Quốc hội biểu quyết thông qua 8 Luật

19/06/2010
Hôm qua (17/6), Quốc hội đã biểu quyết thông qua 8 Luật: Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, Luật Nuôi con nuôi (NCN), Luật Bưu chính, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Người khuyết tật, Luật Thi hành án hình sự (THAHS), Luật Trọng tài thương mại (TTTM) và Luật An toàn thực phẩm với tỷ lệ tán thành trên 80%.

Theo Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (gồm 4 Chương, 13 Điều) quy định các đối tượng chịu thuế, thuế suất đối với đất ở, kể cả đất vừa để ở, vừa để kinh doanh áp dụng theo biểu thuế luỹ tiến từng phần. Đồng thời quy định, việc nộp thuế không phải là căn cứ để công nhận quyền sử dụng đất hợp pháp của người nộp thuế đối với diện tích đất lấn, chiếm.

Luật Bưu chính (gồm 10 Chương, 46 Điều) quy định 5 nguyên tắc hoạt động bưu chính, các quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cung ứng, người sử dụng dịch vụ bưu chính… Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (gồm 12 Chương, 48 Điều) quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; chính sách, biện pháp thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Luật Người khuyết tật (gồm 10 Chương, 53 Điều) quy định cụ thể về chính sách nhận người khuyết tật vào làm việc, trợ cấp xã hội, hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng cho người khuyết tật, đối tượng người khuyết tật được nhận trợ cấp hàng tháng. Mức trợ cấp xã hội hàng tháng, mức hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng đối với người khuyết tật do Chính phủ quy định.

Một số điểm đáng chú ý của Luật NCN là quy định cụ thể về đối tượng và độ tuổi được nhận làm con nuôi; điều kiện của người được nhận làm con nuôi, căn cứ chấm dứt việc NCN, lệ phí đăng ký NCN, chi phí giải quyết NCN người nước ngoài, hệ quả của việc NCN, thẩm quyền đăng ký NCN và giải quyết yêu cầu chấm dứt việc NCN… với nguyên tắc ưu tiên NCN trong nước. Luật NCN được thông qua gồm 5 Chương, 52 Điều.

Luật THAHS (gồm 15 Chương, 174 Điều) quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục thi hành bản án, quyết định về hình phạt, biện pháp tư pháp; tổ chức và hoạt động của cơ quan quản lý, cơ quan THAHS, biện pháp tư pháp; quyền, nghĩa vụ của người phải chấp hành án hình sự, biện pháp tư pháp; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong THAHS, biện pháp tư pháp.

Luật TTTM (gồm 13 Chương, 83 Điều) quy định về thẩm quyền của Trọng tài thương mại, các hình thức trọng tài, tổ chức trọng tài, Trọng tài viên; trình tự, thủ tục trọng tài; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên trong tố tụng trọng tài; thẩm quyền của Tòa án đối với hoạt động trọng tài, tổ chức và hoạt động của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam, thi hành phán quyết trọng tài.

Luật An toàn thực phẩm (gồm 11 Chương, 72 Điều), quy định cụ thể về các hành vi bị cấm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm, của người tiêu dùng thực phẩm trong bảo đảm an toàn thực phẩm; xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm; quản lý đối với thực phẩm được sản xuất, kinh doanh quy mô nhỏ lẻ; ghi nhãn đối với thực phẩm biến đổi gen…

Các luật này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2011, riêng Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2012 và Luật THAHS có hiệu lực từ 01/7/2011./.

H.G


Trịnh Thị Hương Giang