Quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ

17/11/2014
Ngày 07/11, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư 63/2014/TT-BGTVT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.

Thông tư này quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải hành khách, vận tải hàng hóa bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ; đối tượng áp dụng là cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.

Các các loại hình vận tải hành khách tại Thông tư bao gồm: xe ô tô theo tuyến cố định; xe buýt; xe taxi; xe ô tô vận tải hành khách theo hợp đồng; xe ô tô vận tải khách du lịch; xe ô tô vận tải người nội bộ. 

Vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định

Xe ô tô theo tuyến cố định phải có phù hiệu “XE CHẠY TUYẾN CỐ ĐỊNH”; phải tuân thủ các quy định về niêm yết, trong đó có niêm yết tại bến xe các thông tin sau: danh sách các tuyến, lịch xe xuất bến của các chuyến xe đang hoạt động tại bến; danh sách các đơn vị vận tải kinh doanh khai thác trên từng tuyến; số điện thoại đường dây nóng của đơn vị kinh doanh vận tải, Sở Giao thông vận tải địa phương; Niêm yết tại quầy bán vé các thông tin sau: tên đơn vị kinh doanh vận tải, tên tuyến, giá vé, lịch xe xuất bến của từng chuyến xe, dịch vụ phục vụ hành khách trên hành trình, khối lượng hành lý miễn cước.

Đối với niêm yết trên xe thì phải niêm yết ở phía trên kính trước: điểm đầu, điểm cuối của tuyến; Niêm yết ở mặt ngoài hai bên thân xe hoặc hai bên cánh cửa xe: tên và số điện thoại của đơn vị kinh doanh vận tải; Niêm yết ở trong xe: biển số xe, giá vé, hành trình chạy xe, dịch vụ phục vụ hành khách trên hành trình, khối lượng hành lý miễn cước, số điện thoại đường dây nóng của đơn vị kinh doanh vận tải,

Đối với xe trung chuyển hành khách phải niêm yết ở mặt ngoài hai bên thân xe hoặc hai bên cánh cửa xe: tên và số điện thoại của doanh nghiệp, hợp tác xã. Xe phải có phù hiệu “XE TRUNG CHUYỂN”. Nếu xe có sức chứa từ 16 chỗ ngồi trở xuống (kể cả người lái) và phải thuộc quyền sử dụng hợp pháp của doanh nghiệp, hợp tác xã.

Vận tải hành khác bằng xe buýt

Xe buýt phải có phù hiệu “XE BUÝT”, đồng thời phải tuân thủ các quy định về niêm yết gồm: Niêm yết bên ngoài xe: Phía trên kính trước và sau xe phải niêm yết số hiệu tuyến, điểm đầu, điểm cuối của tuyến; Bên phải thành xe niêm yết số hiệu tuyến; giá vé và số điện thoại của doanh nghiệp, hợp tác xã. Niêm yết bên trong xe: biển số xe, số hiệu tuyến; sơ đồ vị trí điểm đầu, điểm cuối và các điểm dừng dọc tuyến; giá vé; số điện thoại đường dây nóng của đơn vị vận tải và Sở Giao thông vận tải địa phương; trách nhiệm của lái xe, nhân viên phục vụ trên xe và hành

Đối với xe buýt, trước khi đưa xe vào khai thác, doanh nghiệp, hợp tác xã phải thực hiện đăng ký mầu sơn đặc trưng.

Vận tải hành khác bằng xe taxi

Xe taxi phải có phù hiệu “XE TAXI” do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định riêng đối với các đơn vị thuộc địa phương quản lý. Địa phương tự in ấn, phát hành và thông báo mẫu phù hiệu riêng về Tổng cục Đường bộ Việt Nam trước khi thực hiện. Đồng thời phải tuân thủ các quy định về niêm yết gồm: Hai bên cánh cửa xe: tên, số điện thoại và biểu trưng (logo) của doanh nghiệp, hợp tác xã; Trong xe: bảng giá cước tính tiền theo kilômét, giá cước tính tiền cho thời gian chờ đợi và các chi phí khác (nếu có) mà hành khách phải trả.

Xe ô tô vận tải hành khách theo hợp đồng

Xe ô tô vận tải hành khách theo hợp đồng phải có phù hiệu “XE HỢP ĐỒNG”, phải niêm yết tên và số điện thoại của đơn vị kinh doanh vận tải ở phần đầu mặt ngoài hai bên thân xe hoặc hai bên cánh cửa xe.

Xe ô tô vận tải khách du lịch

Xe ô tô vận tải khách du lịch phải có biển hiệu “XE VẬN TẢI KHÁCH DU LỊCH”, phải niêm yết: tên và số điện thoại của đơn vị kinh doanh vận tải ở phần đầu mặt ngoài hai bên thân xe hoặc hai bên cánh cửa xe.

Xe ô tô vận tải người nội bộ

Xe ô tô vận tải người nội bộ phải có phù hiệu “XE NỘI BỘ”, chỉ được sử dụng xe để vận chuyển cán bộ, công nhân viên, người lao động hoặc học sinh, sinh viên của đơn vị mình; Không được sử dụng xe để kinh doanh vận tải hành khách hoặc cho thuê để vận chuyển hành khách.

Tất cả các loại hình vận tải hành khách trên đều phải thực hiện quy định về: niêm yết ở vị trí lái xe dễ nhận biết khi điều khiển phương tiện khẩu hiệu: “Tính mạng con người là trên hết”.

Xe ô tô vận tải hàng hoá

Xe ô tô vận tải hàng hóa phải thực hiện các quy định về phù hiệu như: Xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ phải có phù hiệu “XE CÔNG-TEN-NƠ”; Xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa phải có phù hiệu “XE TẢI”; Xe có phù hiệu “XE CÔNG-TEN-NƠ” được vận chuyển công-ten-nơ và hàng hóa khác. Xe có phù hiệu “XE TẢI” không được vận chuyển công-ten-nơ

Bên cạnh đó, phải thực hiện các quy định về niêm yết thông tin về: tên đơn vị vận tải; số điện thoại; khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông (tấn); khối lượng bản thân (tấn); khối lượng toàn bộ cho phép tham gia giao thông (tấn).

Về kinh doanh dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ

Thông tư quy định về bãi đỗ xe; bến xe hàng; đại lý bán vé; đại lý vận tải hàng hóa; dịch vụ thu gom hàng, dịch vụ chuyển tải, dịch vụ kho hàng và dịch vụ cứu hộ vận tải đường bộ.

Các loại phù hiệu theo quy định tại Thông tư số 18/2013/TT-BGTVT ngày 6 tháng 8 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức và quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ được tiếp tục sử dụng cho đến khi được cấp lại phù hiệu mới theo lộ trình như sau:

Từ ngày 01 tháng 07 năm 2016 đối với phù hiệu ”XE CHẠY TUYẾN CỐ ĐỊNH”.

Từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 đối với phù hiệu ”XE TAXI”.

Từ ngày 01 tháng 01 năm 2017 đối với phù hiệu ”XE HỢP ĐỒNG”.

Từ ngày 01 tháng 7 năm 2017 đối với phù hiệu ” XE CÔNG-TEN-NƠ”.

Phù hiệu ”XE TRUNG CHUYỂN” và ”XE NỘI BỘ” được sử dụng kể từ khi Thông tư này có hiệu lực thi hành.

Phù hiệu ”XE TẢI” và ”XE BUÝT” được thực hiện theo lộ trình quy định tại khoản 4 Điều 11 Nghị định 86/2014/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh bằng xe ô tô.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2015. Bãi bỏ các Thông tư: Thông tư số 18/2013/TT-BGTVT ngày 6 tháng 8 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức và quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ; Thông tư số 23/2014/TT-BGTVT ngày 26 tháng 6 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 18/2013/TT-BGTVT ngày 06/08/2013 quy định về tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ./.