Đại biểu Quốc hội tự đề xuất xây dựng Luật: Đề xuất thì dễ, làm thì… hơi khó

18/10/2011
Lâu nay, việc đề xuất đưa các dự án luật vào chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội chỉ được thực hiện bởi các cơ quan, tổ chức. Do đó, việc đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến (Long An) và Nguyễn Minh Hồng (Nghệ An) tự đề xuất xây dựng luật được coi là “hiện tượng”. Tuy nhiên, đề xuất này không được chấp nhận bởi dù là ai thì cũng phải theo một quy trình nhất định.

Sáng kiến cũng không được chấp nhận

Tại phiên họp thứ hai của Ủy ban thường vụ Quốc hội, đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến và Nguyễn Minh Hồng đã gây bất ngờ bởi hai văn bản tự đề xuất xây dựng luật gửi đến Ủy ban thường vụ QH. Nói là bất ngờ bởi từ trước đến nay, người ta chỉ quen với đề xuất của các cơ quan, tổ chức, đối với cá nhân chỉ là những đề xuất (miệng) trong phiên họp của UBTVQH, của Quốc hội khi thảo luận về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Theo đó, đại biểu Yến đề xuất xây dựng Luật Bảo vệ quyền riêng tư, đại biểu Hồng đề nghị xây dựng Luật Nhà văn, kèm theo là tài liệu với sự cần thiết, cơ sở pháp lý, quan điểm xây dựng, những nội dung chính, dự kiến nguồn lực, kinh phí… Về cơ bản, đề xuất này giống hình thức văn bản của một Tờ trình của Chính phủ về một dự án luật nào đó.

Nhưng, dù được coi là sáng kiến thì hiện tượng đại biểu tự đề xuất xây dựng luật cũng đương nhiên không được chấp thuận. Bởi theo đúng quy trình, dự án Luật phải qua nhiều bước như lập Ban soạn thảo, tổng kết tình hình, đánh giá tác động, lấy ý kiến đóng góp, rồi sau đó là Chính phủ thông qua và ký Tờ trình ra UBTVQH cho ý kiến… Mọi quá trình đều đòi hỏi rất công phu, với sự tham gia của nhiều cơ quan có thẩm quyền.

Phải tuân theo quy trình luật định

Theo giải thích của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý thì những đề xuất cụ thể về dự án luật phải được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp, xem xét đưa vào Chương trình theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Còn các dự án của 2 đại biểu nói trên đến nay vẫn chưa có hồ sơ đầy đủ, chưa trình Chính phủ cho ý kiến theo quy định.

Ông Lý cũng gợi ý cần phải có cơ quan nào đó giúp đại biểu Quốc hội hoàn chỉnh hồ sơ và cho biết ở nhiều nước cũng có các chuyên gia giúp đại biểu trình dự án luật.

Thực tế hiện nay, trong khi việc trình dự án luật phải qua một quy trình nghiêm ngặt, nhiều công sức thì hầu như tổng kết chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh hàng năm hoặc nhiệm kỳ, Chính phủ đều thừa nhận còn nhiều hạn chế, trong đó có vấn đề tiến độ và chất lượng. Nếu để đại biểu Quốc hội tự mình đứng ra đề nghị và một mình làm dự án là điều không tưởng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng ghi nhận đề xuất của cá nhân các đại biểu Quốc hội nhưng nói rõ việc xây dựng các dự án luật phải tuân theo đúng quy trình thì mới có thể xem xét đưa vào chương trình để Quốc hội thông qua.

Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đang chuẩn bị bước vào kỳ họp thứ 2. Một trong những nội dung quan trọng của kỳ họp là thảo luận và thông qua chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của toàn khóa. Trong số 500 đại biểu Quốc hội XIII, chắc sẽ còn nhiều đại biểu “ấp ủ” ý tưởng tự đề xuất dự án luật, nhưng vấn đề là cần phải có một cơ chế để họ thực hiện quyền năng của mình.

                                                                        Thu Hằng

Cần có cơ chế

Cần tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân, đặc biệt là đại biểu Quốc hội thực hiện quyền sáng kiến pháp luật của mình. Khi đại biểu Quốc hội có sáng kiến pháp luật, cần giao cho cơ quan, tổ chức có liên quan giúp đại biểu Quốc hội nghiên cứu, xây dựng hồ sơ và bảo đảm yêu cầu theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật trình Quốc hội xem xét đưa vào Chương trình.

(Nguồn: Ủy ban Pháp luật)

 

Hiến pháp cho phép đại biểu trình dự án luật

Cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội có quyền trình dự án luật quy định tại Điều 87 của Hiến pháp gửi đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh; đại biểu Quốc hội gửi kiến nghị về luật, pháp lệnh đến Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

Đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh phải nêu rõ sự cần thiết ban hành văn bản; đối tượng, phạm vi điều chỉnh của văn bản; những quan điểm, chính sách cơ bản, nội dung chính của văn bản; dự kiến nguồn lực, điều kiện bảo đảm cho việc soạn thảo văn bản; báo cáo đánh giá tác động sơ bộ của văn bản; thời gian dự kiến đề nghị Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua.

Kiến nghị về luật, pháp lệnh phải nêu rõ sự cần thiết ban hành văn bản, đối tượng và phạm vi điều chỉnh của văn bản.

(Khoản 1 điều 23 Luật ban hành Văn bản quy phạm pháp luật)