Giải pháp để đổi mới tư duy lập pháp ngày càng đạt hiệu quả hơn

15/11/2024
Giải pháp để đổi mới tư duy lập pháp ngày càng đạt hiệu quả hơn
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã nhấn mạnh, xây dựng luật phải trên tinh thần cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng, xuất phát từ thực tiễn, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các đại biểu Quốc hội phát huy dân chủ, trí tuệ, chuyên nghiệp, khoa học, tập trung góp ý toàn diện cả về nội dung và kỹ thuật lập pháp của các dự án luật. Đây là những đường hướng cơ bản để nhiệm vụ đổi mới tư duy lập pháp sẽ ngày càng đạt kết quả cao hơn, đáp ứng tốt hơn yêu cầu từ thực tiễn trong giai đoạn mới.
Luật chỉ quy định những vấn đề theo đúng thẩm quyền của Quốc hội
Trong bài viết với tiêu đề Phát huy tính Đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định: “Là cơ quan thực hiện quyền lập pháp, Quốc hội cần đóng vai trò chủ đạo, có các giải pháp bảo đảm hệ thống pháp luật được ban hành đáp ứng được các yêu cầu của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Lĩnh hội tinh thần này, Quốc hội khóa XV, đứng đầu là Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã đưa ra nhiều giải pháp để thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, trong đó có nhiệm vụ đổi mới tư duy lập pháp với nhiều biện pháp cụ thể.
Đầu tiên, ngay tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh mẫn đã chỉ đạo, việc xây dựng và hoàn thiện luật phải trên tinh thần luật cần ngắn gọn, chỉ quy định những vấn đề theo đúng thẩm quyền của Quốc hội, không luật hóa các vấn đề thuộc thông tư, nghị định…
 

Về nội dung này, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội bày tỏ sự tâm đắc sâu sắc đối với tư tưởng của Tổng Bí thư Tô Lâm và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn về đổi mới tư duy trong công tác lập pháp, trong đó có xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết, thông tư hướng dẫn... “Đây là một điểm rất mới trong công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật. Tôi rất đồng tình quan điểm này” - đại biểu Phạm Văn Hòa khẳng định. Theo đại biểu, Việt Nam có cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp; 3 cơ quan này là biểu hiện thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng; mỗi cơ quan có vai trò, nhiệm vụ khác nhau, rất rõ ràng, phân công nhau để thực hiện nhiệm vụ. Quốc hội làm công tác lập pháp thì ban hành luật, pháp lệnh, nên những luật, pháp lệnh cần rõ ràng, mang tính chất chung để thực hiện nhiệm vụ.
Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, những vấn đề nào thuộc nhiệm vụ của Chính phủ nên để cho Chính phủ ban hành nghị định để tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị, dự thảo nghị định của Chính phủ phải được chuẩn bị và gửi kèm song song, đồng thời với dự thảo luật.  “Tất nhiên, Quốc hội sẽ không biểu quyết nghị định đó nhưng có thể cho ý kiến để kịp thời, cùng lúc với nhau. Quốc hội ban hành một luật khung như thế nhưng bên nghị định lại hướng dẫn khác hơn, có khi đụng chạm đến quyền lợi của người dân, của đối tượng tác động. Tôi cho rằng Quốc hội phải biết để góp ý điều chỉnh, tuy nhiên việc quyết và ban hành vẫn là trách nhiệm của Chính phủ” - đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.
Theo quan điểm của GS, TS Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, luật không nhất thiết phải thật dài, lê thê. “Luật có thể 1 điều, 2 điều, đó cũng chính là chúng ta đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật… Pháp luật vẫn là pháp luật, luật phải là luật, không yêu cầu luật rộng hay luật hẹp; luật phải được ban hành theo quy trình nhất định và phải được thực hiện nghiêm chỉnh, vi phạm pháp luật phải bị xử lý nghiêm minh” - GS. TS Phan Trung Lý bày tỏ.
Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, phải xác định rõ phạm vi lập pháp, phạm vi lập quy. Khi xác định rõ như vậy, sẽ không dẫn đến tình trạng cứ phải Quốc hội ủy quyền thì Chính phủ mới làm. Chính phủ là cơ quan hành chính cao nhất, là cơ quan thực hiện quyền hành pháp, quyền hành pháp phải có không gian của hành pháp và không gian hành pháp phải bao gồm từ xây dựng thể chế cho đến thực hiện. “Nếu không đi vào đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, không xác định được thẩm quyền, phạm vi sẽ rất khó đổi mới” – GS, TS Phan Trung Lý nhấn mạnh đồng thời kiến nghị, Quốc hội phải xác định được phạm vi cho từng cơ quan để các cơ quan chủ động trong không gian của mình và chịu trách nhiệm về việc đó.
Luật chỉ quy định những vấn đề khung, không quy định quá chi tiết.
Một trong những đổi mới hàng đầu khác mà nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đang triển khai theo tinh thần của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, đó là đổi mới tư duy làm luật theo hướng luật chỉ quy định khung, không quy định chi tiết mà giao cho Chính phủ quy định chi tiết trong nghị định, thông tư hướng dẫn.
Quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho rằng, đổi mới hoạt động lập pháp theo hướng luật chỉ quy định những vấn đề khung là định hướng đúng đắn và phù hợp với thông lệ quốc tế. Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai kiến nghị, cần thể chế hóa kịp thời định hướng này để tạo căn cứ cho việc tổ chức thực hiện theo đúng nguyên tắc nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đồng thời rà soát những văn bản liên quan để có điều chỉnh phù hợp.
 

