Đảng ủy Bộ Tư pháp quán triệt, triển khai Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị

04/05/2025
Đảng ủy Bộ Tư pháp quán triệt, triển khai Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị
Chiều 4/5, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh đã chủ trì Hội nghị quán triệt, triển khai Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Tham dự Hội nghị, có Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Bộ, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh; các Thứ trưởng: Đặng Hoàng Oanh, Mai Lương Khôi, Nguyễn Thanh Tú; Phó Bí thư Đảng ủy Bộ; Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng các đơn vị, các tổ chức đoàn thể thuộc Bộ.
Quán triệt, triển khai Nghị quyết số 66-NQ/TW, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh cho biết, ngày 30/4 - đúng 50 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết 66 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới… Đây là Nghị quyết chuyên đề rất đặc biệt ra đời trong bối cảnh Bộ, ngành Tư pháp chưa bao giờ nhiều công việc nặng nề như hiện nay và cũng chưa bao giờ Bộ, ngành Tư pháp có nhiều cơ hội như hiện nay.
 
Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh quán triệt, triển khai các nội dung chính của Nghị quyết số 66-NQ/TW.

Đạt được thành quả này, Bộ trưởng cho rằng, chúng ta phải tri ân những thế hệ đi trước của Bộ, ngành Tư pháp, nhất là các đồng chí nguyên lãnh đạo Bộ trong suốt chiều dài lịch sử, qua nhiều gian khổ để Bộ, ngành Tư pháp đạt được vị thế như ngày hôm nay. Bộ trưởng cũng cảm ơn các đồng chí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở Bộ, các đồng chí cán bộ Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý cùng các đơn vị liên quan, những người đã trực tiếp xây dựng Đề án, đã rất vất vả nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trình Bộ Chính trị.
Nhân dịp này, Bộ trưởng cũng cảm ơn Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thường vụ Chính phủ và các Bộ trưởng rất ủng hộ trong quá trình xây dựng Nghị quyết.
 
Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh và Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tú cùng các đại biểu dự Hội nghị.

Bộ trưởng nhớ lại thời điểm bắt đầu triển khai xây dựng Nghị quyết 66 ngay sau khi Tổng Bí thư Tô Lâm đến làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp. Ngay sau đó, nhiều đơn vị thuộc Bộ đã chủ động triển khai nhiệm vụ theo kế hoạch. Cùng với Nghị quyết 66, tới đây Bộ cũng sẽ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Hai Nghị quyết này gắn kết với nhau, theo đúng tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư là phải mang tính hành động, triển khai được ngay. 
 
Thứ trưởng Mai Lương Khôi cùng các đại biểu dự Hội nghị.

Về nội dung, Nghị quyết 66 quy định nhiều cơ chế đột phá. Cụ thể, Nghị quyết nêu rõ 5 quan điểm chỉ đạo: Thứ nhất, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi hành pháp luật. Tăng cường kiểm soát quyền lực; phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ; phòng ngừa, ngăn chặn mọi biểu hiện trục lợi, hướng lái chính sách. Phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, sự tham gia rộng rãi, thực chất của người dân, tổ chức, doanh nghiệp trong xây dựng và thi hành pháp luật.
Thứ hai, công tác xây dựng và thi hành pháp luật là “đột phá của đột phá” trong hoàn thiện thể chế phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; là một nhiệm vụ trọng tâm của tiến trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng.
 
Thủ trưởng một số đơn vị thuộc Bộ dự Hội nghị.

Thứ ba, xây dựng pháp luật phải bám sát thực tiễn, “đứng trên mảnh đất thực tiễn của Việt Nam”, tiếp thu có chọn lọc giá trị tinh hoa của nhân loại, bảo đảm tính hệ thống, nắm bắt mọi cơ hội, mở đường, khơi thông mọi nguồn lực, đưa thể chế, pháp luật trở thành lợi thế cạnh tranh, nền tảng vững chắc, động lực mạnh mẽ cho phát triển, tạo dư địa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế “hai con số”, nâng cao đời sống của Nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước.
Thứ tư, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, tập trung xây dựng văn hóa tuân thủ pháp luật, bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng và thi hành pháp luật.
Thứ năm, đầu tư cho công tác xây dựng chính sách, pháp luật là đầu tư cho phát triển. Nhà nước bảo đảm và ưu tiên nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, hiện đại hóa hạ tầng kỹ thuật, đẩy mạnh chuyển đổi số và có chế độ, chính sách đặc thù, vượt trội cho công tác nghiên cứu chiến lược, chính sách, xây dựng pháp luật và đội ngũ cán bộ thực hiện các nhiệm vụ này.
 

Thủ trưởng một số đơn vị thuộc Bộ dự Hội nghị. 
 
Trong 5 quan điểm, có những quan điểm rất mới, rất thấm. Dẫn chứng quan điểm thứ 3, Bộ trưởng nhấn mạnh, pháp luật dù hay đến mấy thì cũng phải đo lường được hiệu quả, giải quyết được các vấn đề thực tiễn. Hay việc đưa thể chế, pháp luật trở thành lợi thế cạnh tranh, theo Bộ trưởng, đây không chỉ là tháo gỡ điểm nghẽn, xoá lợi ích cục bộ mà còn phải đưa thể chế, pháp luật trở thành cơ chế, chính sách vượt trội. Pháp luật khi ban hành phải thành nền tảng vững chắc để đất nước phát triển…
Về mục tiêu, Nghị quyết 66-NQ/TW đặt ra các mục tiêu hoà chung vào 2 mục tiêu trăm năm của đất nước - năm 2030 và 2045. Đặc biệt, Nghị quyết 66-NQ/TW đề ra 3 mốc mục tiêu cực kỳ thách thức: năm 2025, cơ bản hoàn thành việc tháo gỡ những “điểm nghẽn” do quy định pháp luật. Năm 2027, hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản pháp luật bảo đảm cơ sở pháp lý đồng bộ cho hoạt động của bộ máy nhà nước theo mô hình chính quyền 3 cấp. Năm 2028, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh, góp phần đưa môi trường đầu tư của Việt Nam nằm trong nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN.
Bộ trưởng cũng lưu ý 7 nhiệm vụ, giải pháp lớn của Nghị quyết gồm: 1. Bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật, phát huy cao độ tính Đảng trong xây dựng và thi hành pháp luật; 2. Đổi mới tư duy, định hướng xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực phát triển; 3. Tạo đột phá trong công tác thi hành pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực và hiệu quả; gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng và thi hành pháp luật; 4. Nâng cao hiệu quả công tác hợp tác quốc tế, pháp luật quốc tế; 5. Xây dựng giải pháp đột phá nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật; 6. Tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật; 7. Thực hiện cơ chế tài chính đặc biệt cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật.