Đề xuất mới về nhập cư vào thủ đô: Kiểm soát cư trú ở khu vực nội thành

23/09/2010
Ước tính trong năm 2010, Hà Nội sẽ có từ 120-130 nghìn người di cư đến. Tuy nhiên, hiện nay các điều kiện về cơ sở hạ tầng và khả năng cung ứng dịch vụ của thành phố lại không đáp ứng kịp thời với số lượng người nhập cư ngày càng tăng cao. Do đó, phương án được đưa ra là công dân phải đáp ứng đủ những điều kiện nhất định mới được nhập cư vào thành phố.

“Sức ép” đè nặng

Để đưa ra những cơ chế đặc thù cho Thủ đô trong đó có những vấn đề về quản lý dân cư, Bộ Tư pháp đã phối hợp Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tiến hành điều tra, khảo sát, đánh giá tác động pháp luật nhằm đem đến những thông tin có giá trị cho người dân cũng như các cơ quan liên quan trong việc lấy ý kiến đóng góp xây dựng dự án Luật Thủ đô.

Theo nghiên cứu của Bộ Tư pháp và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, mật độ dân số trung bình của Hà Nội năm 2009 là 1.926 người/km2, đông hơn nhiều so với một số TP lớn trên cả nước (ví dụ Đà Nẵng cũng là TP trực thuộc TW nhưng mật độ dân số chỉ bằng huyện miền núi của Hà Nội). Phân bố dân số ở Hà Nội cũng không đều và có sự khác biệt lớn giữa các quận nội thành và các huyện, đặc biệt là các xã miền núi. Nơi có mật độ dân số cao nhất thành phố là quận Đống Đa 36.550 người/km2, quận Hai Bà Trưng 29.368 người/km2, trong khi đó nơi có mật độ dân số thấp nhất là huyện Ba Vì 576 người/km2, là nơi có nhiều xã miền núi nhưng vẫn còn cao hơn gấp đôi cả nước (259 người/km2).

Số lượng người nhập cư đến Hà Nội ngày một tăng nhanh theo cấp số nhân. Ví dụ, huyện Từ Liêm là nơi có đông dân cư nhất thành phố với số dân là 371.247 người (gấp 1,9 lần so với 10 năm trước đây).

Tình trạng quá tải dân cư ở Thủ đô theo phân tích của Bộ Tư pháp và UBND thành phố Hà Nội là do 4 nguyên nhân chủ yếu: số lượng người nhập cư tăng nhanh theo cấp số nhân, trong khi quỹ đất của nội thành rất hạn chế, diện tích ở bình quân đầu người là 20.8m2/người, với tỷ trọng nhà cho thuê hoặc mượn là 9,4%. TP không đủ kinh phí để cải thiện cơ sở hạ tầng cũng như tăng khả năng cung ứng dịch vụ cho người dân.

Sức ép nhập cư kéo theo nhiều vấn đề, trong đó có giáo dục. Một phân tích cho thấy nếu sỹ số học sinh trung bình của một lớp học ở một nước tiên tiến là 20 học sinh/lớp, nhưng ở Hà Nội thì gấp hơn 2,5 lần (trên 50 học sinh/lớp).

Giãn dân ra ngoại thành, hạn chế tập trung vào nội đô

“Giảm tải” dân cư cho TP để đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội và đời sống dân cư là vấn đề bức xúc cần phải giải quyết cho TP ngàn năm tuổi. Qua nghiên cứu Bộ Tư pháp đưa ra ba phương án:

Phương án thứ nhất là giữ nguyên hiện trạng, tức là không có quy định riêng nhằm kiểm soát số người nhập cư vào các quận khu vực nội đô ngoài biện pháp đã quy định trong Luật Cư trú. Nghĩa là, nếu một cá nhân có chỗ ở hợp pháp và đã tạm trú liên tục tại TP từ 1 năm trở lên thì có thể được đăng ký thường trú tại TP trực thuộc Trung ương.

 Phương án thứ hai quy định nếu muốn đăng ký thường trú tại thủ đô thì phải tạm trú liên tục ở Hà Nội từ 5 năm trở lên. Đối với người lần đầu đăng ký thường trú tại thủ đô thì phải chứng minh có việc làm ổn định, hợp pháp.

 Tuy nhiên, với cả hai phương án nói trên, sau khi tính toán trên mọi phương diện, Bộ Tư pháp cho rằng Chính phủ và người dân và cả doanh nghiệp đều không có lợi ích, các chi phí đều tăng.

Phương án thứ ba được khuyến cáo ưu việt nhất là sử dụng các biện pháp khuyến khích để hạn chế tập trung dân cư trong khu vực nội đô và giãn dân ra khu vực ngoại đô. Theo đó, Chính phủ sẽ bắt buộc các dự án xây dựng mới khu văn phòng và khu nhà ở phải đặt ngoại ô, hạn chế xây mới nhà cao tầng ở nội đô; trợ giá trực tiếp cho người có nhu cầu sử dụng; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông ở khu vực ngoại đô và trợ giá trực tiếp chi phí đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng ở những tuyến đường đến khu vực này; Đồng thời tạo cơ chế ưu đãi xây dựng bệnh viện chất lượng cao ở khu vực ngoại đô; dần di chuyển các cơ sở sản xuất công nghiệp, trường đại học ra khỏi khu vực nội đô... Với phương án này, Chính phủ phải chịu nhiều chi phí hơn, nhưng người dân sẽ được hưởng lợi về nhiều vấn đề trong đó có nhà ở, thu nhập…

Phương án nói trên nhận được nhiều sự đồng thuận của dư luận. Đặc biệt tại phiên họp thứ 34 của Ủy ban thường vụ Quốc hội vừa qua, khi Dự án Luật Thủ đô lần đầu tiên được trình cho ý kiến. Theo Dự thảo Luật mới nhất, Chính phủ sẽ ban hành quy định về điều kiện cư trú ở nội thành phù hợp với việc quản lý dân cư với quy mô, mật độ, cơ cấu hợp lý theo quy hoạch chung của Thủ đô.

