Phát huy dân chủ gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương ở nước ta trong giai đoạn hiện nay...

26/11/2020
Phát huy dân chủ gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương ở nước ta trong giai đoạn hiện nay – một góc nhìn từ vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh

1. Đặt vấn đề
Trải qua gần 35 năm đất nước tiến hành đường lối Đổi mới, thế và lực của đất nước ta đã ở một tầm khác. Đời sống của đại đa số người dân - chủ nhân của đất nước có những thay đổi căn bản. Từ thôn quê tới đô thị đều mang một diện mạo mới mà chúng ta khó có thể hình dung vào những năm đầu của thời kỳ đổi mới. Đó là thành quả của khát vọng, ý chí vươn lên cùng bao nỗ lực vượt khó của toàn thể dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Những thành quả quan trọng đó có thể được lý giải bởi nhiều nguyên nhân. Từ góc độ chủ đề bài tham luận này, có thể nói những thành tựu mà đất nước ta có được một phần quan trọng chính là nhờ Đảng và Nhà nước ta đã vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa phát huy dân chủ với việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong xã hội.
Dân chủ thường được hiểu là chế độ xã hội do nhân dân là chủ và nhân dân làm chủ.[1] Hiểu cho đầy đủ nội hàm khái niệm dân chủ cho tới nay vẫn là chủ đề tranh luận không chỉ ở trong nước mà ở cả các diễn đàn quốc tế.[2] Tuy vậy, chúng tôi cho rằng, tìm lại di sản tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta có thể tìm thấy câu trả lời rất thiết thực. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng giải thích rất giản dị nhưng sâu sắc rằng: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân… Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương đều do dân cử ra… Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”.[3]Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân”.[4] “Dân làm chủ thì Chủ tịch, Bộ trưởng, thứ trưởng, ủy viên này khác là làm gì? Làm đày tớ. Làm đày tớ cho nhân dân, chứ không phải là làm quan cách mạng”.[5] Một chính quyền dân chủ, vì thế, là chính quyền do nhân dân lập nên, chịu trách nhiệm trước nhân dân và hoạt động với mục tiêu cao nhất là mưu cầu lợi ích cho nhân dân.
Bảo đảm và duy trì dân chủ trong xã hội là tiền đề đặc biệt quan trọng, thiết yếu để mỗi người dân phát huy được vai trò làm chủ của mình trong xã hội, trong quản lý xã hội cũng như trong quản lý nhà nước. Bảo đảm và duy trì dân chủ trong tổ chức là tiền đề để từng thành viên trong tổ chức phát huy sáng kiến, đóng góp trí tuệ, công sức và nguồn lực của mình cho sự phát triển của tổ chức.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, việc thiết lập và duy trì nền dân chủ phù hợp với điều kiện cụ thể của quốc gia có thể mang đến nhiều kết quả tốt đẹp cho người dân của quốc gia ấy như: tăng trưởng và phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường, tôn trọng và bảo vệ quyền con người, bảo đảm bình đẳng giới, giảm bớt bất bình đẳng xã hội và tăng cường gắn kết xã hội, kiểm soát tham nhũng, ổn định chính trị, bảo đảm trật tự và an toàn xã hội, duy trì được tình trạng hòa bình trong quan hệ quốc tế, cuộc sống của người dân được hạnh phúc hơn.[6]
Kỷ luật, kỷ cương trong xã hội ở chừng mực nhất định được hiểu là trạng thái ở đó xã hội và các quan hệ tương tác giữa người với người nằm trong một trật tự ổn định. Kỷ luật, kỷ cương đôi khi còn được hiểu chính là những quy tắc, quy định do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ban hành hoặc thừa nhận điều chỉnh hành vi của các tổ chức, cá nhân trong xã hội nhằm duy trì xã hội hoặc các thành tố của xã hội trong một trật tự nhất định.[7] Hình thức biểu hiện rõ nét nhất các quy tắc về kỷ luật, kỷ cương trong xã hội chính là các quy định pháp luật cũng như các quy tắc, quy chế hoạt động của các tổ chức trong xã hội. Trong tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội hoặc tổ chức xã hội, các quy tắc về kỷ luật, kỷ cương chính là các quy tắc, quy chế, quy định điều chỉnh tổ chức và hoạt động của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội ấy. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong xã hội chính là việc gia tăng tính tuân thủ của các thành viên trong xã hội đối với các quy tắc ứng xử tốt đẹp trong xã hội, gia tăng sự tuân thủ của các thành viên trong xã hội đối với pháp luật, bảo đảm cho trật tự pháp luật thiết lập và bảo vệ được duy trì một cách thực chất.
