Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến pháp luật người có công với cách mạng

03/07/2018
Ngày 26 tháng 06 năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 773/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19 tháng 7 năm 2017 của Ban Bban hàí thư Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng.
Theo đó, mục đích của Kế hoạch nhằm quán triệt, triển khai và tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19 tháng 7 năm 2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng (sau đây gọi tắt là Chỉ thị số 14-CT/TW); Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đối với công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc người có công với cách mạng nhằm tri ân với những cá nhân và gia đình có nhiều cống hiến, đóng góp hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.
Yêu cầu đặt ra của Kế hoạch nhằm: Tập trung khắc phục những hạn chế, tồn tại trong việc lập hồ sơ, thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận người có công với cách mạng; tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; huy động, bố trí nguồn lực thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; tôn tạo các công trình ghi công liệt sĩ; nâng cao mức sống của người có công và gia đình có công với cách mạng, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số; xử lý nghiêm những trường hợp trục lợi chính sách người có công với cách mạng; Huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội nhằm hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu đối với công tác người có công với cách mạng; Xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm của các bộ, ngành, chính quyền địa phương đối với việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; Các cơ quan trung ương, địa phương khẩn trương triển khai thực hiện Kế hoạch một cách khoa học, đồng bộ, thiết thực, hiệu quả.
Một số nhiệm vụ, Quyết định nêu rõ:
Nhà nước giữ vai trò chủ đạo cùng với việc huy động các nguồn lực xã hội đối với công tác chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng, đưa hoạt động đền ơn đáp nghĩa trở thành việc làm thường xuyên của toàn xã hội, tập trung phấn đấu cụ thể hóa một số nội dung cơ bản sau đây:
1- Rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, phù hợp với thực tiễn.
2- Thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng bảo đảm đúng quy định của pháp luật, xử lý nghiêm các hành vi trục lợi chính sách người có công với cách mạng.
3- Hoàn thành tổng kết, rà soát việc công nhận người có công với cách mạng theo Kết luận số 63-KL/TW ngày 27 tháng 5 năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI. Giải quyết căn bản hồ sơ đề nghị xác nhận người có công với cách mạng còn tồn đọng vào năm 2020.
4- Hoàn thành việc hỗ trợ nhà ở cho các hộ gia đình người có công với cách mạng giai đoạn 2 theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26 tháng 4 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ đến hết năm 2019.
5- Thực hiện có hiệu quả việc tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Tập trung tu bổ, tôn tạo hệ thống các công trình ghi công liệt sĩ trên toàn quốc.
6- Đến năm 2020, phấn đấu đạt 100% gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú, năm 2018 đạt 99%, năm 2019 đạt 99,5%; 98% xã phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng.
7- Đến năm 2020, 100% người có công với cách mạng được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe, được khám sức khỏe định kỳ phát hiện các vấn đề về sức khỏe, xác định nhu cầu, được chăm sóc, điều dưỡng, phục hồi chức năng, cung cấp và sử dụng dụng cụ trợ giúp phù hợp với tình trạng bệnh, tật, dị dạng, dị tật; 90% con, cháu người bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học được phát hiện sớm, can thiệp sớm, phục hồi chức năng các dị tật bẩm sinh và các dạng khuyết tật.
Quyết định cũng đưa ra một số giải pháp sau:
1- Hoàn thiện thể chế về chính sách về ưu đãi người có công với cách mạng: Nghiên cứu, xây dựng ban hành Nghị định quy định chính sách, chế độ đối với người Việt Nam có công với cách mạng, người tham gia kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế, người có công giúp đỡ cách mạng Việt Nam đang định cư ở nước ngoài. Nghiên cứu, ban hành chính sách đối với người bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học thế hệ thứ 3 của người tham gia kháng chiến bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học; người tham gia kháng chiến trong giai đoạn 1974 - 1975 nhưng chưa đủ thời gian được cấp Huy chương; Năm 2018: Rà soát, tổng kết hệ thống văn bản chính sách, pháp luật về người có công với cách mạng để sửa đổi, bổ sung các chế độ chính sách phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, làm cơ sở lập hồ sơ đề nghị xây dựng Pháp lệnh thay thế Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; trình hồ sơ Dự án Pháp lệnh thay thế Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng hiện hành. Năm 2019: Trình ban hành Pháp lệnh thay thế Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và các văn bản hướng dẫn, triển khai thực hiện Pháp lệnh mới khi được thông qua.
2- Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến pháp luật người có công với cách mạng; giáo dục, động viên, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm đối với công tác người có công với cách mạng của toàn xã hội, xác định việc chăm lo, thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng là bổn phận, nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
3- Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với công tác người có công với cách mạng, cụ thể:
- Quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt chính sách người có công với cách mạng: Thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng như: Trợ cấp; phụ cấp; các chính sách ngoài chế độ trợ cấp (nhà ở, giáo dục và đào tạo, y tế, tín dụng, việc làm,...); giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị công nhận người có công với cách mạng; xây dựng, bảo tồn, tôn tạo các công trình ghi công liệt sĩ; Thực hiện phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", chăm lo đời sống gia đình người có công với cách mạng.
- Bố trí tăng ngân sách nhà nước đảm bảo cho việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.
4- Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác người có công với cách mạng: Rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong tiếp nhận hồ sơ xác nhận và giải quyết hồ sơ hành chính; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chỉ đạo, điều hành từ trung ương đến địa phương; Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm công tác người có công với cách mạng từ trung ương đến cơ sở; Xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý về chi trả trợ cấp, hồ sơ người có công với cách mạng, liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ, tiến tới xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về lĩnh vực người có công với cách mạng.
5- Đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ đề nghị công nhận người có công với cách mạng còn tồn đọng với mục tiêu: Đến năm 2020, giải quyết căn bản hồ sơ đề nghị xác nhận người có công với cách mạng còn tồn đọng.
6- Đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin: Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; hoàn thiện hồ sơ, danh sách liệt sĩ; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về liệt sĩ, mộ liệt sĩ; triển khai lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trên phạm vi toàn quốc; tổ chức lực lượng bảo đảm cho nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập; mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế nhằm trao đổi, cung cấp thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ; thực hiện có hiệu quả công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ ở trong nước và nước ngoài, nhất là mộ tập thể và địa bàn biên giới; Thực hiện có hiệu quả công tác xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; xây dựng và thực hiện quy trình xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; xây dựng trung tâm lưu trữ nguồn gen; hoàn thiện cơ sở dữ liệu về liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ, mộ và nghĩa trang liệt sĩ.
7- Huy động các nguồn lực xã hội hóa thực hiện tốt công tác chăm sóc người có công với cách mạng.
8- Thực hiện hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng: Ưu tiên thực hiện hỗ trợ đối với người có công với cách mạng theo Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 25 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ và Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26 tháng 4 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2018, hoàn thành việc hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng trên toàn quốc.
9- Thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra, khen thưởng: Thực hiện tốt công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm trong thực hiện luật pháp, chính sách đối với người có công với cách mạng; Biểu dương, nhân rộng gương người có công với cách mạng điển hình tiên tiến, tiêu biểu vượt khó vươn lên, tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”; Xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng chính sách để trục lợi theo quy định của pháp luật.
10- Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội và các tổ chức xã hội trong công tác người có công với cách mạng: Vận động sâu rộng các tầng lớp nhân dân đẩy mạnh công tác chăm sóc, đền ơn đáp nghĩa đối với người có công với cách mạng và xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa; các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tăng cường các hoạt động thiết thực, cụ thể góp phần chăm lo đời sống vật chất và tinh thần người có công với cách mạng.