuyện Điện Biên
Bộ đội mình chiến thắng
Lũ Tây bị bắt sống
Ta giải đi từng đàn
Tướng Đờ Cát ra hàng
Cả đồn đều san phẳng
Cờ quyết chiến, quyết thắng
Tung bay trên nóc hầm
Chiều mùng bảy tháng năm
Một chiều hè lịch sử.
Bài thơ dung dị ấy như một bài học lịch sử nhẹ nhàng, dễ nhớ, dễ thuộc đối với các học sinh tiểu học. Vì nhớ nội dung bài thơ mà tôi có thể nhớ được dấu mốc thời gian quân ta giành chiến thắng ở Điện Biên Phủ là một chiều mùa hè ngày 07/5/1954. Chúng tôi lúc ấy chưa thể hình dung hết được ý nghĩa lớn lao của sự kiện vẻ vang này. Nhưng dù còn bé chúng tôi cũng biết chiến thắng đó là niềm tự hào của dân tộc ta và chúng ta đã đánh thắng giặc Pháp sau 80 năm bị đô hộ, đánh dấu mốc son chói lọi trong lịch sử hào hùng của đất nước ta khi lần đầu tiên một nước thuộc địa thắng một đế quốc thực dân trong một trận đánh trực diện.
 

Chiều 07/5/1954, lá cờ “Quyết chiến - Quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng. Ảnh: Triệu Đại - TTXVN

Đã 70 năm trôi qua, kể từ chiều hè năm 1954 ấy, nhưng những vang vọng của chiến tích hào hùng năm xưa vẫn luôn được khắc ghi trong trái tim thế hệ trẻ của chúng tôi. Và khi lớn lên, được có cơ hội học tập, tìm hiểu về lịch sử, tôi hiểu rằng chiến thắng lẫy lừng của cha ông lúc đó thì có bao nhiêu trang sách giáo khoa cũng không thể lột tả hết được những khó khăn, cam go, khốc liệt của cuộc chiến, cũng như sự mưu trí, anh dũng, bất khuất, anh hùng của các anh Bộ đội cụ Hồ. Có lẽ vì trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, chúng ta có vô vàn cuộc chiến, không cuộc chiến nào không vĩ đại, không mất mát đau thương nên không thể nói hết tất cả trong cuốn sách lịch sử, chỉ có thể nói những điều giản lược nhất, dễ hiểu nhất mà thôi.
Tôi mong các bạn cũng như tôi, sẽ đặt nhiều câu hỏi cho lịch sử cuộc chiến Điện Biên Phủ và tự tìm câu trả lời trong các tư liệu để hiểu hơn về cuộc chiến. Tôi tin rằng càng tìm hiểu, các bạn cũng sẽ tự tìm được những đáp án vô cùng thú vị, thú vị đến kinh ngạc: chẳng hạn như tại sao Đại tướng Võ Nguyên Giáp lại quyết định thay đổi phương châm tác chiến: Từ đánh nhanh, giải quyết nhanh sang đánh chắc, tiến chắc vào ngày 26/01/1954? Tại sao lại quyết định kéo pháo vào rồi lại kéo pháo ra, trong khi những khẩu pháo nặng những nửa tấn, còn một quả đạn thì nặng những 25kg phải vượt qua nhiều đèo cao núi sâu vào trận địa? Tại sao lại là “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”? Lịch sử ra đời bài hát Giải phóng Điện Biên của nhạc sỹ Đỗ Nhuận?...
Càng tìm hiểu, các bạn cũng sẽ được chứng kiến những tấm gương anh dũng, hiên ngang chiến đấu, sẵn sàng quên thân mình hi sinh cho Tổ quốc trong cuộc chiến ấy: Anh hùng Tô Vĩnh Diện lấy thân chèn pháo, anh lấy chính cơ thể mình chèn vào càng pháo, ghìm giữ không cho khẩu pháo cao xạ 37mm bị lăn xuống vực trong Chiến dịch Điện Biên Phủ; Anh hùng Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai; Anh Bế Văn Đàn lấy vai làm giá súng; Anh hùng Trần Can hiên ngang dẫn đầu tiểu đội cắm cờ trên lô cốt Him Lam và còn rất nhiều, rất nhiều các anh hùng bước ra từ trận chiến ấy, đã ra đi không hẹn ngày về… Các anh hùng ấy đã hy sinh trên mảnh đất Điện Biên, để hôm nay đất nước được hòa bình, người dân được sống trong ấm no, hạnh phúc.
 

Kể từ sau chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” ấy, cái tên Điện Biên Phủ từ một địa danh thuần túy đã trở thành một danh từ có trong từ điển của hơn 100 nước trên thế giới, cũng như cái tên Việt Nam, Việt Nam War. Năm nay kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Đảng, Nhà nước ta đã có kế hoạch tổ chức buổi Lễ kỷ niệm trên chính mảnh đất Điện Biên lịch sử. Nhìn những chiến sỹ miệt mài luyện tập diễu binh với khẩu hiệu “vượt nắng, thắng mưa, say sưa luyện tập” trên thao trường, tôi thấy rất tự hào. Mong các em và các bạn trẻ khác hãy đem sức trẻ, tinh thần nhiệt huyết của mình cống hiến hết mình cho quê hương, đất nước, như bao thế hệ cha anh đã cống hiến cuộc đời mình giải phóng dân tộc khỏi ách xâm lăng. Mong các em cũng tự hào về chiến thắng Điện Biên Phủ như tôi, luôn khắc ghi công ơn của các thế hệ cha anh đi trước và nguyện sống xứng đáng để góp phần dựng xây quê hương đất nước ta ngày càng to đẹp hơn, phát triển hơn.
Tôi chưa có cơ hội được đến với Điện Biên, nhưng qua lời kể của các đồng nghiệp khi đến với mảnh đất này, tôi cảm nhận được rất nhiều tình cảm yêu quý, gắn bó họ dành cho con người nơi đây. Hy vọng trong tương lai không xa, tôi sẽ được đến mảnh đất anh hùng này, được nhìn tận mắt cứ điểm Điện Biên, đồi A1, hầm tướng “Đờ Cát Tơri”, khu căn cứ địa cách mạng Mường Phăng… và được chứng kiến Điện Biên đang thay đổi từng ngày./.
Đinh Quỳnh Mây -Đoàn viên Chi đoàn Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật