Trao đổi: Những vấn đề pháp lý đặt ra trong việc phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo

10/05/2024
I. KHÁI QUÁT VỀ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO VÀ NHỮNG KHẢ NĂNG MÀ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO MANG LẠI
1.1. Khái quát về trí tuệ nhân tạo
Trí tuệ nhân tạo (AI) có thể hiểu một cách đơn giản là công nghệ tính toán, xử lý dữ liệu để máy móc mô phỏng hành vi thông minh của con người, đặc biệt là khả năng suy nghĩ và lập luận, năng lực giao tiếp, học hỏi và thích nghi. Điều 3(1) của Luật về Trí tuệ nhân tạo của Liên minh Châu Âu (bản được Nghị viện Châu Âu thông qua ngày 13/3/2024) định nghĩa: "‘Hệ thống trí tuệ nhân tạo’ có nghĩa là một hệ thống dựa trên máy được thiết kế để hoạt động với các mức độ tự chủ khác nhau, có thể thể hiện khả năng thích nghi sau khi hệ thống đã được triển khai và với các mục tiêu rõ ràng hoặc ngầm định, hệ thống này suy luận ra, được từ những dữ liệu đầu vào mà hệ thống nhận được, cách tạo ra các kết quả đầu ra như sự dự đoán, các nội dung, các khuyến nghị, hoặc các quyết định mà những thứ này có thể ảnh hưởng đến môi trường vật lý hoặc môi trường ảo." Sắc lệnh của hành pháp Hoa Kỳ ngày 30/10/2023 cũng có định nghĩa khá tương tự về “trí tuệ nhân tạo”.
          Trong nghiên cứu về AI, người ta phân biệt 'AI hẹp' (Narrow AI)[1] với 'AI tổng quát' (General AI)[2] (thường được gọi là trí tuệ nhân tạo tổng quát, viết tắt theo tiếng Anh là AGI). 'AI hẹp' tập trung vào việc thực hiện một nhiệm vụ cụ thể (ví dụ như nhận dạng biển báo đường, nhận diện khuôn mặt, nhận diện giọng nói, thực hiện thao tác dịch thuật từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác)[3], trong khi AGI được kỳ vọng có khả năng rộng lớn như con người bao gồm khả năng hiểu, học hỏi và áp dụng tri thức, tham gia cuộc trò chuyện, lái xe, giải thích các phán quyết pháp lý, v.v. Các hệ thống AI được ứng dụng trong thực tế cho tới thời gian gần đây cơ bản là 'AI hẹp'.
Hệ thống trí tuệ nhân tạo luôn đi kèm với một trong những kỹ thuật được sử dụng rộng rãi nhất trong nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo là “học máy” (machine learning). Học máy (ML) là một hình thức của trí tuệ nhân tạo nhằm phát triển hệ thống tính toán theo hướng dạy cho hệ thống này học cách thực hiện một nhiệm vụ từ dữ liệu đào tạo. Thay vì được lập trình một cách rõ ràng giữa việc “ra lệnh” và việc tạo ra “kết quả đầu ra” một cách chính xác như các phần mềm máy tính truyền thống (software), những hệ thống trí tuệ nhân tạo được thiết kế để sử dụng các thuật toán (algorithms)[4] để phân tích các xu thế mẫu (pattern) trong dữ liệu được cung cấp và đưa ra lời dự đoán hoặc đưa ra quyết định mà không cần sự can thiệp của con người. Học máy được thiết kế để tổng quát hóa ngoài dữ liệu đào tạo sao cho các kết quả đầu ra của hệ thống có thể chuẩn xác ngay cả trong tình huống mà hệ thống này không được đào tạo (ví dụ, học cách xác định có hay không có một căn bệnh nào đó, chẳng hạn như “bệnh tiểu đường” từ dữ liệu đào tạo đầu vào là hàng ngàn ảnh chụp võng mạc lịch sử được gán nhãn với kết quả). Nói cách khác, nhờ việc sử dụng các thuật toán trong học máy, hệ thống trí tuệ nhân tạo có khả năng tương tự như bộ não của con người đó là học hỏi, đúc rút kiến thức và thích nghi với môi trường thông qua trải nghiệm. Do vậy, nói tới trí tuệ nhân tạo, là nói tới, học máy, và cũng là nói tới thuật toán, dữ liệumạng nơ-ron thần kinh của máy tính (neural networks)[5].
Học máy được sử dụng trong hầu hết các hệ thống AI hiện đại như một cách tiết kiệm chi phí để giải quyết các vấn đề mà việc phát triển sử dụng lập trình truyền thống sẽ quá đắt đỏ hoặc không thể thực hiện được - và chìa khóa cho điều này là khả năng của học máy trong việc tổng quát hóa vượt ra ngoài dữ liệu đào tạo. Ví dụ, một hệ thống dựa trên học máy được sử dụng cho chẩn đoán y tế nên hoạt động cho bất kỳ bệnh nhân nào trong phạm vi ứng dụng dự định của hệ thống. Điều này tương tự như cách con người áp dụng kiến thức của mình - các bác sĩ có thể điều trị cho bệnh nhân họ chưa từng gặp trước đây, chúng ta có thể lái xe trên những con đường mới, kể cả những con đường chưa được xây dựng khi chúng ta học lái xe.
1.2. Những khả năng mà trí tuệ nhân tạo mang lại
Dựa trên trí tuệ nhân tạo, nhiều phần mềm ứng dụng đã được thực hiện. Chẳng hạn, những sản phẩm nhận dạng và tương tác với con người thông qua giọng nói như Siri trong hệ điều hành iOS mà các điện thoại thông minh của hãng Apple đang sử dụng có thể tương tác, giao tiếp với con người bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Các phần mềm dịch tự động từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác cũng là một ứng dụng của AI đang được sử dụng khá rộng rãi trên Internet để hỗ trợ hoạt động giao tiếp giữa người với người ở các quốc gia khác nhau (phần mềm dịch máy của Google là một trong những phần mềm khá nổi tiếng). AI cũng đang hỗ trợ việc tìm kiếm, phân loại thông tin trên mạng, ứng dụng vào lĩnh vực thiết bị tự lái...[6] AI được ứng dụng trong các nền tảng kết nối xe trực tuyến, các nền tảng số phục vụ việc cho vay ngang hàng trong lĩnh vực tín dụng, trong các nền tảng thương mại điện tử để phân tích lịch sử mua hàng của khách hàng và đưa ra những gợi ý cho những lần mua hàng tiếp theo của khách hàng, trong các thiết bị an ninh (nhận diện khuôn mặt, nhận diện giọng nói, nhận dạng dựa trên các đặc điểm sinh trắc học khác), trong các trò chơi trực tuyến, trong sáng tạo nội dung số trên Internet (tạo phim, xử lý ảnh, viết bài)… Do vậy, có thể nói, nhiều ứng dụng trí tuệ nhân tạo đã trở thành một cấu phần trong cuộc sống thường nhật của các “công dân mạng”, “công dân số” hiện nay (từ làm việc, học tập, khám chữa bệnh, rèn luyện sức khỏe, đi lại, du lịch, mua sắm, vui chơi giải trí v.v.).
Xét về tiềm năng, AI có thể ứng dụng rất rộng rãi trong quá trình thu thập, xử lý thông tin, ra quyết định trong các lĩnh vực như nông nghiệp, y tế, chuyển đổi số doanh nghiệp và xây dựng chính phủ số.[7] Riêng với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, các khái niệm về “lớp học thông minh” (smart class), “khuôn viên đại học thông minh” (smart campus), “đại học thông minh” (smart universities), “trường học thông minh” (smart schools) sẽ không có ý nghĩa nếu không có sự ứng dụng và hỗ trợ từ các hệ thống trí tuệ nhân tạo. Tương tự như vậy, đối với lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp, các khái niệm “nông nghiệp công nghệ cao”, “nông nghiệp thông minh” (smart agriculture), “nhà máy thông minh” (smart factory) sẽ không có ý nghĩa nếu thiếu sự ứng dụng của các hệ thống trí tuệ nhân tạo. Đối với lĩnh vực quản lý đô thị, các khái niệm như “đô thị thông minh” (smart city), “giao thông thông minh” (smart transportation), “hệ thống truyền tải năng lượng thông minh” (smart grid) v.v. sẽ không còn nhiều ý nghĩa nếu thiếu sự hỗ trợ của hệ thống trí tuệ nhân tạo.
Ứng dụng các phần mềm sử dụng AI vào sản xuất kinh doanh có thể giúp mang lại hiệu quả cao cho các doanh nghiệp, bao gồm không chỉ với những công ty lớn mà kể cả những công ty nhỏ, ít tên tuổi. Có thể nói, “làn sóng” ứng dụng AI vào sản xuất kinh doanh đang bùng nổ trên phạm vi toàn cầu.
Một trong những sự kiện nổi bật trong lĩnh vực phát triển và ứng dụng AI thời gian qua là việc phát triển và ứng dụng ngày càng rộng rãi của loại trí tuệ nhân tạo tạo sinh (generative AI). Đây là loại công nghệ trí tuệ nhân tạo có khả năng tạo ra kết quả đầu ra (output) là văn bản, âm thanh, hình ảnh, video v.v. từ các dữ liệu đầu vào[8]. Một trong những ứng dụng được truyền thông đề cập nhiều nhất thời gian qua là ChatGPT của Công ty OpenAI. Cụ thể, ngày 30/11/2022, Công ty OpenAI (trụ sở tại San Francisco, California, Hoa Kỳ) đã cho ra mắt một chương trình trí tuệ nhân tạo xử lý ngôn ngữ để hiểu các câu hỏi và tự động trả lời (Chatbot) có tên là ChatGPT với nhiều tính năng thông minh trong việc xử lý ngôn ngữ, soạn thảo văn bản, thiết kế, vẽ tranh v.v.
Tại Việt Nam thời gian qua một số doanh nghiệp cũng đã ứng dụng AI phục vụ cho hoạt động kinh doanh. TPBank đã sử dụng trợ lý ảo có tên TAio trên Facebook Fanpage từ cuối năm 2017 để nâng chất lượng dịch vụ phục vụ khách hàng. Ứng dụng này đang giúp TPBank phản hồi trên 1,5 triệu khách hàng tương tác trong cùng một thời điểm. Nhiều ngân hàng đang sử dụng trợ lý AI như chatbot để đưa ra lời khuyên tài chính được cá nhân hóa và xử lý ngôn ngữ tự nhiên nhằm cung cấp dịch vụ khách hàng tự phục vụ, đồng thời sử dụng định danh điện tử (eKYC) để xác thực, hay sử dụng máy học (machine learning) để xây dựng các mô hình dự báo chính xác hơn, nhanh chóng hơn. Techcombank đã ứng dụng AI phân tích dữ liệu mùa cao điểm rút tiền từ ATM để tăng cường dòng tiền và phân tích thông tin phòng chống gian lận.[9]
Ở lĩnh vực bán lẻ, các thương hiệu FPT Shop, Thế Giới Di Động, Lotte Mart,... cũng dùng AI để dự báo hành vi khách hàng nhằm tiếp cận khách hàng mục tiêu. AI sẽ phân tích dữ liệu của khách để nhận diện các nhóm khách hàng chỉ mua hàng khi có khuyến mãi, có khả năng mua hàng cao, ít mua hàng. Chuỗi siêu thị Nguyễn Kim đã ứng dụng chatbot (một chương trình máy tính, tương tác với người dùng bằng ngôn ngữ tự nhiên) để phản hồi nhanh, phân luồng để chăm sóc khách hàng, giải quyết khiếu nại, đặt chỗ, đặt trước sản phẩm…[10] Ở lĩnh vực y tế, giai đoạn Covid-19 vừa qua, các trợ lý AI (voice bot) đã thực hiện hàng triệu cuộc gọi, hỗ trợ ngành y kiểm soát, sàng lọc và truy vết các ca nhiễm. Trong giáo dục, thương mại, AI được ứng dụng để đa dạng hóa cách truyền tải nội dung, cá nhân hóa trải nghiệm mua sắm...[11]
Kể từ khi ChatGPT ra đời (tháng 11/2022), với phiên bản mới nhất hiện nay là ChatGPT4, công cụ trí tuệ nhân tạo này đã chứng tỏ những khả năng mà AI mang lại trong nhiều lĩnh vực. Ví dụ: Khả năng dịch tự động từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác có độ chuẩn xác khá cao. Việc ứng dụng ChatGPT có thể nâng cao hiệu suất làm việc cho các cán bộ nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế hoặc dịch thuật nói chung và dịch thuật trong lĩnh vực pháp luật. Điều này tạo thuận lợi lớn cho các cơ quan tham mưu xây dựng pháp luật trong việc tìm hiểu, tiếp cận với các văn bản quy phạm pháp luật ở các quốc gia khác, ngay cả khi các văn bản quy phạm pháp luật ấy không được dịch ra những thứ ngôn ngữ phổ biến. ChatGPT hoặc các sản phẩm AI tương tự còn có khả năng làm tốt hơn thế: bao gồm, khả năng soạn thảo văn bản tự động theo yêu cầu của người ra lệnh (chẳng hạn: sáng tác lời bài thơ, sáng tác lời bản nhạc, sáng tác truyện ngắn, sáng tác tiểu thuyết v.v.). ChatGPT còn có khả năng viết sách giới thiệu kiến thức chuyên môn. ChatGPT cũng có khả năng soạn thảo các văn bản mang tính pháp lý như: soạn thảo di chúc, soạn thảo hợp đồng, soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật v.v.
II. NHỮNG VẤN ĐỀ PHÁP LÝ ĐẶT RA ĐỐI VỚI VIỆC PHÁT TRIỂN VÀ ỨNG DỤNG TRÍ TUỆ NHÂN TẠO
Việc phát triển và ứng dụng các công cụ trí tuệ nhân tạo, nhất là trí tuệ nhân tạo tạo sinh (Generative AI) như ChatGPT đang đặt ra nhiều vấn đề pháp lý, trong đó phải kể tới những vấn đề sau[12]:
Thứ nhất, vấn đề sở hữu và các quyền tài sản và quyền nhân thân đối với dữ liệu. Không hệ thống trí tuệ nhân tạo nào có thể phát triển và vận hành nếu thiếu dữ liệu. Dữ liệu được xem là “dầu mỏ” hoặc “nguyên liệu đầu vào” không thể thiếu đối với các hệ thống trí tuệ nhân tạo. Các doanh nghiệp phát triển và khai thác dữ liệu do các tổ chức, cá nhân của một quốc gia tạo ra để cung cấp các loại dịch vụ ra thị trường, thu được lợi nhuận, vậy quốc gia có dữ liệu có được hưởng lợi ích cụ thể gì từ những thành quả thương mại mà doanh nghiệp phát triển AI thu được không? Đây đang là vấn đề pháp lý được bỏ ngỏ trong pháp luật của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Tới đây, việc xác lập chủ quyền quốc gia đối với dữ liệu do công dân, doanh nghiệp, các tổ chức khác của quốc gia mình làm ra cần được thực hiện theo các quy tắc như thế nào? Liệu các dữ liệu do công dân, doanh nghiệp, các tổ chức khác ở một quốc gia tạo ra và cung cấp lên môi trường mạng có nên được sử dụng một cách “miễn phí” như hiện nay hay không? Các khía cạnh quyền tài sản và quyền nhân thân đối với các loại dữ liệu nên được xử lý như thế nào?
Thứ hai, vấn đề tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ dữ liệu cá nhân: Trong quá trình phát triển và ứng dụng các hệ thống trí tuệ nhân tạo, doanh nghiệp phát triển hệ thống trí tuệ nhân tạo và người sử dụng phải tuân thủ những quy tắc cụ thể nào trong việc tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ dữ liệu cá nhân khi các tác nghiệp trên hệ thống trí tuệ nhân tạo có liên quan tới việc thu thập, lưu trữ và sử dụng dữ liệu cá nhân? Chẳng hạn, với trường hợp của Công ty OpenAI (công ty phát triển phần mềm ChatGPT), công ty này sẽ lưu trữ các cuộc hội thoại (trao đổi) giữa ChatGPT và người sử dụng ChatGPT để là dữ liệu đào tạo AI trong tương lai. Điều này có thể dẫn tới vấn đề là nếu những người sử dụng đưa các thông tin hoặc dữ liệu cá nhân mang tính nhạy cảm vào ChatGPT thì sau này những dữ liệu này có thể được khai thác, sử dụng bởi chính những người sử dụng ChatGPT khác. Ví dụ: nếu một nhà tuyển dụng lao động sử dụng ChatGPT để soạn thảo 1 hợp đồng lao động với một nhân viên nào đó (trong đó, hợp đồng sẽ chứa đựng những thông tin/dữ liệu cá nhân như tên tuổi, địa chỉ, thông tin về thu nhập của nhân viên này). Khi đó, những dữ liệu cá nhân của nhân viên này sẽ được ChatGPT sử dụng như một nguồn dữ liệu đào tạo trí tuệ nhân tạo trong tương lai. Để ngăn ngừa khả năng này, người sử dụng ChatGPT có thể đặt chế độ tự động không lưu dữ liệu hội thoại mỗi lần sử dụng ChatGPT hoặc người sử dụng có thể yêu cầu Công ty OpenAI xóa toàn bộ dữ liệu hội thoại trong quá khứ của những lần mình đã dùng ChatGPT. Hiện tại, Công ty OpenAI tự đặt ra cam kết rằng, việc phát triển ChatGPT là hoàn toàn tuân thủ theo các quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân ở Hoa Kỳ (chẳng hạn như, tuân thủ đầy đủ Luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân của người tiêu dùng bang California - California Consumer Privacy Act - CCPA), tuân thủ đúng Quy định chung về bảo vệ dữ liệu (General Data Protection Regulation - GDPR) của Châu Âu. Một vấn đề đặt ra là, nếu công ty cung cấp dịch vụ AI ở một quốc gia cung cấp dịch vụ AI cho người tiêu dùng ở quốc gia khác (dù có thu phí hay không thu phí) thì công ty cung cấp dịch vụ AI ấy phải tuân thủ như thế nào đối với pháp luật của quốc gia mà người tiêu dùng có quốc tịch (trong đó có các quy định về an ninh mạng, pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, pháp luật thuế v.v.)? Cơ chế nào để bảo đảm sự tuân thủ pháp luật ấy?