Trong tư tưởng của Hồ Chí Minh, một xã hội không thể ổn định và phát triển nếu không có kỷ luật, kỷ cương thể hiện ở sự hiện diện của hệ thống pháp luật và sự tuân thủ pháp luật của cơ quan, tổ chức, công dân. Người từng nói “Trong một nước thưởng phạt phải nghiêm minh thì nhân dân mới yên ổn”.[8] Chính vì thế, ngay khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, trong điều kiện chưa thể xây dựng ngay được hệ thống pháp luật điều chỉnh toàn diện các quan hệ xã hội, bên cạnh việc kịp thời ban hành một số sắc lệnh, Hồ Chủ tịch đã ký Sắc lệnh số 47/SL ngày 10/10/1945 tạm giữ lại luật lệ của chế độ cũ (trừ những điều luật trái với nền độc lập của nước Việt Nam và chính thể dân chủ cộng hòa) để duy trì kỷ cương trong xã hội. Trong bản Hiến pháp năm 1946 - bản Hiến pháp dân chủ đầu tiên của nước ta được xây dựng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Hồ Chủ tịch, trong nội dung về công dân, ngoài các quy định về quyền lợi, Hiến pháp nhấn mạnh tới các nghĩa vụ của công dân, trong đó, nghĩa vụ hàng đầu phải là “tôn trọng Hiến pháp” và “tuân theo pháp luật” (Điều thứ 4). Nghĩa vụ tuân thủ Hiến pháp, pháp luật này của công dân được Hiến pháp năm 1959 (cũng do Chủ tịch Hồ Chí Minh là Trưởng ban soạn thảo) tiếp tục ghi nhận tại Điều 39.[9] Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã áp dụng pháp luật để xử lý rất nghiêm minh các cán bộ vi phạm kỷ luật, kỷ cương phép nước, kể cả cán bộ cao cấp trong quân đội mà vụ án Trần Dụ Châu là câu chuyện còn lưu truyền mãi về sau.
Trong thời đại ngày nay, có thể thấy rằng, dân chủ và kỷ luật, kỷ cương là hai tiền đề để có một quốc gia, dân tộc, xã hội phát triển nhanh và bền vững. Nhận diện được tầm quan trọng của việc phát huy dân chủ gắn với việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương, Đảng ta xác định: “Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm dân chủ được thực hiện trong thực tế cuộc sống ở mỗi cấp, trên tất cả các lĩnh vực. Dân chủ gắn liền với kỷ luật, kỷ cương và phải được thể chế hoá bằng pháp luật, được pháp luật bảo đảm. Nhà nước tôn trọng và bảo đảm các quyền con người, quyền công dân; chăm lo hạnh phúc, sự phát triển tự do của mỗi người. Quyền và nghĩa vụ công dân do Hiến pháp và pháp luật quy định. Quyền của công dân không tách rời nghĩa vụ công dân. Nhân dân thực hiện quyền làm chủ thông qua hoạt động của Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện.”[10] Thực tiễn cho thấy, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh chính là chìa khóa để xử lý vấn đề phát huy dân chủ và tăng cường kỷ luật, kỷ cương ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.
2. Những thành tựu trong phát huy dân chủ ở Việt Nam
Có thể nói, sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh có nội dung cốt lõi là sự nghiệp xây dựng nền dân chủ kiểu mới. Chế độ ta là sản phẩm của tiến trình vận động dân chủ dưới sự lãnh đạo của Đảng. Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn tâm niệm rằng, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Điều đó có nghĩa rằng, nhân dân là chủ thể của mọi hoạt động cách mạng. Điều này đã trở thành một trong năm bài học kinh nghiệm lớn mà Đảng ta rút ra từ thực tiễn lãnh đạo sự nghiệp cách mạng: “sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử. Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Quan liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ xã hội chủ nghĩa và của Đảng.”[11]
Ôn lại lịch sử, chúng ta thấy, ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ vào ngày 03/9/1945 (tức là chỉ 1 ngày sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản “Tuyên ngôn độc lập” khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế nên nước ta không có hiến pháp, nhân dân ta không được hưởng quyền tự do, dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ”. Để hiện thực ý tưởng đó, ngày 08/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 14/SL về việc Tổng tuyển cử đề bầu Quốc dân đại hội (Quốc hội). Ngày 20/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 34/SL thành lập Ủy ban Dự thảo Hiến pháp. Ngày 09/11/1946, Quốc hội đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử nước nhà (còn gọi là Hiến pháp năm 1946) trong đó ngay Điều thứ 1 đã quy định nước Việt Nam là một nước dân chủ, quyền lực trong nước là của toàn thể nhân dân. Cụ thể: Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hoà. Tất cả quyền binh trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo.”
Trải qua quá trình vận động cách mạng, Nhà nước ta được hình thành cùng với cuộc Cách mạng tháng Tám. Bộ máy nhà nước được hình thành bằng con đường dân chủ phổ thông đầu phiếu với cuộc tổng tuyển cử đầu tiên được tổ chức vào ngày 06/01/1946 (chỉ sau 4 tháng kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập). Chế độ bầu cử phổ thông đầu phiếu đó được duy trì ở nước ta kể từ đó tới nay. Với truyền thống đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết cùng lịch sử dân tộc Việt gắn bó keo sơn với nhau trong đại gia đình lớn, bộ máy nhà nước do nhân dân lập nên, được nhân dân ủng hộ, che chở, đùm bọc đồng thời chính bộ máy nhà nước ấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã tổ chức nhân dân tiến hành các cuộc đấu tranh cách mạng, giành được những thành tựu vĩ đại. Mặc dù không phải không có những lúc mắc sai lầm, khuyết điểm, nhưng với bản chất của dân, do dân và vì dân, Đảng và Nhà nước đã kịp thời nhận diện và khắc phục, sửa chữa theo ý nguyện của nhân dân. Chính bởi thế, mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân là mối quan hệ gắn bó keo sơn đặc biệt, đầy ân tình, ân nghĩa. Quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân được xem là cội nguồn sức mạnh không chỉ của bản thân Đảng, Nhà nước mà cũng là cội nguồn sức mạnh của chính dân tộc Việt Nam. Đây là thực tế chính trị của Việt Nam. Nhờ phát huy dân chủ mà kỳ thực là phát huy vai trò chủ thể lịch sử của nhân dân, phát huy sức mạnh vô bờ bến của nhân dân, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân làm nên nhiều kỳ tích lịch sử: giành được độc lập từ ách thực dân, phong kiến vào năm 1945; chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954; thống nhất đất nước năm 1975; chiến thắng các cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và phía Bắc; tiến hành Đổi mới thành công từ năm 1986 đến nay. Gần đây nhất, việc Việt Nam kiểm soát và đẩy lùi được đại dịch COVID-19 nhờ sự đồng lòng giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân và cả hệ thống chính trị càng minh chứng rõ điều này. Đây là nét đặc sắc trong văn hóa chính trị của Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.
Nhìn lại lịch sử, có thể nói, nhờ sự phấn đấu bền bỉ của các tầng lớp nhân dân, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ như ngày nay. Đi kèm với đó là hệ thống dân chủ được thiết lập trong tổ chức và hoạt động của cả xã hội nói chung, trong hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước nói riêng. Hiến pháp năm 2013 khẳng định rõ: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân”.[12] Thêm vào đó, điểm đặc sắc trong bản Hiến pháp của chúng ta là Hiến pháp không chỉ khẳng định tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân một cách chung chung mà Hiến pháp còn giải thích thêm “Nhân dân” đó có nền tảng là “liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức”. Chúng ta đều biết, trong xã hội có phân chia giai cấp, có phân tầng xã hội, nhất là xã hội tư bản, công nhân và nông dân thường là lực lượng yếu thế, gặp nhiều rào cản trong việc thực hiện quyền dân chủ của mình. Chính vì thế, công nhân và nông dân trong xã hội tư bản rất khó thực hiện một cách thực chất quyền làm chủ của mình. Nhận thức rõ thực tế ấy, để thể hiện rõ nét bản chất dân chủ của chế độ ta - chế độ do Nhân dân lao động làm chủ, Hiến pháp ta đã khẳng định rõ chủ nhân của đất nước ta (Nhân dân) được hiểu là chủ thể có nền tảng là những người lao động (liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức). Bởi vậy, nền dân chủ mà chúng ta xây dựng không chỉ là nền dân chủ mà chỉ có những người nhiều tiền của và thế lực mới thực hiện được quyền dân chủ mà phải là nền dân chủ mà các giai tầng lao động trong xã hội đều được tham gia kiến tạo và thụ hưởng thành quả.
Điều 3 Hiến pháp năm 2013 quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc xây dựng và bảo đảm nền dân chủ, theo đó “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”. Hiến pháp năm 2013 cũng có nhiều quy định quan trọng khác để bảo đảm phát huy dân chủ như quy định tại Điều 4 (“Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình”), Điều 6 (“Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước”) và Điều 8 (“Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng Nhân dân, tận tụy phục vụ Nhân dân, liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của Nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền”)… Điều 9 Hiến pháp năm 2013 quy định rõ cơ sở hiến định về tổ chức và hoạt động của Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong việc phát huy dân chủ, theo đó “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
   Trên cơ sở Cương lĩnh, chủ trương, đường lối của Đảng và Hiến pháp, hàng loạt các đạo luật thực hiện quyền dân chủ của nhân dân được ban hành, trong đó phải kể tới các đạo luật về bầu cử, các đạo luật về quyền tham gia của nhân dân trong quản lý nhà nước, các đạo luật về khiếu nại, tố cáo, các đạo luật về thực hiện quyền dân chủ trong lĩnh vực kinh tế, các đạo luật về an sinh xã hội. Cụ thể, đó là Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015,[13] Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020)[14], Luật Khiếu nại năm 2011[15], Luật Tiếp công dân năm 2013, Luật Tố cáo năm 2018, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, Luật Trưng cầu ý dân năm 2015, Luật Doanh nghiệp năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2016)[16], Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014[17]… Đặc biệt, Việt Nam đã ban hành Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007,[18] Nghị định số 04/2015/NĐ-CP ngày 09/01/2015 về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.[19]
Thêm vào đó, các thiết chế dân chủ từ Trung ương tới cơ sở đều có bước đổi mới và tăng cường. Điều đó có thể thấy rõ qua sinh hoạt nghị trường tại Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp; qua hoạt động sinh động của các cơ quan truyền thông, báo chí và cả mạng xã hội. Hệ thống chính trị của chúng ta, từ các tổ chức Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể được hình thành đầy đủ và đồng bộ, đại diện quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho các tầng lớp nhân dân (công nhân, nông dân, thanh niên, phụ nữ, trí thức…), bảo đảm tiếng nói của nhân dân được lắng nghe trong các quyết sách quan trọng của Đảng và Nhà nước.
Nhờ các sáng kiến của nhân dân, sự nỗ lực của nhân dân, sự phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong lĩnh vực kinh tế cùng các lĩnh vực khác có liên quan, chúng ta mới có được vị thế kinh tế như ngày nay. Từ một quốc gia nghèo nàn, lạc hậu cùng bao di sản của chiến tranh, Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình với mức thu nhập bình quân đầu người khoảng gần 3000 USD (bằng khoảng 15 lần so với thu nhập bình quân đầu người ngay trước thời điểm tiến hành đường lối Đổi mới). Ngày nay, Việt Nam là một quốc gia có nền kinh tế thị trường năng động, là thành viên của WTO, có quan hệ đối tác chiến lược hoặc đối tác toàn diện với tất cả các nước trong Thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, có quan hệ ngoại giao với 185 quốc gia,[20] có quan hệ kinh tế - thương mại rộng mở với tất cả các quốc gia trong G7,[21] OECD,[22] G20, EU và tuyệt đại đa số các quốc gia còn lại trên thế giới, cùng với Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (đang trong tiến trình xây dựng và hoàn thiện) dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Tính dân chủ của xã hội ta còn được thể hiện rõ trong nhiều lĩnh vực khác, nhất là lĩnh vực kinh tế khi quyền của người dân trong việc làm chủ tư liệu sản xuất, làm chủ quá trình tổ chức quản lý kinh tế và làm chủ trong việc thụ hưởng thành quả lao động mình đã đóng góp. Từ năm 2016 đến nay, mỗi năm, Việt Nam có thêm từ 110 ngàn đến gần 140 ngàn doanh nghiệp được thành lập mới. Cụ thể, năm 2019, cả nước có 138.100 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 1.730 nghìn tỷ đồng, tăng 5,2% về số doanh nghiệp và tăng 17,1% về số vốn đăng ký so với năm 2018. Năm 2018, cả nước có 131.275 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 1.478,1 nghìn tỷ đồng, tăng 3,5% về số doanh nghiệp và tăng 14,1% về số vốn đăng ký so với năm 2017).[23] Có thể thấy, chưa bao giờ tinh thần khởi nghiệp - một biểu hiện của việc phát huy dân chủ trong lĩnh vực kinh tế lại đạt đỉnh cao như hiện nay.
Dân chủ và sinh hoạt dân chủ ngày càng sinh động đang là thực tế chính trị tại đất nước ta. Cả thể chế, thiết chế dân chủ và điều kiện bảo đảm dân chủ trong các lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội đều không ngừng được hoàn thiện.
Có thể nói, mỗi khi chúng ta hoàn thiện thể chế và thực thi đầy đủ các thể chế về dân chủ, bảo đảm cho Nhà nước ta thực sự của dân, do dân và vì dân hơn, chính là chúng ta tiến gần hơn tới điều mong ước và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời.
3. Những thành tựu trong việc thiết lập kỷ luật, kỷ cương trong xã hội
Trong thời kỳ chiến tranh, nhờ duy trì kỷ luật, kỷ cương trong xã hội, Đảng và Nhà nước ta đã phát huy sức mạnh tổng lực của nhân dân, giành chiến thắng trước những kẻ địch có tiềm lực mạnh hơn ta gấp nhiều lần.
Chuyển sang thời bình và nhất là từ khi Đảng ta tiến hành đường lối Đổi mới vào năm 1986, chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường (mà từ năm 2001, Đảng ta chính thức định danh là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa), việc thiết lập kỷ luật, kỷ cương trong xã hội lại có những yêu cầu mới. Một trong những yêu cầu hàng đầu của việc duy trì kỷ luật, kỷ cương trong xã hội của thời kỳ chuyển đổi là việc Việt Nam phải sớm xây dựng được một hệ thống pháp luật có chất lượng, điều chỉnh toàn diện các lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội. Đi kèm với đó là yêu cầu duy trì thượng tôn pháp luật, quản lý xã hội bằng pháp luật và theo pháp luật.
