Cải cách thủ tục hành chính: Tiếp tục tập trung vào những lĩnh vực "nóng"

29/09/2010
Tiếp tục chương trình làm việc, chiều qua 28/9, UBTVQH đã cho ý kiến về báo cáo giám sát việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC) trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp theo Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2001 - 2010.

Mô hình một cửa còn lúng túng

“Chặng đường” 10 năm CCTTHC thể hiện bằng 21 trang của Đoàn giám sát của UBTVQH được đánh giá là công phu, cơ bản đã nêu bật được những kết quả cũng như hạn chế của công cuộc CCHC ở nước ta.

Bốn lĩnh vực liên quan nhiều nhất đến người dân và doanh nghiệp là c CCTTHC trong lĩnh vực đất đai; nhà ở, xây dựng; lĩnh vực thuế và hải quan đều đã có những bước tiến dài. Ví dụ việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, thay vì  66 TTHC nay chỉ còn 54; sửa đổi, bổ sung 18 TTHC và bãi bỏ 02 TTHC; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng thu về một loại; thời gian cho các thủ tục cấp phép xây dựng, nhà ở được rút ngắn; trong lĩnh vực thuế và hải quan cũng khắc phục cơ chế “xin cho” giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp…

“Công tác CCTTHC qua 10 năm thực hiện, đặc biệt là từ khi triển khai Đề án 30 (tháng 7/2008), đã tạo được sự chuyển biến tích cực, đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước, được nhân dân ghi nhận” - Phó trưởng Đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận nhận xét.

Tuy nhiên, cũng theo ông Thuận, TTTHC ở một số lĩnh vực, một số khâu vẫn còn phiền hà; tiến độ CCTTHC còn chậm, chưa đạt được yêu cầu đề ra trong Chương trình tổng thể CCHC; công tác CCTTHC vẫn còn những khó khăn, vướng mắc chưa được tháo gỡ, còn không ít TTHC, nhất là các TTHC trong lĩnh vực đất đai, nhà ở, xây dựng nhà ở còn phức tạp, chưa thật thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Mô hình CCHC theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” ở một số nơi còn lúng túng, nặng tính hình thức; thời gian giải quyết còn kéo dài ở một số thủ tục; trụ sở làm việc, cơ sở vật chất một số nơi chưa bảo đảm theo quy định. Bộ phận “một cửa” trên thực tế mới chỉ là nơi tiếp nhận và trả kết quả, chưa trực tiếp giải quyết, mà phải chuyển tới các bộ phận chuyên môn thực hiện, nên thời gian, quy trình thực hiện vẫn còn rườm rà.

Người thi hành chính sách làm “méo” văn bản

Thừa nhận những chuyển biến trong CCTTHC trong 10 năm qua, tuy nhiên, các ủy viên Thường vụ cũng nêu nhiều vấn đề “xoáy” vào thực trạng nhũng nhiễu, phiền hà vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi, trong nhiều cơ quan hành chính nhà nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền cho rằng, một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến kết quả của CCTTHC là tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực của cán bộ, công chức. Đặc biệt là người đứng đầu chưa làm tròn trách nhiệm của mình. “Nhiều khi chính sự thực hiện không đúng của những người thi hành đã làm méo mó văn bản”, ông Hiền nhấn mạnh.    

Chung nhận xét, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng việc CCTTHC không chỉ đơn thuần là giảm các thủ tục, mà cái chính là cái tâm của người thực thi. “Chúng ta giảm các thủ tục nhưng cán bộ giải quyết vẫn chậm chạp, cửa quyền, tiêu cực thì người dân vẫn bị hành”, Phó Chủ tịch nhấn mạnh.

Còn Chủ tịch Hội đồng dân tộc KSo Phước lại lưu ý, vấn đề “nằm” ở khâu tổ chức thực hiện, mà con người là nhân tố quyết định. Ông cho rằng, mỗi Bộ nên có một Thứ trưởng chuyên về CCHC, chống tham nhũng và xây dựng pháp luật.

Trong những kiến nghị của Đoàn giám sát trình UBTVQH cũng chỉ rõ: cần chú trọng hơn đến yếu tố con người. Bên cạnh việc nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ thì cần đặc biệt quan tâm đến đạo đức công vụ, phẩm chất của đội ngũ cán bộ, công chức.

Đoàn giám sát cũng kiến nghị tiếp tục CCTTHC liên quan tới các lĩnh vực nêu trên.

Thu Hằng

Tính đến thời điểm hiện tại, Đề án 30 đã hoàn thành giai đoạn 2 về rà soát các TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý của 24 bộ, ngành. Theo đó, sau khi tiến hành rà soát 5.421 thủ tục hành chính đã đề xuất sửa đổi, bổ sung 4.146 thủ tục, bãi bỏ 480 thủ tục, đồng thời kiến nghị thay thế 192 thủ tục, đạt tỷ lệ đơn giản hóa trung bình là 88%. Cải cách đã được gắn với việc cắt giảm các chi phí tuân thủ cho cá nhân, tổ chức, bảo đảm việc đạt được chỉ tiêu cắt giảm 30% chi phí tuân thủ TTHC do Thủ tướng giao, ứng với gần 30.000 tỷ đồng mỗi năm.

(Nguồn: Chính phủ)