Theo TS Đinh Văn Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ), nếu văn bản luật quy định quá chi tiết thì tuy có thuận lợi là có thể được thực hiện ngay nhưng lại có nhược điểm là vì quy định quá chi tiết nên việc thực thi sẽ bị “bó cứng” trong các quy định của luật.
Theo đó, khi các cơ quan và người thực thi áp dụng luật khi gặp trường hợp cụ thể không đúng với quy định của luật sẽ gặp khó khăn, không dám đưa ra giải pháp, khiến cho công việc bị ách tắc, trì trệ, nhất là trong tình hình hiện nay khi vấn đề trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đang được đề cao.
TS Đinh Văn Minh nhấn mạnh, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Theo đó, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho rằng, luật nên quy định những vấn đề lớn mang tính nguyên tắc và để cho các cơ quan quản lý triển khai thực hiện trên địa bàn, lĩnh vực của mình một cách có hiệu quả nhất bảo đảm đúng tính thần của luật. Điều này xuất phát từ nhu cầu vận hành của công tác quản lý hiện nay đòi hỏi tính năng động, chủ động, liên tục và thích ứng nhanh nhạy với sự phát triển như vũ bão trong kỷ nguyên số.
TS Đinh Văn Minh phân tích, mặc dù trách nhiệm của cơ quan hành chính là thi hành pháp luật, áp dụng các quy định của các đạo luật để giải quyết các tình huống cụ thể nhưng ở bất cứ nước nào cũng vậy, các đạo luật không thể tiên liệu được hết mọi tình huống cụ thể cho nên chỉ đề ra những khuôn khổ nhất định và cơ quan hành chính có quyền “tự định liệu”.
Để làm được điều này, TS Đinh Văn Minh nhấn mạnh, cần thiết phải có phân cấp, phân quyền mạnh mẽ và đề cao trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương, đồng thời tăng cường sự giám sát của cơ quan quyền lực cũng như các cơ chế giám sát khác...
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) cho biết, thời gian gần đây, trong nghị trường Quốc hội, đại biểu cũng nhiều lần nhấn mạnh điều này. Các dự thảo luật, chương trình, hành động, nghị quyết của Quốc hội cũng đã nêu được những ý kiến đó, phân công rành mạch, rõ ràng nhiệm vụ của Quốc hội là ban hành những luật khung, quy định chung nhất, còn những quy định chi tiết như cấp giấy phép xây dựng, cấp quyền sử dụng đất trong thời gian bao nhiêu ngày... để Chính phủ quy định, nhưng Quốc hội phải biết.
 

 
Với tinh thần quyết liệt đổi mới tư duy lập pháp, ngay tại Kỳ họp thứ 8 đang diễn ra tại Thủ đô Hà Nội, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, sát sao của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, Quốc hội khóa XV dự kiến tiếp tục xem xét thông qua 15 dự án luật, 4 dự thảo nghị quyết quy phạm pháp luật và cho ý kiến vào 13 dự thảo luật.
Nếu được thông qua, 15 dự án luật, 4 dự thảo nghị quyết trong Kỳ họp thứ 8 lần này chắc chắn sẽ là những sản phẩm lập pháp tiêu biểu, là minh chứng sống động, rõ nét nhất cho nhiệm vụ thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng vào pháp luật của Quốc hội, cụ thể là nhiệm vụ đổi mới tư duy lập pháp mà đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo. Đây là một trong những “cánh cửa” quan trọng, góp phần đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.