Sớm nhận thức yêu cầu có tính khách quan đó, việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đã trở thành một trong những công việc quan trọng hàng đầu của tiến trình đổi mới. Các số liệu thống kê cho thấy: từ năm 1986 đến nay, Việt Nam đã ban hành 2 bản Hiến pháp mới là Hiến pháp năm 1992 (thay thế Hiến pháp năm 1980) và Hiến pháp năm 2013, bên cạnh lần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp vào năm 2001. Các số liệu thống kê cũng cho thấy, từ ngày 01/01/1987 đến 31/12/2019 (33 năm), Việt Nam đã ban hành được 616 luật, pháp lệnh, gấp hơn 9 lần so với số luật, pháp lệnh được ban hành trong 41 năm trước đó.[24]
Cho tới nay, tuyệt đại đa số các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội đều có luật điều chỉnh. Trong số đó, phải kể tới các đạo luật mang tính rường cột của nước nhà (bên cạnh Hiến pháp) như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Thương mại, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Bộ luật lao động, Luật Bảo vệ môi trường...
Các hành vi vi phạm pháp luật cũng là những hành vi xâm phạm trật tự bình thường của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội về cơ bản được nhận diện khá đầy đủ để các cơ quan lập pháp và hành pháp thiết kế các biện pháp chế tài tương xứng. Điều đó thể hiện rõ trong quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) và nay là Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và hàng chục nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Đi kèm với đó, chúng ta đã xây dựng được hệ thống các cơ quan, thiết chế về thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, đó chính là hệ thống các cơ quan thanh tra, Kiểm toán nhà nước, cơ quan điều tra (thuộc lực lượng công an, quân đội và kiểm sát), hệ thống viện kiểm sát nhân dân các cấp, hệ thống tòa án nhân dân các cấp và các cơ quan thi hành án hình sự, dân sự và hành chính từ trung ương đến cấp huyện.
Thực tiễn triển khai các đạo luật kể trên cho thấy, bên cạnh việc chú trọng các biện pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật, công tác phát hiện, điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là tội phạm được quan tâm thực hiện. Hàng năm, hàng triệu hành vi vi phạm hành chính được phát hiện và xử lý cùng với hàng chục ngàn vụ án hình sự được điều tra, truy tố, xét xử theo đúng quy định của pháp luật, góp phần duy trì trật tự, kỷ cương trong toàn xã hội.[25]
Thêm vào đó, nhờ thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đã nhận thức rất rõ bài học quan trọng rằng “quan liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ xã hội chủ nghĩa và của Đảng.[26] Chính vì thế, Đảng ta, rất nghiêm khắc trong việc xử lý các đảng viên sai phạm, trong đó có cả những đảng viên nguyên là cán bộ cao cấp với tinh thần “thượng tôn pháp luật”, xử lý vi phạm “không có vùng cấm”. Cụ thể, trong những năm gần đây (nhất là kể từ khi triển khai Nghị quyết trung ương 4 Khóa XI và Nghị quyết trung ương 4 Khóa XII), với quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước ta, công tác phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh bằng nhiều biện pháp bao gồm xử lý kỷ luật, xử lý hành chính và xử lý hình sự đối với nhiều cán bộ sai phạm.[27] Cũng qua công tác thanh tra, kiểm toán đã phát hiện vi phạm, kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính, kiến nghị xử lý hành chính đối với tập thể và nhiều cá nhân.[28]
Bên cạnh đó, các tranh chấp dân sự, hôn nhân, gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động được giải quyết theo các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Hòa giải ở cơ sở... nhằm góp phần duy trì sự ổn định xã hội, ngăn ngừa khả năng biến các tranh chấp nhỏ trong nhân dân thành các tranh chấp lớn, biến các tranh chấp lớn thành các vụ án hình sự.
Có thể nói, đến nay, chúng ta, về cơ bản, đã giữ vững kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và kỷ luật, kỷ cương trong xã hội. Không phải ngẫu nhiên mà cộng đồng quốc tế trong những năm gần đây luôn coi Việt Nam là điểm đến an toàn và hấp dẫn trên thế giới.[29]
4. Kiến nghị
Để tiếp tục phát huy dân chủ gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương ở đất nước chúng ta hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh, mang lại những lợi ích tốt nhất cho người dân và sự phát triển của đất nước, chúng tôi cho rằng:
Thứ nhất, vấn đề phát huy dân chủ và tăng cường kỷ luật, kỷ cương ở nước ta chỉ được giải quyết một cách đúng đắn và trọn vẹn nếu dựa vào tư duy và phương pháp luận biện chứng. Theo đó, việc xây dựng và phát huy dân chủ hoặc thực hiện các phương thức dân chủ cần nhìn nhận trong trạng thái động, gắn với điều kiện lịch sử, văn hóa, chính trị và trình độ phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc. Nền dân chủ phù hợp nhất cho Việt Nam dứt khoát phải là nền dân chủ do chính nhân dân Việt Nam xây dựng nên chứ không thể là sự sao chép hoặc áp đặt mô hình dân chủ của bất cứ quốc gia nào khác trên dải đất hình chữ S có ngàn năm lịch sử theo kiểu đẽo chân cho vừa giày. Các phương thức thực hiện dân chủ phù hợp nhất sẽ được tìm ra từ chính thực tiễn thực hiện dân chủ của Việt Nam. Điều đó có nghĩa là, có thể trong thực tiễn xây dựng nền dân chủ hoặc phát huy dân chủ hiện nay, dù đó là trong lĩnh vực chính trị hay kinh tế và xã hội, vẫn luôn còn những dư địa để đổi mới, hoàn thiện nhưng việc đổi mới, hoàn thiện ấy phải xuất phát từ sự phân tích kỹ nhu cầu, thực tiễn, trình độ phát triển của Việt Nam. Giải pháp đưa ra phải phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hóa và thực tiễn chính trị của Việt Nam và phải là sự sáng tạo của chính người Việt Nam.