Ngoài ra, một vấn đề cũng quan trọng cần tính tới là việc sử dụng ChatGPT để hỗ trợ các hoạt động, như soạn thảo hợp đồng, dịch thuật, thiết kế v.v. có thể làm tăng năng suất lao động rất lớn của các công ty hoặc nhà cung cấp dịch vụ có liên quan, từ đó, giúp cho các công ty này thu được khoản lợi nhuận lớn so với trước đây. Pháp luật có nên quy định nghĩa vụ bắt buộc nhà cung cấp dịch vụ có sử dụng ChatGPT hoặc các công cụ AI tương tự thông tin đầy đủ với người sử dụng dịch vụ rằng dịch vụ mà học cung cấp có sử dụng sự hỗ trợ của ChatGPT hoặc các công cụ AI tương tự không? Hiện tại, Bang California của Hoa Kỳ, với việc ban hành Luật về tiết lộ thông tin về sử dụng ứng dụng phần mềm tự động thực hiện các tác vụ lặp đi lặp lại qua mạng (California Bot Disclosure Law), các doanh nghiệp sử dụng công cụ AI tạo sinh phải tuyên bố rõ rằng doanh nghiệp đang sử dụng công cụ AI tạo sinh trong tương tác với người tiêu dùng.
Thứ ba, vấn đề tôn trọng quyền tác giả (và khả năng vi phạm pháp luật về bảo hộ quyền tác giả): Quá trình đào tạo các hệ thống trí tuệ nhân tạo, nhất là hệ thống trí tuệ nhân tạo tạo sinh như ChatGPT và các thông tin đầu ra do ChatGPT cung cấp cho người sử dụng cũng có thể đặt ra vấn đề về quyền tác giả.
Dữ liệu được sử dụng để đào tạo hệ thống trí tuệ nhân tạo: Các hệ thống trí tuệ nhân tạo như ChatGPT được đào tạo dựa trên một lượng rất lớn các nguồn thông tin trên Internet. Việc sử dụng một số nguồn dữ liệu này có thể vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của người khác. Hiện nay, một vấn đề đặt ra là chưa có quy định pháp luật một cách rõ ràng rằng việc các hệ thống trí tuệ nhân tạo như ChatGPT sử dụng các dữ liệu trên Internet (các bài báo, tạp chí, sách, dữ liệu hình ảnh v.v. vốn đều là các sản phẩm được bảo hộ quyền tác giả) để làm dữ liệu nguồn cung cấp các câu trả lời cho người sử dụng hệ thống trí tuệ nhân tạo này có vi phạm pháp luật về quyền tác giả hay không? Nếu vi phạm thì vi phạm ở quy định nào và biện pháp chế tài phù hợp ra sao?
Về chủ sở hữu của thông tin đầu ra, tác phẩm do hệ thống trí tuệ nhân tạo như ChatGPT cung cấp: Cho tới nay, vẫn chưa rõ, những thông tin mà hệ thống trí tuệ nhân tạo như ChatGPT cung cấp cho người sử dụng (chẳng hạn, bài thơ, bản dịch, bức tranh, cuốn sách mà ChatGPT tạo ra theo câu lệnh[13] của người dùng) thì thuộc sở hữu của ai? Hiện nay, điều khoản sử dụng ChatGPT của Công ty OpenAI quy định người sử dụng ChatGPT có quyền tái sử dụng những sản phẩm đầu ra mà ChatGPT cung cấp cho bất cứ mục đích nào, trong đó có cả việc cho xuất bản. OpenAI cũng quy định rằng, người sử dụng phải hoàn toàn chịu trách nhiệm pháp lý về nội dung mà ChatGPT tạo ra theo câu lệnh của mình. Điều này có nghĩa rằng, nếu thông tin, tác phẩm do ChatGPT tạo ra có yếu tố xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thì người sử dụng ChatGPT tạo ra cũng phải chịu trách nhiệm về điều này. Tuy nhiên, điều này có thể gây rắc rối lớn cho người sử dụng bởi lẽ người sử dụng thông tin, tác phẩm do ChatGPT tạo ra không thể biết được nguồn gốc trích dẫn của những thông tin mà ChatGPT sử dụng khi cung cấp cho người sử dụng.
Trong thực tế, ngày 27/12/2023, Báo New York Times đã chính thức đệ đơn khởi kiện Microsoft (công ty đầu tư vào OpenAI) và OpenAI (công ty cung cấp dịch vụ ChatGPT) với cáo buộc các công ty này đã có hành vi xâm phạm quyền tác giả, lạm dụng tài sản trí tuệ của Báo New York Times khi sử dụng miễn phí các dữ liệu của Báo New York Times để đào tạo các mô hình ngôn ngữ lớn, phục vụ việc cung cấp dịch vụ ChatGPT. Tòa án thụ lý vụ việc là Tòa án quận Nam New York. Báo New York Times cho rằng, Microsoft và OpenAi phải chịu trách nhiệm về hàng tỷ USD thiệt hại thực tế hoặc thiệt hại theo luật định mà New York Times đã phải gánh chịu khi Microsoft và OpenAI sử dụng những tác phẩm giá trị duy nhất của Báo New York Times. Báo New York Times cũng cho rằng, việc sử dụng các dữ liệu báo chí với mục đích thương mại thì phải có sự cho phép của chủ nguồn dữ liệu ban đầu. Nếu Microsoft và OpenAI sử dụng dữ liệu của New York Times (dù đó là dữ liệu đã công khai trên Internet), thì Microsoft và OpenAI vẫn phải xin phép New York Times. Phía OpenAI thì cho rằng, họ luôn tôn trọng các quyền của người sáng tạo nội dung và quyền của chủ sở hữu nội dung thông tin và sẵn sàng làm việc với những người này để bảo đảm rằng họ cũng được hưởng lợi từ công nghệ AI và có được nguồn doanh thu mới. Phía OpenAI cho rằng, phương thức thỏa thuận, hợp tác cùng nhau để cùng chia sẻ lợi ích thì tốt hơn là đưa vụ việc ra tòa. Vụ kiện này sẽ mở ra một tiền lệ quan trọng về việc tìm phương án hài hòa chia sẻ lợi ích của công ty cung cấp dịch vụ AI tạo sinh và các chủ sở hữu dữ liệu có dữ liệu đã được công ty cung cấp dịch vụ AI tạo sinh khai thác, sử dụng để đào tạo AI và cung cấp các dịch vụ có liên quan mang tính thương mại[14].