Rất có thể, những quy định mới do Chính phủ ban hành sẽ có thêm những điều kiện bắt buộc nếu muốn nhập cư vào thành phố, cụ thể ở khu vực nội thành.

Thu Hằng

Ông Nguyễn Văn Thuận - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội: “Nên dùng giải pháp về kinh tế - xã hội”

“Một thời gian dài trước đây chúng ta đã áp dụng các biện pháp hành chính nhằm hạn chế di dân tự do vào các thành phố lớn, trong đó có Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, các biện pháp này không những không đem lại hiệu quả mà còn phát sinh các hệ lụy khác như vấn đề giáo dục, an sinh xã hội, mất trật tự an toàn xã hội, tội phạm v.v... Đây là vấn đề khi xây dựng Luật Cư trú, Quốc hội đã bàn bạc kỹ và cũng đã có sự cân nhắc về những áp lực đặt ra đối với việc quản lý dân cư của những thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

 Ủy ban Pháp luật cho rằng, giải pháp cho vấn đề này là cần quản lý dân cư theo quy hoạch của Thủ đô, tức dùng các giải pháp về kinh tế - xã hội, như chuyển các trường đại học, dạy nghề, bệnh viện Trung ương, cơ sở sản xuất v.v... ra khỏi vùng nội thành; xây dựng các đô thị vệ tinh; xây dựng đường tàu điện ngầm, hệ thống giao thông công cộng thuận tiện kết nối vùng nội thành với vùng ngoại thành, chứ không nên dùng biện pháp hành chính để điều chỉnh và quản lý dân cư. Bởi vì, quyền mưu sinh và quyền mưu cầu hạnh phúc, trong đó có việc di dân từ những nơi khó khăn đến những vùng có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội thuận lợi hơn là một quy luật của sự phát triển. Kinh nghiệm thế giới cho thấy việc sử dụng biện pháp hành chính để hạn chế là không thành công.

Vì vậy, đề nghị cân nhắc quy định giao Chính phủ ban hành quy định về điều kiện cư trú ở nội thành.

Bình An

 

TS. Lê Thành Long, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp, Tổ phó Tổ biên tập Dự án Luật Thủ đô: “Biện pháp hành chính không phải là duy nhất”

PV: Thưa ông, khi xây dựng dự án Luật Thủ đô, các cơ quan chức năng đã tiến hành đánh giá những tác động của dự Luật đối với kinh tế, xã hội, ông có thể cho biết cụ thể là những lĩnh vực nào đã được đánh giá?

Ông Lê Thành Long: Luật Thủ đô là Dự án Luật có tính chất tổng hợp và đặc thù, bởi vậy, trong Báo cáo đánh giá tác động, Cơ quan soạn thảo đã tập trung vào 4 vấn đề chính là: Cư trú nội đô; ô nhiễm môi trường; trật tự an toàn giao thông và cơ chế pháp lý linh hoạt và kịp thời để xử lý những vấn đề phát sinh. Mỗi vấn đề lại có những nội dung chi tiết hơn, như đánh giá hiện trạng, đề ra các mục tiêu giải quyết, những phương án khác nhau được đưa ra và đánh giá tác động cho mỗi phương án.

Chẳng hạn, đối với việc xử lý vấn đề đông dân cư ở trong nội thành hiện nay, giải pháp mà Báo cáo đánh giá tác động đưa ra là kết hợp giữa các biện pháp hành chính với các biện pháp kinh tế - xã hội. Ngoài biện pháp hành chính dự kiến quy định một số điều kiện kiểm soát cư trú ở nội thành thì dự Luật cũng đồng thời cũng mở ra hướng xây dựng và phát triển ở ngoại thành, kể cả việc tạo công ăn việc làm, xây dựng nhà ở xã hội…

Tương tự như vậy, trong lĩnh vực môi trường, ngoài những quy định thắt chặt hơn về môi trường, chẳng hạn, ngoài biện pháp hành chính là Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ quy định một số chỉ số về môi trường ở Hà Nội cao hơn so với tiêu chuẩn chung cho phép trong toàn quốc hoặc vấn đề về phạt hành chính trong lĩnh vực môi trường ở Thủ đô cao hơn so với mặt bằng chung, thì đồng thời cũng có những biện pháp về quy hoạch, bảo đảm hành lang xanh, các biện pháp về xử lý những vấn đề bức xúc của Thủ đô hiện nay như ngập lụt, tình trạng đổ rác thải v.v….

PV: Với rất nhiều quy định mới và cơ chế đặc thù mà dự Luật Thủ đô đưa ra, liệu người dân có gặp khó khăn hơn khi sống ở Thủ đô không, thưa ông?

Ông Lê Thành Long: Chắc chắn là không, vì như đã nói ở trên, Luật Thủ đô là một Dự án Luật tổng hợp nên đã phải dung hòa, cân đối các lợi ích khác nhau, kết hợp các biện pháp khác nhau để điều chỉnh các mối quan hệ kinh tế, xã hội Thủ đô. Với mục tiêu chủ yếu là kết hợp các biện pháp về kinh tế, xã hội, biện pháp hành chính không phải là duy nhất, và cũng không nên tuyệt đối hóa biện pháp này, tôi tin chắc rằng, Luật Thủ đô nếu được thông qua sẽ có lợi cho nhân dân Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung và tạo lập được cho Thủ đô một bộ mặt văn minh hơn, hiện đại hơn.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hồng Thúy (thực hiện)