Dự thảo Luật Tố tụng hành chính: Mở rộng thẩm quyền xét xử của Tòa án?

11/05/2010
Sáng 10/5, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào Dự thảo luật Tố tụng hành chính (TTHC), trọng tâm là vấn đề mở rộng thẩm quyền xét xử của Tòa án và thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính.

Liệt kê sẽ bỏ sót?

Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình cho biết: hiện nay Dự thảo luật đang quy định theo phương án loại trừ: Toà án có thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính, trừ các quyết định hành chính, hành vi hành chính trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo danh mục do Chính phủ quy định và các hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan hành chính nhà nước. Theo ông Bình, việc quy định theo phương án loại trừ sẽ tạo thuận lợi cho cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc xác định quyền khởi kiện vụ án hành chính của mình. Hơn nữa, nếu quy định theo phương án liệt kê thì có thể dẫn đến việc bỏ sót những loại việc lẽ ra cần được giải quyết tại Toà án. Ông Bình cũng khẳng định: nếu được thông qua, quy định này cũng sẽ không làm tăng số lượng các vụ việc mà Toà án phải giải quyết.

Chủ nhiệm ủy ban Tư pháp của Quốc hội, bà Lê Thị Thu Ba cho biết: phần lớn các ý kiến trong Ủy ban đồng tình với phương án nêu trên. Bà Ba phân tích thêm: “Việc dự thảo Luật quy định Tòa án có thẩm quyền giải quyết hầu hết các khiếu kiện hành chính, chỉ trừ một số lĩnh vực đặc biệt là phù hợp với quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo. Quy định như vậy cũng phù hợp với Đề án tài phán hành chính mà Thủ tướng Chính phủ đã có kết luận, theo đó cũng định hướng mở rộng và tập trung thẩm quyền giải quyết khiếu kiện hành chính cho Tòa án”.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, ông Nguyễn Văn Thuận lại cho rằng: việc giải quyết khiếu nại hành chính chủ yếu thông qua biện pháp hành chính, nếu giao phần lớn các việc đó cho Tòa có nên không? Ông Thuận không đồng tình với các trình tự thủ tục của hành chính theo Dự luật vì cho rằng nó “được bắt chước thủ tục tố tụng hình sự và dân sự”. Trưởng ban dân nguyện Trần Thế Vượng chung quan điểm: cần làm rõ là tố tụng hành chính có đặc thù gì so với dân sự? Vì ở đây là giải quyết một vấn đề là mối quan hệ giữa người dân với nhà nước. còn dân sự là quan hệ giữa người dân với nhau. Mặt khác ông Vượng cũng chỉ rõ thực tế hết sức “nhạy cảm” khi xét xử các vụ án hành chính: làm thế nào thẩm phán có thể thực sự độc lập, không phụ thuộc bất cứ vấn đề gì khi mà người bị kiện là chức sắc địa phương, những người có vai trò quyết định trong việc bổ nhiệm chính thẩm phán đó?

 Thời hiệu khởi kiện: 30 ngày là quá ngắn

Hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng thời hiệu khởi kiện theo quy định tại Điều 30 của Pháp lệnh hiện hành là quá ngắn (30 ngày hoặc 45 ngày tuỳ theo từng trường hợp), người dân không có đủ thời gian để chuẩn bị chứng cứ, lựa chọn, nhờ tư vấn trước khi khởi kiện.

Về vấn đề này, Chánh án Trương Hòa Bình thừa nhận: thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính như nêu trên là quá ngắn và cần được tăng thêm. Tuy nhiên, tăng thêm bao nhiêu thì cũng cần phải cân nhắc để tránh tình trạng vụ việc hành chính bị kéo dài dẫn đến những hậu quả khó khắc phục, đồng thời việc quy định thời hiệu cũng cần cân nhắc đối với từng loại khiếu kiện. 

Ủy ban Tư pháp tán thành với quy định thời hiệu khởi kiện khác nhau đối với các trường hợp khiếu kiện hành chính khác nhau. Có trường hợp cần quy định rất ngắn (như khiếu kiện về danh sách cử tri bầu cử...), nhưng cũng có trường hợp cần quy định thời hiệu dài hơn (như trong lĩnh vực đất đai, xây dựng...).

Tuy nhiên, vấn đề này cũng còn nhiều ý kiến trái chiều: Một số cho rằng nên quy định như Điều 31 của Luật khiếu nại, tố cáo về thời hiệu khiếu nại (90 ngày), hay như thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự (2 năm).

Thu Hằng

Trong trường hợp pháp luật không có quy định khác về thời hiệu khởi kiện, thì thời hiệu khởi kiện được tính như sau:

a) 6 tháng, kể từ ngày người khởi kiện nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc trong trường hợp người khởi kiện không khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại;

b) 90 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu theo quy định của pháp luật nhưng khiếu nại không được giải quyết hoặc kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu nhưng không đồng ý với quyết định giải quyết đó trong trường hợp người khởi kiện đã khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu;

c) 45 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần 2 theo quy định của pháp luật về khiếu nại nhưng khiếu nại không được giải quyết hoặc kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần hai nhưng không đồng ý với quyết định giải quyết đó trong trường hợp người khởi kiện đã khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai;

d) 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại của Hội đồng cạnh tranh hoặc Bộ trưởng Bộ Công thương, nhưng không đồng ý với quyết định giải quyết đó;

đ) Chậm nhất là 5 ngày, trước ngày bầu cử nhưng không đồng ý về cách giải quyết của cơ quan lập danh sách cử tri.

(Khoản 2 Điều 68 Dự thảo luật tố tụng hành chính)