Thứ tư, khả năng lan truyền những thông tin không chính xác hoặc những định kiến: Do một số hệ thống trí tuệ nhân tạo, trong đó có ChatGPT được đào tạo dựa trên hệ rất nhiều dữ liệu lớn trong đó các thông tin, dữ liệu này có thể bao gồm cả thông tin, dữ liệu không hoàn toàn chính xác (đang được phổ biến trên Internet), trong đó có cả những thông tin, dữ liệu mang tính định kiến, thiên lệch về nhận thức. Đó là chưa kể tới thực tế, ngay trong các thuật toán của hệ thống trí tuệ nhân tạo đã có thể mang những định kiến sai lệch từ phía chính những người thiết kế thuật toán, từ đó làm cho quá trình xử lý thông tin của hệ thống trí tuệ nhân tạo thiếu khách quan và chuẩn xác, từ đó, kết quả đầu ra là những thông tin có tính định kiến, phân biệt theo hướng bất lợi cho nhóm thiểu số dễ bị tổn thương, trong đó có thể là phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi v.v. Thực tế, trong quá trình xử lý dữ liệu để cung cấp các thông tin, sản phẩm đầu ra, hệ thống trí tuệ nhân tạo như ChatGPT chưa có khả năng hiểu và loại trừ hoàn toàn những thông tin, dữ liệu mang tính định kiến. Do vậy, thông tin, dữ liệu được ChatGPT xử lý, chọn lọc và cung cấp cho người sử dụng có thể chứa đựng cả các thông tin không chính xác. Vì thế, với những câu hỏi để khai thác thông tin từ ChatGPT, có thể các thông tin do ChatGPT đưa ra, có trường hợp, không hoàn toàn đáng tin cậy về khía cạnh chuyên môn, học thuật, nhất là trong điều kiện, ChatGPT không cung cấp rõ nguồn dữ liệu ban đầu mà ChatGPT sử dụng để cung cấp thông tin. Điều này tạo ra rủi ro pháp lý cho người dùng nếu người sử dụng ChatGPT khai thác thông tin từ phía ChatGPT và ChatGPT đưa ra thông tin sai lạc, mang tính phỉ báng về người khác, sau đó người dùng lại lan truyền thông tin này thì rất có thể người sử dụng ChatGPT bị xử lý vi phạm về hành vi lan truyền thông tin gian dối hoặc mang tính chất xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác. Chẳng hạn, tháng 4 năm 2023, thị trưởng của một thành phố ở Úc (ông Brian Hood) đã dọa kiện công ty OpenAI (nếu Công ty không có biện pháp sửa chữa) về việc lan truyền thông tin mang tính xúc phạm mình khi những người sử dụng ChatGPT ra lệnh cho ChatGPT tìm kiếm thông tin về vị thị trưởng này đã đưa ra thông tin sai lạc rằng vị thị trưởng này đã từng bị bắt và bị truy tố về tội nhận hối lộ vào năm 2012[15]. Sau đó, OpenAI đã điều chỉnh thuật toán để các thông tin về ông Brian Hood đã được chuẩn xác hóa.
Rủi ro lan truyền thông tin không chính xác, nếu đó là các thông tin nhạy cảm về chính trị hoặc thông tin nhạy cảm về kinh tế (chẳng hạn thông tin liên quan tới an toàn của hệ thống ngân hàng, thông tin về thị trường chứng khoán v.v.), cùng với đó là khả năng dùng hệ thống AI để thao túng hành vi của người dùng có thể gây ra những tác động khó lường về quốc phòng[16], an ninh quốc gia, an ninh kinh tế, trật tự, an toàn xã hội. Điều này đặt ra nhu cầu điều chỉnh hành vi của chủ thể phát triển và ứng dụng AI để kiểm soát những dạng rủi ro vừa nêu.
Thứ năm, công nghệ trí tuệ nhân tạo cũng có thể được sử dụng bởi các tổ chức tội phạm để thực hiện các dạng hành vi phạm tội mới, nhất là các loại tội phạm trên không gian mạng, các hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng, trong đó có các hành vi lừa đảo, giả mạo, các loại tội phạm về tài chính khác…
Thứ sáu, việc ứng dụng các thuật toán và các hệ thống trí tuệ nhân tạo có thể làm gia tăng đáng kể sức mạnh của doanh nghiệp trong quan hệ với người tiêu dùng, gia tăng quyền lực thị trường của doanh nghiệp sở hữu nền tảng số ứng dụng trí tuệ nhân tạo, từ đó đặt ra nhiều thách thức đối với cách tính toán, điều tiết trật tự cạnh tranh lành mạnh và công bằng trên thị trường mà pháp luật cạnh tranh và pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng truyền thống đảm nhiệm.