Thứ hai, cần tiếp tục nghiên cứu, học tập, quán triệt, thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ, vận dụng sáng tạo những di sản tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ trong hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, bảo đảm dân chủ thực sự là bản chất của chế độ ta, là mục tiêu và là động lực của công cuộc Đổi mới. Trong đó, một trong những điểm cốt lõi cần lưu ý là phải bảo đảm được bản chất thực sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân của nhà nước và chế độ ta, bảo đảm nhân dân kiểm tra, giám sát và kiểm soát được một cách thực chất việc thực thi quyền lực nhà nước trong đời sống thường nhật, kiên quyết chống lại mọi biểu hiện lạm quyền, lộng quyền và tha hóa quyền lực công.
Thứ ba, thực hiện đúng chủ trương mà Đại hội XII của Đảng đã khẳng định “Tiếp tục phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phải xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, được nhân dân tham gia ý kiến. Dân chủ phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Bảo đảm để nhân dân tham gia ở tất cả các khâu của quá trình đưa ra những quyết định liên quan đến lợi ích, từ nêu sáng kiến, tham gia thảo luận, tranh luận đến giám sát quá trình thực hiện. Tập trung xây dựng những văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền làm chủ của nhân dân”.[30] Đến nay, tuy việc xây dựng văn kiện Đại hội Đảng các cấp đã có sự tham gia nhất định của nhân dân nhưng với việc xây dựng văn kiện các Hội nghị Trung ương của Đảng, cơ hội để người dân được tham gia còn tương đối hạn chế. Có ý kiến cho rằng, việc xây dựng các quyết sách trong các cơ quan của Đảng là công việc thuần túy nội bộ của Đảng nên sự tham gia của người dân nói chung không phải lúc nào cũng cần thiết. Chúng tôi cho rằng, nhận thức như vậy có phần chưa thực sự đầy đủ. Đảng ta khác với các đảng phái ở nhiều quốc gia khác. Đảng ta bên cạnh việc đại diện quyền lợi của giai cấp, hiện nay Đảng ta còn là chính Đảng duy nhất hợp pháp của cả dân tộc. Chính vì thế, công việc chính của Đảng cũng là công việc lo cho dân và là công việc của dân. Vì thế, việc tạo điều kiện để nhân dân có nhiều cơ hội hơn trong việc tham gia hình thành nên đường lối, chủ trương của Đảng là công việc rất cần thực hiện. Trong thời gian tới, chủ trương của Đại hội XII vừa nêu rất nên có biện pháp triển khai thực chất hơn.  
Thứ tư, cần tiếp tục đầu tư cho công tác tổng kết thực tiễn xây dựng, vận hành nền dân chủ ở Việt Nam cũng như cách thức thiết lập và củng cố kỷ luật, kỷ cương ở nước ta, để kịp thời phát hiện ra những biểu hiện và căn nguyên của biểu hiện dân chủ hình thức hoặc dân chủ mang tính dân túy, dân chủ không gắn với kỷ luật, kỷ cương để kịp thời uốn nắn, căn chỉnh. Trên cơ sở phân tích kỹ thực tiễn, cần có giải pháp tiếp tục hoàn thiện các quy định về bầu cử trong các tổ chức của hệ thống chính trị, bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân, bảo đảm người thực hiện quyền bầu cử được biết đầy đủ hơn thông tin về những người ứng cử đồng thời quy định rõ hơn cơ chế giám sát, quy trách nhiệm đối với các đại biểu trúng cử trong việc thực thi chức trách của mình cũng như trong việc thực hiện những lời hứa, những cam kết của mình khi vận động bầu cử. Đi kèm với đó, cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật về quyền con người, quyền công dân để mỗi người dân có đầy đủ hơn công cụ pháp lý thực hiện quyền dân chủ của mình, đặc biệt cần tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật về sự tham gia của nhân dân vào quá trình xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo các quyết sách quan trọng của chính quyền trung ương và địa phương các cấp, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các biểu hiện lợi ích nhóm và lợi ích cục bộ trong xây dựng và thi hành pháp luật. Đẩy mạnh việc thực hiện có hiệu quả các quy định pháp luật về bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện quyết định của cơ quan công quyền, bảo đảm đúng tinh thần mà Văn kiện Đại hội XII đã khẳng định, theo đó, pháp luật không chỉ là công cụ để nhà nước quản lý xã hội mà còn là công cụ để nhân dân kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyền lực nhà nước. Thêm vào đó, cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, gỡ bỏ triệt để các điều kiện đầu tư kinh doanh bất hợp lý cùng các thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, cải thiện môi trường cạnh tranh quốc gia, nâng cao thêm thứ hạng môi trường cạnh tranh quốc gia trong các bảng xếp hạng quốc tế để người dân được thụ hưởng nền hành chính trong sạch, chuyên nghiệp, phục vụ người dân, kiến tạo phát triển. Qua đó, tinh thần khởi nghiệp của người Việt Nam và sự dân chủ trong hoạt động kinh tế mới được phát huy ở mức cao nhất.
