Giải quyết khiếu nại tố cáo: Phải lấy con người là khâu đột phá

28/09/2010
Hôm qua 27/9, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo về công tác dân nguyện và việc giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) của công dân năm 2010. Các con số cho thấy tình hình KNTC vẫn tiếp tục tăng cả về số lượng và tính chất phức tạp.

Gần 70% khiếu nại là về đất đai

Thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Tổng Thanh tra Trần Văn Truyền cho biết: năm 2010, cả nước phát sinh 134.782 lượt đơn khiếu nại với gần 99 ngàn vụ việc, so với cùng kỳ năm 2009 tăng gần 30% số đơn và 19,2% số vụ việc. 36/62 địa phương có khiếu nại tăng. Nội dung khiếu nại phần lớn xảy ra trong lĩnh vực đất đai (chiếm 69,9%) tổng số vụ khiếu nại trong đó tập trung KN việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, KN tranh chấp đất đai, đòi lại đất cũ… Đáng chú ý, KN trong hoạt động tư pháp cũng chiếm đến 14,54%.

Tương tự, tình hình tố cáo so với cùng kỳ cũng tăng 29,3% đơn và 4,8% số vụ việc với gần 23 ngàn đơn thư, tập trung vào lĩnh vực hành chính (94%), chủ yếu tố cáo cán bộ, công chức có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, vi phạm pháp luật, nhất là trong việc quản lý đất đai, tài chính, ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản, thực hiện chính sách xã hội…

Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền cũng thông tin, đã giải quyết được 85,2% số vụ việc khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền, tăng 1,27% so với năm 2009.

Đánh giá kết quả giải quyết KNTC năm 2010, Ủy ban Pháp luật nhận định: dù đã có nhiều cố gắng song tình hình giải quyết KNTC vẫn không giảm và diễn biến phức tạp, phát sinh trên nhiều lĩnh vực, ở hầu hết các địa phương; nhiều trường hợp KN vượt cấp, kéo dài, bức xúc.

“Chính phủ chưa phân tích, đánh giá đầy đủ, nhất là về thực trạng đơn phát sinh trong năm 2010 cũng như đơn thư tồn đọng từ những năm trước”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận thẳng thắn. Cũng theo ông Thuận “nhiều kiến nghị về giải pháp cũng như nguyên nhân của tình hình đã được nêu ra từ nhiều năm trước nhưng chưa có đánh giá kết quả thực hiện”

Trình độ công chức chưa “theo kịp” yêu cầu

Một trong những nguyên nhân của sự gia tăng KNTC theo Chính phủ là nhiều nơi giải quyết vụ việc chậm, áp dụng pháp luật cứng nhắc, hành chính thiếu thuyết phục. Đội ngũ cán bộ chuyên sâu về công tác tiếp dân, giải quyết KNTC còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thực tế, trong khi đó, khối lượng đơn thư KNTC khá lớn, có biểu hiện quá tải ở nhiều cơ quan nhà nước.

Cho rằng phải “điểm trúng” nguyên nhân của gia tăng KNTC, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển lập luận: tại sao trong khi tốc độ phát triển kinh tế ở mức khá cao (dự kiến 2010 là 6,7%), đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện thì khiếu nại lại tăng đến gần 30%. “Nguyên nhân nào làm cho người dân phải đi kiện nhiều đến như vậy? Phải chăng tăng trưởng kinh tế chưa đi đôi với giải quyết những vấn đề xã hội”, Ông Hiển đặt câu hỏi và cho rằng trình độ công chức hiện nay đang còn nhiều vấn đề, đặc biệt là cán bộ cấp xã “làm sai mà không biết mình sai”, anh có trình độ thì “bỏ” lên thành phố hết. Cấp huyện cũng tương tự, vậy nên các KNTC không được giải quyết từ cơ sở tích tụ lại dồn lên tỉnh, lên Trung ương ngày càng nhiều. “Cơ chế thay đổi mà con người vẫn thế thì sẽ không cải thiện được tình hình” ông Hiển khẳng định.

Đồng tình, Chủ tịch Hội đồng dân tộc KSo Phước cho rằng, một bộ phận cán bộ công chức của ta đang tắc trách trong giải quyết công việc của dân, không ngoại trừ có tiêu cực, tham nhũng. “Cần tăng cường hoạt động giám sát và đối mới công tác tiếp dân”, Chủ tịch Hội đồng dân tộc đề nghị.

Cũng đi sâu về những nguyên nhân của tình hình KNTC, nhưng Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn lại phân tích về những bất cập của cơ chế chính sách hiện hành, đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai. Văn bản mới ra (điển hình là Nghị định 69 ngày 13/8/2009 của Chính phủ) giải quyết được nhiều vấn đề nhưng cũng phát sinh nhiều bất cập, nhất là việc tính tiền bồi thường đất cho dân, giữa người nhận trước, nhận sau. Ông Đàn đề nghị xem xét lại Nghị định 69/CP và sửa đổi Luật Đất đai càng sớm càng tốt.

Bình An

Năm 2010, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban của UBTVQH đã tiếp nhận 22.712 đơn thư KNTC, kiến nghị của công dân, giảm 9,1% so với năm 2009. Trong số này, đơn thư KN thuộc lĩnh vực hành chính chiếm 62,4%; KNTC thuộc lĩnh vực tư pháp là 37,6%.

(Nguồn: Ban Dân nguyện)