Ngoài ra, từ khía cạnh đạo đức, có thể thấy AI có tác động tới từng cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức, các cơ quan nhà nước và tới toàn xã hội như sau:
Một là, tác động tới môi trường trong quá trình sử dụng AI tạo sinh. Theo đó, để vận hành AI tạo sinh, các công ty cung cấp dịch vụ AI tạo sinh thường tiêu tốn rất nhiều năng lượng, điều đó sẽ đưa tới lượng phát thải CO2 lớn. Điều này đặt ra yêu cầu khi thiết kế các AI, các công ty tạo ra AI cần sử dụng những thiết kế AI hiệu quả, sử dụng năng lượng xanh.
Hai là, AI có thể được sử dụng cho các mục đích xấu: lan truyền thông tin xấu độc, lan truyền thông tin mang tính bạo lực, sử dụng AI để lừa đảo (nhất là Deepfake), sử dụng AI để gian lận trong các hoạt động giáo dục và đào tạo v.v. Điều này gây hại cho việc duy trì một môi trường đạo đức xã hội lành mạnh, gây hại cho việc xây dựng và duy trì một môi trường không gian mạng, nhất là môi trường Internet trong lành cho các thành viên trong xã hội.
Ba là, AI có thể tạo ra hàng tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu, tạo thêm những công việc mới nhưng cũng có thể thay thế nhiều loại hình lao động. Việc ứng dụng phổ biến AI có thể mang lại lợi nhuận lớn cho các công ty công nghệ, mang lại nhiều lợi ích cho nước giàu, nhưng cũng là thách thức lớn cho các nước đang phát triển. Điều này có nghĩa rằng, nếu các quốc gia đang phát triển không vươn nhanh và bắt kịp các xu hướng công nghệ trí tuệ nhân tạo để ứng dụng, các quốc gia đang phát triển sẽ dễ bị bỏ lại phía sau. Thêm vào đó, ngay trong bản thân mỗi quốc gia, những lực lượng lao động tiếp cận nhanh với những thành tựu của công nghệ trí tuệ nhân tạo và khai thác được lợi ích từ công nghệ này có thể sẽ cải thiện thu nhập và vị thế xã hội của mình trong khi nhiều bộ phận trong xã hội sẽ bị bỏ lại phía sau. Điều này hàm nghĩa rằng, việc phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo nếu không chú ý tới khía cạnh bảo đảm công bằng, có thể góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng bất công trong các xã hội.
III. BƯỚC ĐẦU NHẬN DIỆN NHU CẦU ĐIỀU CHỈNH PHÁP LUẬT ĐỐI VỚI VIỆC PHÁT TRIỂN VÀ ỨNG DỤNG TRÍ TUỆ NHÂN TẠO
Trước sự ra đời và ứng dụng ngày càng phổ biến của các dạng AI trong những năm gần đây (nhất là với trí tuệ nhân tạo tạo sinh) trong bối cảnh xu hướng hình thành xã hội số ngày càng rõ nét, nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đã có những động thái chính sách để xử lý những vấn đề pháp lý phát sinh. Các chính sách thường xoay quanh việc tìm điểm cân bằng giữa yêu cầu “tạo động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo liên quan tới việc phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo” với yêu cầu “bảo vệ lợi ích công cộng” (nhất là trật tự, an ninh, an toàn xã hội, lợi ích của người tiêu dùng v.v.). Trong tập sách chuyên khảo vừa xuất bản đầu năm 2024 của NXB Đại học Cambridge, các chuyên gia hàng đầu về luật và trí tuệ nhân tạo ở một số quốc gia công nghiệp phát triển đã lưu ý rằng pháp luật cần phải thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ trí tuệ nhân tạo nhưng “cần phải giữ được sự cân bằng cẩn trọng. Khi thay đổi pháp luật diễn ra quá chậm, tình trạng này có thể tạo ra những rủi ro đáng kể cho người phát triển hoặc người sử dụng công nghệ trong khi nêu sự thay đổi pháp luật diễn ra quá nhanh theo hướng nội dung được thiết kế không dựa trên những suy nghĩ kỹ lưỡng và thấu đáo, pháp luật có thể làm ngăn cản tiến bộ công nghệ”[17]. Việc thiết kế ra chính sách, quy định pháp luật điều chỉnh việc phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo thường được tiến hành với sự tham vấn rộng rãi của các chủ thể có lợi ích liên quan.
Trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ có phản ứng nhanh chóng trước những vấn đề đặt ra trong việc phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội cũng như trong quản trị quốc gia, có thể thấy rằng, Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu và Trung Quốc là 3 trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ khá tiêu biểu mà trong Hội thảo này chúng ta sẽ được nghe các chuyên gia trình bày. Có thể nói, mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ, tùy theo điều kiện thực tế của mình mà có cách tiếp cận không hoàn toàn giống nhau.
Có thể thấy rằng, việc phát triển và ứng dụng AI mà không có sự điều tiết của nhà nước bằng công cụ pháp luật và các công cụ bổ trợ khác rất khó bảo đảm rằng quá trình phát triển và ứng dụng AI bảo đảm được các yêu cầu về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng và các yêu cầu về an ninh, an toàn khác. Việc điều chỉnh bằng pháp luật đối với các hành vi phát triển và sử dụng AI nhằm thúc đẩy việc phát triển và sử dụng AI của các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức khác, cá nhân một cách an ninh, an toàn, có trách nhiệm, mang lại lợi ích thiết thực đồng thời quản trị và giảm thiểu rủi ro, tác hại mà việc phát triển và ứng dụng AI có thể đưa tới cho xã hội. Tính an ninh, an toàn, đáng tin cậy, với mức độ rủi ro nằm trong tầm kiểm soát phải là các yêu cầu mang tính then chốt trong chính sách, pháp luật điều chỉnh việc phát triển và ứng dụng AI. Chính sách, pháp luật về AI cũng nên hướng tới yêu cầu thúc đẩy đổi mới sáng tạo, củng cố các giá trị cốt lõi của trật tự chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của quốc gia đã được ghi nhận trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật của quốc gia. Chính sách, pháp luật về AI cũng phải góp phần bảo đảm các quyền thiết thân của mỗi người dân, trong đó có các quyền liên quan tới dữ liệu cá nhân.
Tuy vậy, sẽ khó có khuôn mẫu chung cho việc thiết kế nội dung chính sách, pháp luật về trí tuệ nhân tạo của mọi quốc gia trên thế giới. Nội dung chính sách, pháp luật về trí tuệ nhân tạo của mỗi quốc gia sẽ phụ thuộc vào những yếu tố cơ bản sau:
Thứ nhất, lợi ích, tiềm năng của quốc gia đó trong việc phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo: Nhìn chung, các quốc gia có ưu thế lớn trong việc phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo mà có tiềm năng lớn trong việc trở thành những nhà xuất khẩu công nghệ AI sẽ có xu hướng cởi mở hơn trong việc điều chỉnh chính sách, pháp luật đối với AI. Chính sách, pháp luật của quốc gia này sẽ có xu hướng đặt ra những tiêu chuẩn tối thiểu để kiểm soát các loại rủi ro mà công nghệ AI có thể gây ra cho an ninh quốc gia và người tiêu dùng, đồng thời tạo thuận lợi tốt nhất để các công ty công nghệ thiết kế thuật toán, tiếp cận dữ liệu (nhất là tiếp cận dữ liệu xuyên biên giới). Đối với những quốc gia này, các nhà phát triển AI càng được tiếp cận dữ liệu toàn cầu miễn phí, ít rào cản nhất về bảo hộ sở hữu trí tuệ và quyền đối với dữ liệu cá nhân thì càng có lợi cho việc vươn lên, đóng vai trò dẫn dắt toàn cầu trong lĩnh vực công nghệ trí tuệ nhân tạo. Ở khía cạnh khác, đối với các quốc gia không có nhiều tiềm năng, thế mạnh trong việc phát triển và xuất khẩu công nghệ AI, các yêu cầu thiết lập chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, thiết lập chủ quyền quốc gia về dữ liệu số, yêu cầu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng các sản phẩm ứng dụng công nghệ AI, trong đó có việc bảo vệ quyền đối với dữ liệu cá nhân cần được coi trọng hơn.
Thứ hai, nội dung trong nhận thức, quan điểm của quốc gia về giá trị cốt lõi của mỗi quốc gia, dân tộc thể hiện trong chế độ chính trị, chế độ kinh tế, văn hóa và xã hội của mỗi quốc gia, cùng với các quan điểm, nhận thức của mỗi quốc gia về yêu cầu bảo đảm an ninh, an toàn, tính có trách nhiệm trong phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Thông thường, pháp luật của các quốc gia điều chỉnh việc phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo thường hướng tới việc phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo một cách có trách nhiệm. Tuy nhiên, cách hiểu hoặc tiêu chuẩn về “tính trách nhiệm” trong phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo ở các quốc gia khác nhau có thể là khác nhau. Chẳng hạn, với cùng hành vi ứng dụng công nghệ AI trong quản lý, giám sát xã hội, có quốc gia có thể quan niệm rằng, điều đó là công cụ hỗ trợ hữu hiệu trong thực thi pháp luật, quản lý xã hội, nhưng cũng có thể có quốc gia coi như một sự can thiệp quá mức của nhà nước vào đời sống của công dân… Điều đó hoàn toàn dễ hiểu khi điểm cân bằng giữa việc bảo đảm “lợi ích công” hoặc “trật tự, an toàn xã hội” với “tự do cá nhân” ở trong các xã hội khác nhau có thể là khác nhau.
Thứ ba, năng lực, trình độ và kinh nghiệm quản trị xã hội nói chung và quản trị công nghệ mới nổi nói riêng cùng trình độ pháp quyền của mỗi quốc gia. Khi nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật điều chỉnh việc phát triển và ứng dụng AI cần tận dụng tối đa những quy định còn phù hợp trong hệ thống pháp luật hiện hành (như các quy định về xử lý tội phạm công nghệ cao, tội phạm Internet trong pháp luật hình sự; các quy định của pháp luật dân sự; pháp luật về an ninh mạng; các quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân v.v.) và chỉ bổ sung những quy định mới mà các quy định pháp luật hiện hành chưa đủ cơ sở pháp lý để điều chỉnh. Pháp luật điều chỉnh việc phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo cần hướng tới việc bảo đảm các chủ thể phát triển trí tuệ nhân tạo chỉ được phép cung cấp ra xã hội, nhất là cung cấp ra thị trường các hệ thống trí tuệ nhân tạo đáp ứng các yêu cầu về an ninh, an toàn, đáng tin cậy và không tạo ra những rủi ro không thể kiểm soát đối với người sử dụng; kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng AI trong các lĩnh vực có độ nhạy cảm cao như lĩnh vực quốc phòng, an ninh, lưỡng dụng đồng thời khuyến khích ứng dụng những AI an toàn, đáng tin cậy sử dụng trong sản xuất, kinh doanh hoặc ứng dụng trong những lĩnh vực quan trọng của đời sống dân sinh như giáo dục, y tế, giao thông, quản lý đô thị, nông nghiệp v.v; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tham gia quá trình phát triển và ứng dụng AI. Ngoài ra, điều chỉnh pháp luật đối với AI đang là mối quan tâm toàn cầu, do vậy, các quốc gia nên tích cực tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế, nhất là hợp tác quốc tế đa phương để đối phó với những thách thức của AI ở quy mô toàn cầu, tích cực tham gia vào quá trình định hình các chuẩn mực quản trị toàn cầu (nhất là của Liên Hợp quốc) đối với việc phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
IV. KẾT LUẬN
Trí tuệ nhân tạo (AI) là một trong những thành tựu công nghệ chung của nhân loại trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Việc phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo một cách có trách nhiệm có thể thúc đẩy tạo ra những đột phá trong phát triển kinh tế và xã hội của mỗi quốc gia và của nền kinh tế toàn cầu, góp phần tăng năng suất lao động trong nhiều ngành, lĩnh vực. Quốc gia, doanh nghiệp, người lao động thành thạo trong việc khai thác, làm chủ những ích lợi mà các công nghệ trí tuệ nhân tạo mang lại có thể có lợi thế cạnh tranh lớn trên thị trường. Mặc dù vậy, việc phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, nhất là khi việc phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo một cách thiếu trách nhiệm, sẽ đặt ra những rủi ro, thách thức lớn cho xã hội, gây rủi ro đối với các quan hệ kinh tế, cũng như gây rủi ro cho quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trong xã hội. Việc xâm phạm dữ liệu cá nhân, xâm phạm sở hữu trí tuệ, lan truyền thông tin giả, các hoạt động mạo danh dựa trên trí tuệ nhân tạo v.v. là những ví dụ. Hiện tại, những ích lợi mà việc phát triển và ứng dụng AI mang lại cũng như những rủi ro, thách thức mà việc phát triển và ứng dụng AI tạo ra vẫn chưa được nhận diện đầy đủ.
