Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an và Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp vừa ban hành Kế hoạch phối hợp triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” giai đoạn 2025 - 2030.
Kế hoạch nhằm tăng cường quan hệ phối hợp giữa 02 đơn vị, tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp, hòa giải ở cơ sở và trợ giúp pháp lý góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc ứng dụng nền tảng định danh và xác thực điện tử VNeID của Bộ Công an đối với một số hoạt động thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp, góp phần chuyển đổi, tăng cường hiệu quả công tác phục vụ người dân, doanh nghiệp. Quá trình triển khai thực hiện đảm bảo đúng quy định, có trọng tâm, trọng điểm đạt hiệu quả cao phục vụ mục tiêu phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, phù hợp với yêu cầu thực tế, đặc thù, đặc điểm đối với các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp.
Theo Kế hoạch, 02 đơn vị phối hợp triển khai tích hợp hệ thống định danh và xác thực điện tử VNeID vào Cổng Pháp luật quốc gia, bảo đảm việc xác thực danh tính người dùng được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật hiện hành; tổ chức học tập, tìm hiểu kiến thức pháp luật trên nền tảng “Bình dân số” do Bộ Công an xây dựng, quản lý và vận hành; tuyền thông, phổ biến thông tin pháp luật trên ứng dụng định danh quốc gia (VNeID); triển khai phân tích, đánh giá thông tin người dùng truy cập và sử dụng Cổng Pháp luật quốc gia thông qua phương thức xác thực định danh điện tử VNeID, nhằm xác định nhóm đối tượng mục tiêu và xây dựng định hướng phát triển nội dung, chức năng của Cổng cho phù hợp.
Đồng thời, nghiên cứu, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đến các nhóm đối tượng người dân, doanh nghiệp, trong đó tập trung vào việc đổi mới phương pháp truyền đạt, ứng dụng công nghệ và số hóa nội dung; xác định trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp khi sử dụng nền tảng AI Pháp luật và các dịch vụ có thu phí theo quy định pháp luật; phối hợp giữa Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân và Trung tâm Thông tin pháp luật và Hỗ trợ, trợ giúp pháp lý trong việc nghiên cứu, phát triển giải pháp và xác định cơ chế cung ứng dịch vụ trong lĩnh vực pháp luật có thu trên nền tảng số theo quy định pháp luật.
Về phạm vi thực hiện: Triển khai Đề án 06/CP trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp. Thời gian thực hiện: Từ tháng 7/2025 đến tháng 12/2030.
M.Khang