Việt Nam đang tập trung thực hiện nhiều đột phá có tính cách mạng để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới, trong đó có việc đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật, tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Việc mở rộng dân chủ, tạo điều kiện để Nhân dân tham gia quản lý Nhà nước ngày càng được chú trọng hơn, bảo đảm và bảo vệ tốt hơn các quyền dân sự, chính trị của người dân.
Điều ước quốc tế quan trọng về quyền con người
Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (Công ước ICCPR) là một trong những điều ước quốc tế quan trọng nhất về quyền con người đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua vào năm 1966 và có hiệu lực vào năm 1976.
Với phạm vi điều chỉnh rộng, bao trùm tất cả các quyền dân sự và chính trị của mỗi cá nhân, Công ước ICCPR ra đời đã nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng quốc tế.
Tầm quan trọng và ý nghĩa của Công ước ICCPR được khẳng định mạnh mẽ bởi sự tham gia đông đảo của các quốc gia, hiện tại có 174 quốc gia là thành viên của Công ước này và nội dung của Công ước luôn được đề cập tới khi thảo luận về các vấn đề quyền con người.
Nhận thức được tầm quan trọng của Công ước ICCPR, Việt Nam đã gia nhập Công ước từ khá sớm (ngày 24/9/1982) và đến nay đã trở thành thành viên của Công ước ICCPR được 43 năm.
Trong những năm qua, Việt Nam đã nỗ lực thực hiện nghĩa vụ quốc gia thành viên của Công ước này. Kể từ khi tham gia Công ước ICCPR, Bộ Ngoại giao là cơ quan được giao làm đầu mối thực hiện Công ước này, đã chủ trì xây dựng 2 Báo cáo quốc gia thực thi Công ước ICCPR vào các năm 1989 và 2001.
Từ năm 2014, với mục tiêu gắn chặt hơn việc tham gia Công ước ICCPR với quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật Việt Nam, đề cao hiệu quả thực thi Công ước trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, Bộ Tư pháp đã được Thủ tướng phân công làm cơ quan đầu mối quốc gia của Việt Nam đối với Công ước ICCPR.
Từ đó, Bộ Tư pháp đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và cơ quan có liên quan trong việc thực hiện Công ước ICCPR và xây dựng Báo cáo ICCPR nộp Ủy ban Nhân quyền.
Thông tin về Phiên bảo vệ báo cáo quốc gia thực thi Công ước ICCPR lần thứ 4 của Việt Nam, ông Đào Quý Lộc, Phó vụ trưởng Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp cho biết, ngày 22/3/2023, Việt Nam đã gửi Báo cáo thực thi Công ước ICCPR lần 4 (giai đoạn 2019-2022) tới Ủy ban Nhân quyền.
Ngày 11/4/2024, Ủy ban Nhân quyền đưa ra Danh sách các vấn đề quan tâm đối với Báo cáo ICCPR lần 4 của Việt Nam. Ngày 19/12/2024, Việt Nam gửi Ủy ban Nhân quyền Báo cáo trả lời Danh sách các vấn đề quan tâm.
Việt Nam tôn trọng, bảo vệ, thúc đẩy các quyền dân sự và chính trị
Ngày 7-8/7 tới, tại Thụy Sỹ, Việt Nam sẽ tiến hành Phiên đối thoại với Ủy ban Nhân quyền. Trên tinh thần cởi mở, chân thành, hợp tác và xây dựng, việc tham gia đối thoại với Ủy ban Nhân quyền nhằm truyền tải 5 nội dung chính.
Một là, việc hiện thực hóa và tôn trọng quyền tự quyết của các dân tộc góp phần thiết lập mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia, cũng như tăng cường hòa bình và sự hiểu biết quốc tế.
Ông Đào Quý Lộc, Phó vụ trưởng Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp thông tin về Phiên bảo vệ báo cáo quốc gia thực thi Công ước ICCPR lần thứ 4 của Việt Nam.
Hai là, Việt Nam đang tập trung thực hiện nhiều đột phá có tính cách mạng để đưa đất nước Việt Nam bước vào kỷ nguyên phát triển mới, trong đó có việc đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật, tiếp tục xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.
Việc mở rộng dân chủ, tạo điều kiện để Nhân dân tham gia quản lý Nhà nước ngày càng được chú trọng hơn, bảo đảm và bảo vệ tốt hơn các quyền dân sự, chính trị của người dan.
Ba là, thực hiện chủ trương nhất quán về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người nói chung, quyền dân sự và chính trị nói riêng, Việt Nam đã nghiên cứu kỹ lưỡng và nghiêm túc thực hiện các quy định của Công ước ICCPR cũng như các khuyến nghị mà Ủy ban Nhân quyền đưa ra vào năm 2019.
Đáng chú ý là, công tác cải cách thể chế, pháp luật; thực thi các chính sách, quy định pháp luật về quyền dân sự và chính trị cũng như công tác giáo dục, nâng cao nhận thức về quyền dân sự, chính trị ngày càng được tăng cường, nâng cao hiệu quả. Nhiều kết quả đạt được mang tính tích cực và đáng ghi nhận (như sửa đổi Bộ luật Hình sự, bỏ hình phạt tử hình với 8 tội danh, ban hành Luật Tư pháp cho người chưa thành niên, Luật phòng, chống mua bán người sửa đổi…)
Bốn là, việc thực hiện Công ước ICCPR có bước đi và lộ trình phù hợp với quá trình cải cách pháp luật, cải cách tư pháp và đặc biệt là bám sát thực tiễn và phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện, trình độ phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia.
Năm là, dù vẫn phải đối mặt với không ít các khó khăn, thách thức đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau ảnh hưởng tới việc thực hiện Công ước, nhưng Việt Nam luôn dành sự quan tâm và ưu tiên nguồn lực tốt nhất có thể và sẽ tiến hành các biện pháp đồng bộ để thúc đẩy, bảo vệ và bảo đảm tốt hơn việc thụ hưởng các quyền dân sự, chính trị, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó bao gồm cả nhóm đối tượng dễ bị tổn thương với bước đi, lộ trình phù hợp trong thời gian tới.
Báo cáo thực thi Công ước ICCPR lần thứ 4 tại Việt Nam thể hiện những bước phát triển và nỗ lực của Việt Nam trong việc tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm và thúc đẩy các quyền dân sự và chính trị. Báo cáo phản ánh những tiến bộ của Việt Nam cả về hoàn thiện khuôn khổ pháp luật và thực tiễn thực hiện trong giai đoạn 2019-2022.
Thông qua Báo cáo, Việt Nam mong muốn thế giới hiểu rõ hơn về những nỗ lực, tiến bộ của Việt Nam trong việc tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm và thúc đẩy các quyền dân sự và chính trị; đồng thời tiếp tục ghi nhận, ủng hộ những nỗ lực của Việt Nam trong lĩnh vực này.
Tuệ Minh