Sóc Trăng sôi nổi hưởng ứng Ngày pháp luật 09/11

07/11/2013
Sóc Trăng sôi nổi hưởng ứng Ngày pháp luật 09/11
Thời gian qua, cùng với các tỉnh thành trong cả nước, Sóc Trăng đã tổ chức triển khai thực hiện sinh hoạt "Ngày pháp luật" và được các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh hưởng ứng mạnh mẽ, mang lại những kết quả góp phần đáng kể vào công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Nghị định số 28/2013/NĐ-CP, ngày 04/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều và biện pháp thi hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Tư pháp tại Công văn số 6902/BTP-PBGDPL, ngày 25/9/2013 về việc tổ chức thực hiện Ngày pháp luật năm 2013; Ngày 11/10/2013, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng ban hành Kế hoạch số 67/KH-UBND tổ chức triển khai thực hiện Ngày pháp luật trên địa bàn tỉnh với yêu cầu: quán triệt đầy đủ nội dung, mục đích, ý nghĩa, yêu cầu về Ngày pháp luật quy định trong Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành. Việc triển khai Ngày pháp luật phải được thực hiện đồng bộ, gắn kết chặt chẽ với các nhiệm vụ của ngành, địa phương, đảm bảo thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả.

Mô hình Ngày pháp luật được các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai sinh hoạt mỗi tháng một lần, dưới nhiều hình thức khác nhau như: tổ chức đọc sách, báo; hội nghị tập huấn, hội nghị triển khai văn bản pháp luật, tọa đàm trao đổi thông tin… Nội dung sinh hoạt cũng rất phong phú, tập trung vào các văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến công việc, quyền lợi của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân như: Luật Đất đai, Luật Dân sự, Luật Giao thông đường bộ, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Phòng, chống tham nhũng… và các văn bản pháp luật mới ban hành.

Qua hai năm triển khai thực hiện mô hình “Ngày pháp luật” trên địa bàn tỉnh, trình độ nhận thức, khả năng thực thi pháp luật của cán bộ, công chức được nâng lên rõ rệt. Việc tổ chức “Ngày pháp luật” tại các cơ quan, đơn vị, địa phương đã giúp cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hiểu và nắm vững hơn những quy định của pháp luật, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; đồng thời, đưa vào các buổi sinh hoạt pháp luật những nội dung, trao đổi nghiệp vụ và rút kinh nghiệm việc vận dụng, áp dụng pháp luật trong giải quyết công việc hàng ngày của cán bộ, công chức, viên chức nhằm hạn chế sai sót trong thi hành công vụ, nâng cao ý thức chấp hành và tôn trọng pháp luật của cán bộ, công chức để người dân làm theo, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Năm 2013 là năm đầu tiên tổ chức thực hiện Ngày Pháp luật trong phạm vi toàn quốc với chủ đề “Toàn dân xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Như vậy bắt đầu từ năm 2013, chúng ta có một ngày quan trọng để khẳng định tính thượng tôn của pháp luật. Đây cũng là năm ghi nhận một sự kiện rất quan trọng trong đời sống chính trị - pháp lý của đất nước, đó là việc toàn dân tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Hiến pháp (sửa đổi), bản Hiến pháp của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Chính vì vậy, Ngày Pháp luật năm nay có ý nghĩa đặc biệt, vừa là sự tiếp nối đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý sâu rộng nêu trên, nhằm phát huy ý thức tôn trọng chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân; là tiền đề, là cơ sở để tổ chức Ngày Pháp luật trong những năm tiếp theo có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả thiết thực hơn. Đồng thời, cũng nhắc nhở, đề cao quyền cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ của cá nhân công dân trong học tập, tìm hiểu pháp luật. Điều này được coi là một trong những tiến bộ về tư duy rất quan trọng được thể chế hóa trong Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung cũng như quy định về Ngày Pháp luật nói riêng.


Có thể nói, hơn hai năm triển khai thực hiện mô hình “Ngày pháp luật”, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã rút ra được những kinh nghiệm bước đầu đó là: xây dựng kế hoạch cụ thể và phân công trách nhiệm rõ ràng cho từng cán bộ, đơn vị phụ trách gắn với các tiêu chí đánh giá chất lượng cán bộ, công chức, viên chức; chủ động cập nhật các văn bản pháp luật mới và lưu giữ tại Tủ sách pháp luật của mỗi cơ quan, đơn vị địa phương là một điều kiện thuận lợi để duy trì tổ chức sinh hoạt “Ngày pháp luật”. Với tư cách là cơ quan giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp tích cực, chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, nhà trường, hoàn thiện các quy chế phối hợp trong việc phổ biến, giáo dục pháp luật; tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với từng loại đối tượng. Phối hợp với Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP. Cần Thơ xây dựng chuyên mục "Hưởng ứng Ngày pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" trên địa bàn tỉnh. Tuyên truyền cổ động trực quan về Ngày pháp luật, chủ đề, khẩu hiệu Ngày pháp luật năm 2013 qua hệ thống áp phích, panô, băngrôn, cờ trên các tuyến đường chính, địa điểm công cộng, các trường học. Tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật cho lực lượng tuyên truyền viên là người dân tộc Khmer trên địa bàn huyện Long Phú; trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật cho học sinh các trường cấp 3. Tăng thời lượng các chuyên trang, chuyên mục, lồng ghép với các hoạt động thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", "Xây dựng nông thôn mới" và Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg ngày 24/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Hy vọng, với những kinh nghiệm đã có, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh sẽ áp dụng và tiếp tục triển khai nhân rộng, đưa mô hình “Ngày pháp luật” thực sự đi vào cuộc sống. Qua đó, nhắc nhở nhân dân tôn trọng, nghiêm chỉnh thực hiện pháp luật, và về một đội ngũ công chức “phụng công thủ pháp”.


Đăng Khoa

1270