Thứ năm, tiếp tục thực hiện đầy đủ các chủ trương, giải pháp trong Nghị quyết trung ương IV khóa XI và Nghị quyết trung ương IV khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” trong nội bộ; hoàn thiện các quy định về kỷ luật trong Đảng, hoàn thiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, xử lý tội phạm, giải quyết tranh chấp, đầu tư tương xứng cho các thiết chế thi hành pháp luật (các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án) để mọi vi phạm kỷ luật, mọi vi phạm pháp luật đều được phát hiện và xử lý nghiêm minh, kịp thời. Đi kèm với đó cần tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lấy việc duy trì kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, trong hệ thống chính trị, trong bộ máy nhà nước làm tiêu chuẩn, làm mực thước để chấn chỉnh trật tự, kỷ cương trong xã hội. “Chúng ta cần kiên quyết, kiên trì và tích cực làm trong sạch đội ngũ của Đảng, ngăn chặn và đẩy lùi tệ tham nhũng, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ... Mỗi cán bộ, đảng viên cần nghiêm túc thực hiện trách nhiệm nêu gương; người có chức vụ càng cao, cương vị càng lớn, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong Đảng và trong bộ máy chính quyền lại càng phải gương mẫu trong tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong, lề lối công tác.[31]
Thêm vào đó, công tác tổ chức thi hành pháp luật, nhất là công tác phát hiện, điều tra, xử lý vi phạm pháp luật là công tác đặc biệt nhạy cảm, trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay, đây có thể là môi trường dễ bị chi phối bởi yếu tố “quan hệ”, “tiền tệ”, từ đó làm sai lệch hiệu quả điều chỉnh pháp luật. Chính vì thế, cần sớm hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực trong hoạt động thi hành pháp luật, nhất là hoạt động thanh tra, kiểm tra hành vi vi phạm, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, nhằm duy trì môi trường thực sự trong sạch, nghiêm minh trong việc duy trì kỷ luật, kỷ cương của xã hội. Bên cạnh đó, cần kịp thời có giải pháp khắc phục tình trạng quá tải trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án ở nước ta hiện nay.
Dân chủ mang lại sinh khí cho sự tồn tại và phát triển của mỗi cá nhân, tổ chức và toàn xã hội. Kỷ luật và kỷ cương giúp cho mỗi cá nhân, mỗi tổ chức và cả xã hội dễ kết thành một khối thống nhất, làm cộng hưởng và gia tăng sức mạnh cho mỗi thành viên của tổ chức và xã hội. Do đó, phát huy dân chủ gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương cả trong Đảng, Nhà nước và xã hội không chỉ là tiền đề thiết yếu mà còn là giải pháp có ý nghĩa chiến lược cho sự phát triển bền vững của đất nước trong giai đoạn hiện nay vì một Việt Nam hùng cường./.
TS. Nguyễn Văn Cương*
 
 
[1] Trong nguyên nghĩa tiếng Hy Lạp cổ đại, từ “dân chủ” (demokratia) được cấu thành bởi 2 thành tố “demos” (“nhân dân”) và “kratos” (“trị vì”), do đó, “dân chủ” có nghĩa là “sự trị vì bởi nhân dân” [Xem: Jørgen Møller and Svend-Erik Skaaning, Democracy and Democratization in Comparative Perspective Conceptions: Conjunctures, Causes, and Consequences (London: Routledge, 2013) at 2].
[2] Xem GS.TS. Hoàng Chí Bảo, “Nhận thức lý luận về dân chủ qua văn kiện Đại hội XI của Đảng” trong tác phẩm của Hội đồng Lý luận trung ương Kiên định mục tiêu và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta (Hà Nội: NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2013) tr. 314-332; GS.TS. Phạm Ngọc Quang, “Dân chủ là bản chất của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” cũng trong tác phẩm trên tại trang 333-346. Xem thêm: Takashi Inoguchi, Edward Newman, and John Keane (eds), The Changing Nature of Democracy (Tokyo: United Nations University Press, 1998) at 1; Jørgen Møller and Svend-Erik Skaaning, Democracy and Democratization in Comparative Perspective Conceptions: Conjunctures, Causes, and Consequences (London: Routledge, 2013) at 2.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2000, t.5, tr. 698.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2000, t.4, tr. 56-58.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2000, t.8, tr. 375.
