Dự thảo Luật Tố tụng hành chính: Giải quyết những bế tắc trong xét xử hành chính

22/06/2010
Sáng qua (18/6), QH đã thảo luận về dự thảo Luật Tố tụng Hành chính (TTHC) với các vấn đề về khiếu kiện hành chính; điều kiện và thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính; thủ tục thỏa thuận trong TTHC; cơ chế xử lý đối với bản án quyết định của TAHC đã có hiệu lực pháp luật mà phát hiện sai lầm nghiêm trọng nhưng đã hết thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc trường hợp đã có quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TANDTC, nhưng phát hiện có những sai lầm nghiêm trọng; vai trò của VKSND trong TTHC.

Phải có cơ quan tham mưu giúp Chính phủ về THAHC

Về THA bản án của TA hành chính, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà  Hùng Cường  - (ĐBQH tỉnh Quảng Bình) bày tỏ sự chia sẻ rất cao với ý kiến của Ủy ban Tư pháp trong báo cáo thẩm tra là trong dự án luật này có Chương XII quy định về thi hành các bản án, quyết định của án hành chính cần phải quy định kỹ hơn. Đặc biệt về thời hiệu, về cơ chế, thủ tục, trình tự để thi hành các bản án, quyết định của án hành chính không những về tiền và tài sản mà kể cả những bản án không liên quan đến tiền và tài sản.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đồng tình rằng, quản lý Nhà nước trong lĩnh vực THA hành chính hiện nay chưa giao cụ  thể cho một cơ quan nào. Hiện việc thực hiện quyết định của TA hành chính về tiền và tài sản thì đã giao cho cơ quan THADS. Tán thành quan điểm này, ĐB Nguyễn  Đình Xuân (Tây Ninh) đồng ý phải có cơ quan tham mưu giúp Chính phủ về THAHC, tuy nhiên luật cũng có thể quy định người đứng đầu chính quyền các cấp phải là người chịu trách nhiệm thi hành án, cơ quan bị ra chế tài trong bản án, đương nhiên phải thi hành. “Nếu không lại tiếp tục rơi vào tình trạng bế tắc như vấn đề xét xử vừa rồi, không khách quan”.

ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) ví cơ quan THA là “thiên lôi” nên “chỉ một ông thôi và quyết định nào thì các ông lo thực thi”, không nên cứ lập ra một cái lại sinh ra một cơ quan khác. Tức là có một cơ quan THADS tiến hành làm và chịu trách nhiệm thi hành tất cả quyết định. “Tôi đề nghị THA như vậy, không để quá nhiều thiên lôi”.

Mở rộng thẩm quyền tối đa cho TA

Nhiều năm ngồi trực để giải quyết khiếu nại của dân với QH, ĐB Trần Du Lịch nhận thấy, thực tế nguyên nhân việc khởi kiện Tòa hành chính mà ít, rối là vì về thủ tục làm rào cản để kiện ra Tòa đối với quyết định hành chính. “Rào cản này tinh vi lắm. Còn tại sao lại có rào cản như vậy? Tôi không rõ”. Bên cạnh đó, “Tòa án cấp quận thì xử quyết định của ông Chủ tịch quận, cấp huyện xử ông Chủ tịch huyện, thực tế rất khó khăn. Và người dân không tin tưởng”.

Từ đó, để giải quyết vấn đề về thẩm quyền xét xử của TA hành chính, ĐB Lịch đồng tình phải “mở rộng tối đa thẩm quyền của TA về xét xử”, trừ lĩnh vực an ninh, quốc phòng. Không loại trừ, không chỉ qui định “he hé” như Điều 25, Điều 67 Khoản 2 và trong các vụ quản lý về đất đai thì phải qua thủ tục xét khiếu nại, có quyết định mới khởi kiện bởi “nói gì thì nói giữa các cơ quan công quyền và công dân là quan hệ giữa người quản lý và đối tượng quản lý, cần có một cơ quan độc lập để xét xử quyết định đó là TA”.

ĐB Vũ Hồng Anh (Hà Nội) tán thành với qui định về thẩm quyền của Tòa án theo phương pháp loại trừ trong dự thảo Luật nhưng để hạn chế tình trạng không rõ ràng về thẩm quyền, ĐB này đề nghị cần xác định rõ phạm vi loại trừ bằng việc quy định rõ về cơ chế xử lý đối với các quyết định của tòa hành chính đã có hiệu lực pháp luật mà phát hiện có sai lầm nghiêm trọng nhưng đã hết thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, hoặc trường hợp đã có quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng TANDTC, nhưng phát hiện ra sai lầm nghiêm trọng.

    “Trách nhiệm của Nhà nước nói chung, của các cơ quan Tư pháp nói riêng là không để xảy ra tình trạng oan sai, xâm phạm đến quyền tự do, danh dự, nhân phẩm của công dân. Do vậy, trong trường hợp phát hiện sai lầm trong quyết định bản án của TA gây ảnh hưởng đến quyền công dân thì bất luận ở tình trạng nào, bản án quyết định đó cũng cần phải được xem xét lại” - ĐB Hồng Anh đề nghị.

    Mặt khác, việc xem xét lại bản án quyết định có hiệu lực pháp luật mà có sai lầm nghiêm trọng, cũng cần phải được thực hiện theo quy trình của pháp luật tố tụng và phải do cơ quan tố tụng tức là do TA thực hiện, chứ không thể ủy quyền hay giao cho một cơ quan nào khác. Do đó, ĐB này đề nghị nghiên cứu bổ sung vào dự án luật thủ tục, xem xét lại bản án, quyết định của tòa án hành chính đã có hiệu lực pháp luật mà phát hiện có sai lầm nghiêm trọng.

    ĐB Nguyễn Đình Xuân không tán thành quan điểm phải có “điểm dừng” trong tố tụng hành chính. Theo ông, Hiến pháp nước ta giao cho QH quyền cao nhất. Giả sử Hội đồng thẩm phán đã ra quyết định và không chịu xem xét lại thì vẫn phải có một cơ chế tiếp theo. Đưa lại vấn đề thảo luận từ khóa trước có ĐB đã nhắc đến vụ án Lệ Chi Viên, vài chục năm sau bản án được thi hành rất tàn khốc, nhưng người ta vẫn xem xét lại. Vậy QH “cũng nên cho phép những bản án mà đã có điều oan sai rõ ràng, tất nhiên là những vụ việc rất đặc biệt thì chúng ta vẫn phải xem xét lại dù đã hết tất cả các thời hiệu” - ĐB Xuân đề nghị.

H.Giang

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà  Hùng Cường  - (ĐBQH tỉnh Quảng Bình): “Về phía Bộ Tư pháp thấy rằng cũng sẵn sàng, nếu QH giao thì cũng có thể sẽ cố gắng để giúp Chính phủ trong việc quản lý Nhà nước trong lĩnh vực thi hành án hành chính”.