Thực hiện chương trình hoạt động năm 2008 của Đoàn Thanh niên cộng sản cơ quan Bộ Tư pháp, được sự cho phép của Lãnh đạo Bộ và Đảng uỷ cơ quan Bộ, Đoàn Thanh niên cộng sản cơ quan Bộ Tư pháp đã tổ chức hoạt động thanh niên tình nguyện tại tỉnh Yên Bái từ ngày 28 tháng 7 đến ngày 03 tháng 8 năm 2008.
Hoạt động tình nguyện là một cách thực hiện chủ trương hướng về cơ sở của Bộ đối với cán bộ, công chức trẻ, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức trẻ thâm nhập và tìm hiểu cuộc sống thực tế tại những vùng đặc biệt khó khăn; tăng cường mối liên kết nhiều chiều giữa thanh niên Bộ Tư pháp nói riêng, cơ quan Bộ Tư pháp nói chung với các cơ quan tư pháp và người dân địa phương.
Tại Yên Bái, Đoàn thanh niên tình nguyện đã tiến hành hoạt động tại 02 xã Hồ Bốn và Khao Mang, thuộc huyện Mù Cang Chải. Ở các xã này, điều kiện đi lại, điều kiện kinh tế rất khó khăn (kinh tế chủ yếu là nông nghiệp trồng ngô, lúa); dân số mỗi xã có khoảng 4000 người, sống ở các bản rất xa nhau, đồng bào chủ yếu là người Mông (người Mông chiếm khoảng 95%, còn lại là người Kinh, Thái) với phong tục tập quán còn ảnh hưởng nặng nề đến đời sống nhân dân, ý thức của người dân về công tác hộ tịch rất thấp. Bên cạnh đó, công tác tư pháp chưa được đầu tư thoả đáng (thiếu giấy tờ hộ tịch, sách vở, tài liệu), sự bất đồng ngôn ngữ cũng ảnh hưởng lớn đến công tác hộ tịch tại địa phương.
Đoàn Thanh niên tình nguyện xin báo cáo quá trình triển khai hoạt động tình nguyện tại Yên Bái như sau:
1. Công tác chuẩn bị và thành phần của Đoàn tình nguyện
Sau khi có chủ trương hoạt động tình nguyện tại Yên Bái, Đoàn đã lập kế hoạch, báo cáo với Đảng uỷ, Lãnh đạo Bộ, chủ động liên hệ, tìm hiểu về địa bàn hoạt động, gửi công văn thông báo cho Chi đoàn Sở Tư pháp và Tỉnh Đoàn Yên Bái, tìm hiểu trước về thực tế địa phương nơi đoàn dự kiến đến hoạt động tình nguyện.
Đoàn đã Công văn đề nghị các chi đoàn cử đoàn viên tham gia đoàn tình nguyện. Ngoài ra, Đoàn cũng đề nghị Nhà Xuất bản tư pháp hỗ trợ đoàn về biểu mẫu hộ tịch (800 biểu mẫu về đăng ký khai sinh, kết hôn), Báo Pháp luật Việt Nam hỗ trợ báo cũ và 1.000.000đ góp phần làm quà tặng các học sinh, gia đình chính sách.
Nhờ có sự tìm hiểu trước về địa bàn sẽ đến hoạt động, Đoàn thanh niên tình nguyện đã có sự chủ động và xác định trước những nội dung cần hoạt động để tạo được hiệu quả cao nhất, đó là thực hiện việc đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn cho người dân; tuyên truyền pháp luật về phòng chống ma tuý, công tác hộ tịch; tặng quà cho học sinh nghèo hiếu học, gia đình chính sách, tặng sách vở tài liệu cho cán bộ làm công tác tư pháp...
Đoàn đã đề nghị Vụ Hành chính tư pháp cử chuyên viên hướng dẫn cho Đoàn một số kỹ năng, kinh nghiệm thực hiện công tác đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn với đặc thù là đồng bào dân tộc vùng cao. Đoàn đã nhận được sự giúp đỡ, hướng dẫn tận tình của Vụ Hành chính tư pháp.
Sáng ngày 28/7/2008, Đoàn làm lễ xuất quân tại trụ sở Bộ Tư pháp với sự tham dự, động viên của đồng chí Đinh Trung Tụng - Bí thư Đảng uỷ, Thứ trưởng Bộ Tư pháp và nhiều đồng chí khác.
Tham gia Đoàn thanh niên tình nguyện gồm có 8 thành viên đến từ các chi đoàn, cụ thể như sau:
1. Đ/c Lê Tuấn Phong – UVBCH Đoàn Bộ - Chi đoàn Cục Kiểm tra văn bản - Trường đoàn;
2. Đ/c Lê Trọng Hùng - Chi đoàn Báo Pháp luật Việt Nam;
3. Đ/c Trương Thị Thu Hà – Chi đoàn Nhà Xuất bản Tư pháp;
4. Đ/c Nguyễn Văn Định – Chi đoàn Cục Trợ giúp pháp lý;
5. Đ/c Hoàng Thị Ngọc Phượng – Chi đoàn Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm;
6. Đ/c Nguyễn Tố Nga – Chi đoàn Vụ Pháp luật hình sự, hành chính;
7. Đ/c Phùng Huy Thuận – Chi đoàn Vụ Thi đua khen thưởng;
8. Đ/c Nguyễn Kim Phượng - Chi đoàn Vụ Pháp luật dân sự, kinh tế.
Ngoài ra, Sở Tư pháp Yên Bái cử 03 đoàn viên tham gia hoạt động cùng Đoàn trong suốt thời gian Đoàn ở địa phương, gồm các đồng chí:
1. Đặng Anh Tuấn;
2. Vương Văn Điển;
3. Hoàng Hồng Sen.
2. Quá trình hoạt động và những kết quả đạt được
2.1. Quá trình hoạt động
Tại Yên Bái, sau khi báo cáo những nội dung dự kiến hoạt động với Sở Tư pháp, Đoàn tiếp tục đi đến huyện Mù Cang Chải, là huyện xa nhất của tỉnh Yên Bái.
Tại Mù Cang Chải, sau khi báo cáo với Lãnh đạo huyện, Đoàn đã đến các xã Hồ Bốn, Khao Mang rồi chia thành nhiều nhóm đến tận các bản, các hộ dân để thực hiện đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn, phổ biến pháp luật.
Tại xã Khao Mang, Đoàn đã phối hợp với Huyện Đoàn, Phòng Văn hóa huyện Mù Cang Chải và trường THCS Khao Mang tổ chức đêm giao lưu văn nghệ, kết hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tặng quà cho học sinh. Đêm giao lưu này đã thu hút được đông đảo bà con nhân dân, các em học sinh đến tham dự.
Trước khi trở về Hà Nội, Đoàn đã có buổi báo cáo kết quả hoạt động tình nguyện với Lãnh đạo Sở Tư pháp, giao lưu với Chi đoàn Sở Tư pháp Yên Bái.
2.2. Một số kết quả đạt được
Thông qua hoạt động chuyên môn, kết hợp với giao lưu văn nghệ, hoạt động của Đoàn Thanh niên tình nguyện tại Yên Bái đã thu được nhiều kết quả, để lại những ấn tượng tốt đẹp cho cán bộ, nhân dân nơi Đoàn đến hoạt động, những kết quả cụ thể như sau:
- Đoàn đã tổ chức đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn cho 24 trường hợp tại xã Hồ Bốn, 60 trường hợp tại xã Khao Mang. Một số trường hợp đến khai sinh cho con nhưng lại chưa đăng ký kết hôn, Đoàn đã thực hiện luôn đăng ký kết hôn quá hạn trước khi đăng ký khai sinh cho con.
- Đã tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng chống ma tuý, công tác hộ tịch cho đông đảo nhân dân (khoảng trên 1000 đối tượng); tặng sách báo pháp luật, biểu mẫu hộ tịch cho tư pháp xã Hồ Bốn và Khao Mang.
- Hỗ trợ nghiệp vụ cho cán bộ tư pháp-hộ tịch của 2 xã.
- Tại xã Hồ Bốn: Trao 5 suất quà cho học sinh nghèo hiếu học (trị giá 100.000đ/suất); 5 suất quà cho các hộ gia đình chính sách (trị giá 100.000đ/suất), cách thức: Có thống nhất với chính quyền xã về lựa chọn đối tượng, có giấy biên nhận lưu lại.
- Tại xã Khao Mang: Trao 8 suất quà cho học sinh nghèo hiếu học (trị giá 50.000đ/suất); 4 suất quà cho các hộ gia đình chính sách (trị giá 100.000đ/suất); tặng quà cho trường THCS Khao Mang (trị giá 300.000đ).
- Tặng quà cho những người đến đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn, học sinh tham gia giao lưu (bột canh, mì tôm, quần áo cũ, bút vở...).
3. Những đánh giá, kiến nghị:
3.1. Đoàn thanh niên tình nguyện tại Yên Bái đã thu được kết quả tốt đẹp, có được thành công đó là nhờ sự chỉ đạo, động viên của Đảng uỷ, Lãnh đạo Bộ, sự hỗ trợ nhiệt tình của các Đơn vị thuộc bộ về tinh thần, vật chất và tạo điều kiện cho Đoàn viên của đơn vị tham gia Đoàn tình nguyện.
Đoàn nhận được sự phối hợp rất nhiệt tình và chu đáo của Lãnh đạo Sở Tư pháp, Chi đoàn Sở Tư pháp Yên Bái, Phòng Tư pháp huyện Mù Cang Chải, của cán bộ tư pháp địa phương cũng như của Lãnh đạo UBND xã Hồ Bốn, xã Khao Mang.
Các thành viên Đoàn tình nguyện có tinh thần, thái độ, trách nhiệm làm việc cao, không ngại khó, ngại khổ, thể hiện được phong cách, bản lĩnh, trình độ của đoàn viên cơ quan Bộ Tư pháp.
Hoạt động của Đoàn có tác động lớn đến nhận thức của cán bộ, nhân dân về công tác hộ tịch những nơi Đoàn đến, tăng cường uy tín của Bộ, góp phần hướng về cơ sở.
Đoàn cũng làm tốt công tác thông tin, quảng bá về hoạt động thanh niên tình nguyện của Đoàn Bộ Tư pháp trên Báo Pháp luật Việt Nam, Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp.
3.2. Qua đợt hoạt động tình nguyện tại Yên Bái, Đoàn tình nguyện xin có một số đề xuất, kiến nghị như sau:
- Công tác tư pháp ở vùng sâu, vùng xa còn rất nhiều khó khăn, đặc biệt là ý thức của nhân dân về công tác này chưa cao. Do vậy, Bộ cần có chính sách ưu tiên cho công tác tư pháp ở vùng đặc biệt khó khăn, nhất là về công tác hộ tịch, tài liệu phục vụ tuyên truyền (cần chú trọng những tài liệu đơn giản, dễ hiểu, phù hợp ngôn ngữ để phục vụ trực tiếp cho nhân dân, ưu tiên đào tạo cho cán bộ tư pháp ở những vùng khó khăn);
- Lồng ghép công tác tư pháp ở địa phương với chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước;
- Đề nghị Đảng uỷ Bộ, Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo các đơn vị tiếp tục ủng hộ hoạt động tình nguyện, là một hoạt động truyền thống của Đoàn Bộ Tư pháp được Đoàn cấp trên và TW Đoàn đánh giá cao.
Lê Tuấn Phong - Cục Kiểm tra văn bản QPPL