Quốc hội thảo luận về Dự án sửa đổi hai Luật Thuế: Chính sách tốt nhưng dễ bị làm “méo mó”

06/11/2009
Hôm nay (06/11), Quốc hội nghe Chính phủ báo cáo về tình hình thực hiện các dự án Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất, Thủy điện Sơn La, tình hình thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, Dự án đường Hồ Chí Minh.

Luật thi hành chưa được một năm đã sửa là sao?

“Nếu Quốc hội đổi mới cách làm, thấy không cần thiết phải ban hành Luật thì cho ý kiến để khỏi phải bàn những nội dung phía sau”. Thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp, đại biểu Đặng Như Lợi, Cà Mau đề nghị. Trước đó, tại buổi thảo luận ở tổ, rất nhiều đại biểu đã cho rằng chưa cần thiết phải sửa luật.

Cũng không đồng ý với việc áp dụng mức thuế suất 5%, vì cho rằng dự án luật chưa thể hiện sự công bằng trong ưu đãi với đối tượng là người có thu nhập thấp, đại biểu Nguyễn Thị Mỹ Hương, Đà Nẵng nhấn mạnh: các  doanh nghiệp có thể lợi dụng chính sách này để bán nhà cho những đối tượng không thuộc diện được ưu tiên. Đối với việc sửa đổi Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, đại biểu Hương đã nêu ra 4 lý do và kết luận: chưa nên sửa đổi Luật

Sau khi nhiều đại biểu có chung ý kiến như đại biểu Lợi, đại biểu Hương, đại biểu Nguyễn Thị Hoài Thu, Đồng Tháp đứng lên: Quốc hội cần lấy ý kiến xem có nên thông qua sửa đổi luật này không, ở tổ nhiều đại biểu đã không đồng ý rồi. Luật mới thực hiện chưa đầy một năm mà sửa là sao?

Đỡ bức xúc hơn, đại biểu Ngô Văn Minh, Quảng Nam ủng hộ cao chủ trương là cần quan tâm đến sinh viên, công nhân, người có thu nhập thấp (hiện còn khoản 25% đang có nhu cầu về nhà ở), tuy nhiên ông Minh cho rằng với sửa đổi này chính sách nêu trên có thể sẽ bị “méo mó”. Ông Minh bức xúc: nhà xây cho đối tượng người có thu nhập thấp mà trên dưới 500 triệu thì có thể mua được không? Do đó, để sửa hai luật này, ông Minh đề nghị: cần làm rõ với chính sách thuế hiện hành có bao nhiêu doanh nghiệp cần đầu tư vào xây nhà trong lĩnh vực này mà thuế cao nên không làm được. Hoặc đã đầu tư rồi nhưng không bán được cần nhà nước hỗ trợ. Đặc biệt, ngân sách nhà nước đang phải tính từng đồng từng cắc khi áp dụng chính sách này thì thâm hụt bao nhiêu?

Ngân sách nhà nước khó đảm bảo

Trước nhiều ý kiến trái chiều của đại biểu, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên điều khiển phiên họp phải mời Bộ trưởng Bộ tài chính Vũ Văn Ninh lên giải trình. Ông Ninh cho biết, qua thảo luận ở tổ các đại biểu đã đề xuất nhiều phương án khác, nếu nhà nước có tiềm lực lớn thì bỏ tiền xây dựng một cách đồng bộ sau đó cho thuê.  Phương án khác, nhiều đại biểu cho rằng nên hỗ trợ trực tiếp. Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết, nhiều chính sách hiện nay cũng đang theo hướng đó, ví dụ trợ cấp một số mặt hàng cho đồng bào dân tộc. Cũng có đại biểu đề nghị giải quyết vấn đề này phải có sự chung tay của cả cộng đồng  (nhà nước, xã hội, các thành phần kinh tế…)

Về mặt chính sách, Bộ trưởng Ninh cho biết: trước đây, Chính phủ giao Bộ Xây dựng xây dựng Đề án và đã được phê duyệt (đề án về cơ chế chính sách phát triển nhà ở cho học sinh sinh viên, công nhân Khu công nghiệp và nhà ở cho người có thu nhập thấp).

Thực tế, hiện nay nhà nước cũng đã áp dụng nhiều chính sách cho các đối tượng nói trên như: miễn giảm thuế đất, chính sách ưu đãi tín dụng…Tuy nhiên, đến nay vẫn còn đến 500 ngàn hộ nông dân chưa có nhà ở kiên cố (chưa kể đồng bào vùng lũ lụt). “Chính phủ dự kiến  giải quyết vấn đề này trong vòng 3 năm theo hướng nhà nước bỏ tiền cho không 6,7 triệu/hộ, cho vay cũng khoảng từng đó nữa, còn lại khoảng 8-10 triệu là huy động nguồn lực xã hội”.

Đối với nhà ở cho sinh viên, bộ trưởng Ninh cho biết: hầu như không có doanh nghiệp nào bỏ vốn ra xây nhà cho sinh viên. Vừa rồi Chính phủ cũng trình Quốc hội bổ sung thêm 20 ngàn tỷ trái phiếu nữa, trong đó sẽ dành 3500 tỷ cho nhà ở sinh viên”. Trước lo ngại của nhiều đại biểu về vấn đề quản lý, thực hiện dễ xảy ra tiêu cực. Bộ trưởng thừa nhận “đúng là trong quá trình nhiều vấn đề phức tạp, có thể chính sách không đến đúng đối tượng đúng như Đại biểu nói”. Tuy nhiên, theo ông Ninh, nhu cầu về nhà ở của các đối tượng nêu trên rất lớn và ngân sách nhà nước chưa thể đảm bảo được ngay.

Sau khi Bộ trưởng Vũ Văn Ninh giải trình về tính cần thiết của việc sửa luật, phần cuối của buổi thảo luận, vẫn có rất nhiều đại biểu không đồng ý với việc sửa hai Luật này.

Thu Hằng