Hệ thống AI nếu được phát triển và sử dụng một cách có trách nhiệm sẽ là một trong những công cụ hỗ trợ làm việc, giúp tăng năng suất lao động trong nhiều ngành, lĩnh vực, trong nhiều doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức và trong đời sống của mỗi cá nhân con người. Do vậy, xu thế chung, sẽ ngày càng có nhiều cá nhân, doanh nghiệp, cơ quan sử dụng các hệ thống AI trong hoạt động của mình.
Tuy vậy, để việc phát triển và ứng dụng hệ thống AI mang lại những lợi ích thiết thực cho xã hội, rất cần kịp thời thiết kế hệ thống công cụ, trong đó có các quy định pháp luật và các quy tắc đạo đức để bảo đảm việc phát triển và ứng dụng trí tuệ một cách có trách nhiệm bảo đảm các yêu cầu về quốc phòng, an ninh quốc gia, không xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhà nước, lợi ích chung của cộng đồng, quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức trong xã hội. Bên cạnh đó, với tính cách toàn cầu của không gian mạng cũng như của môi trường hoạt động của nhiều hệ thống trí tuệ nhân tạo, để việc quản trị AI một cách hữu hiệu, việc tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là hợp tác ở quy mô toàn cầu về quản trị AI là yêu cầu bức thiết trong giai đoạn tới.
 
TS. Nguyễn Văn Cương
Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp
 
[1] Hay cũng còn gọi là “AI yếu” (Weak AI).
[2] Hay cũng còn gọi là “AI mạnh” (Strong AI).
[3] Các ví dụ về AI hẹp có thể kể tới “trợ lý ảo” Siri trong điện thoại thông minh Iphone của Apple, “trợ lý ảo” Alexa của Amazon, “Google Assistant” của hãng Google, “trợ lý ảo” Bixby của Samsung.
[4] Thuật toán có thể hiểu là một tập hợp những lời hướng dẫn (hoặc những chỉ thị) quy định cách thức dữ liệu được phân tích và xử lý.
[5] Mạng nơ-ron (neural network), lấy cảm hứng từ bộ não người, bao gồm các nút liên kết với nhau để xử lý thông tin. Các thuật toán sẽ hướng dẫn những mạng này, chỉ dẫn những mạng nơ-ron này cách hiểu, diễn giải ý nghĩa của dữ liệu và cách phản ứng với dữ liệu (xem thêm: Lewis Finan, Artificial Intelligence, ABA, 2024).
[6] Think Tank Vinasa, Việt Nam thời chuyển đổi số (Hà Nội: NXB Thế giới, 2019) tr. 141-149.
[7] Think Tank Vinasa, Việt Nam thời chuyển đổi số (Hà Nội: NXB Thế giới, 2019) tr. 164-168.
[8] Sắc lệnh về Trí tuệ nhân tạo ngày 30/10/2023 của Tổng thống Hoa Kỳ định nghĩa “trí tuệ nhân tạo tạo sinh” (AI tạo sinh) có nghĩa là lớp các mô hình AI mô phỏng cấu trúc và đặc điểm của dữ liệu đầu vào để tạo ra nội dung tổng hợp phái sinh, bao gồm hình ảnh, video, âm thanh, văn bản và nội dung kỹ thuật số khác.
[9] (ngày 21/6/2023).
[10] Trần Thủy, “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo: 50% vẫn còn thờ ơ” (Vietnamnet, 16/2/2019).
[11] (ngày 21/6/2023).
[12] Về những vấn đề kinh tế phát sinh (như “thu thập và kiểm soát thông tin”, “gia tăng khả năng giám sát của người sử dụng lao động đối với người lao động”, “thất nghiệp”…) khi phát triển và ứng dụng AI, có thể xem bài phân tích của Kinh tế gia nổi tiếng Daron Acemoglu, trong Chương 34 “Harms of AI” trong cuốn Justin B. Bullock, et. al (eds.), The Oxford Handbook of AI Governance (Oxford: Oxford University Press, 2024).
[13] Prompt.
[15] Byron Kaye, “Australian mayor readies world's first defamation lawsuit over ChatGPT content” <https://www.reuters.com/technology/australian-mayor-readies-worlds-first-defamation-lawsuit-over-chatgpt-content-2023-04-05/>.
[16] Việc phát triển và ứng dụng AI trong việc sản xuất các loại vật thể bay không người lái, các loại vũ khí tự hành rõ ràng có thể tạo ra những rủi ro về quốc phòng và an ninh quốc gia khi những sản phẩm này bị lọt vào tay lực lượng khủng bố hoặc các băng, nhóm tội phạm. 
[17] Ernest Lim and Phillip Morgan (eds.), The Cambridge Handbook of Private Law and Artificial Intelligence (Cambridge: Cambridge University Press, 2024) at 1.
Lưu ý của bài viết: Theo tác giả, đây là nghiên cứu mang tính cá nhân. Quan điểm thể hiện trong bài viết này không nhất thiết phản ánh quan điểm chính thức của cơ quan, đơn vị mà tác giả bài viết làm việc.