[6] Renske Doorenspleet, Rethinking the Value of Democracy: A Comparative Perspective (Switzerland: Palgrave Macmillan, 2019) at 1.
[7] “Kỷ luật” theo nghĩa thông thường là “tổng thể những điều quy định có tính bắt buộc đối với hoạt động của các thành viên trong một tổ chức, để bảo đảm tính chặt chẽ của tổ chức” hoặc “hình thức phạt đối với người vi phạm kỷ luật” [Xem: Hoàng Phê (chủ biên), Từ điển tiếng Việt (Hà Nội: NXB Đà Nẵng và Trung tâm từ điển học, 2004) tr. 519]. “Kỷ cương” theo nghĩa thông thường là “những phép tắc làm nên trật tự của một xã hội (nói tổng quát)” [Xem: Hoàng Phê (chủ biên), Từ điển tiếng Việt (Hà Nội: NXB Đà Nẵng và Trung tâm từ điển học, 2004) tr. 519].
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2000, t.4, tr. 163 (Báo Cứu quốc, số 155 ngày 05/02/1946).
[9] Các bản Hiến pháp về sau này như Hiến pháp năm 1980 (Điều 78), Hiến pháp năm 1992 (Điều 79), Hiến pháp năm 2013 (Điều 46) đều có quy định về nội dung này.
[10] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI (Hà Nội: NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2011) tr. 84-85.
[11] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI (Hà Nội: NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2011) tr. 65.
[12] Khoản 2 Điều 2 Hiến pháp năm 2013.
[13] Trước đó, Việt Nam đã ban hành các đạo luật về bầu cử như: Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội năm 1959, 1980, 1992, 1997, 2001; Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân năm 1983, 1989, 1994, 2003…
[14] Trước đó, Việt Nam đã ban hành các đạo luật về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong đó có quy định quyền tham gia của nhân dân trong hoạt động xây dựng pháp luật như Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996 (sửa đổi, bổ sung năm 2002), 2008 và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2004.
[15] Trước đó, Việt Nam đã ban hành các đạo luật về khiếu nại, tố cáo như: Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998 (sửa đổi, bổ sung năm 2004 và 2005).
[16] Trước đó, Việt Nam đã ban hành Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân năm 1990 (sửa đổi, bổ sung năm 1994), Luật Doanh nghiệp năm 1999, Luật Doanh nghiệp năm 2005.
[17] Trước đó, Việt Nam đã ban hành Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006.
[18] Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 29/1998/NĐ-CP ngày 11/5/1998 về việc ban hành Quy chế thực hiện dân chủ ở xã (sau đó được thay thế bởi Nghị định số 79/2003/NĐ-CP ngày 07/7/2003).
[19] Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 71/1998/NĐ-CP ngày 08/9/1998 ban hành Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan.
[20] Hoa Nguyễn, “Để nâng tầm đối ngoại đa phương Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế” < http://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/quoc-phong-an-ninh-oi-ngoai1/-/2018/815723/de-nang-tam-doi-ngoai-da-phuong-viet-nam-trong-boi-canh-toan-cau-hoa-va-hoi-nhap-quoc-te.aspx>, ngày 30/12/2019.
[21] 07 quốc gia công nghiệp phát triển: Hoa Kỳ, Anh, Đức, Pháp, Nhật, Ý và Canada.
[22] Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế là diễn đàn hợp tác của 34 quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển nhất thế giới, bao gồm các nước G7 còn có các quốc gia khác như Úc, Niu Di Lân, Hàn Quốc...
[24] Số luật, pháp lệnh ban hành từ năm 1945 tới năm 1986 là 63.
[25] Bộ Tư pháp, Báo cáo số 322/BC-BTP ngày 15/11/2017 về Công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2017.
[26] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI (Hà Nội: NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2011) tr. 65.
[27] Hiền Hòa, “Năm 2020, công tác phòng, chống tham nhũng cần quyết liệt hơn, hiệu quả hơn” <http://dangcongsan.vn/xay-dung-dang/nam-2020-cong-tac-phong-chong-tham-nhung-can-quyet-liet-hon-hieu-qua-hon-546908.html>, ngày 15/01/2020.
[28] Hiền Hòa, “Năm 2020, công tác phòng, chống tham nhũng cần quyết liệt hơn, hiệu quả hơn”, tlđd.
[29] Tấn Việt, “Việt Nam là điểm đến an toàn cho các nước” <https://plo.vn/thoi-su/viet-nam-la-diem-den-an-toan-cho-cac-nuoc-894049.html>, ngày 04/3/2020.
[30] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII (Hà Nội: NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2016) tr. 169.
[31] Lời đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã phát biểu trong Lễ Kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (Báo Chính phủ Điện tử, “Nguyện kế tục trung thành và xuất sắc sự nghiệp vĩ đại của Bác Hồ” <http://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Nguyen-ke-tuc-trung-thanh-va-xuat-sac-su-nghiep-vi-dai-cua-Bac-Ho/395814.vgp>, ngày 18/5/2020).
* Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp.