Thành lập trường Đại học, Cao đẳng: Dễ quá nên kém chất lượng?

19/04/2010
“Năm năm gần đây việc cho phép thành lập mới các trường Đại học, Cao đẳng (ĐH, CĐ) có phần dễ dãi, trong khi các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật và đội ngũ giáo viên không đảm bảo, dẫn đến chất lượng đào tạo thấp…”.

Nhận định của Đoàn giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về thành lập trường, đầu tư và đảm bảo chất lượng đào tạo đối với giáo dục ĐH là “tâm điểm” được các thường vụ thảo luận sôi nổi trong ngày làm việc hôm 16/4.

Không nên tỉnh nào, ngành nào cũng có trường ĐH

Theo Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi từ năm 1998 đến 2009, đã 312 trường ĐH, CĐ được thành lập, trong đó có 248 trường được nâng cấp từ bậc học thấp hơn (từ trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) lên trường CĐ, từ trường CĐ lên trường ĐH). Đến nay, đã có 40/63 tỉnh, thành có trường ĐH; có 60/63 tỉnh, thành có trường CĐ và có 62/63 tỉnh, thành có ít nhất 1 trường ĐH hoặc CĐ. Tính đến tháng 9/2009, cả nước có 412 trường ĐH, CĐ, trong đó có 77 trường ngoài công lập.

Việc thành lập, nâng cấp các trường ĐH, CĐ, cũng theo ông Thi đã chú ý đến cơ cấu vùng miền và tạo điều kiện cho các đối tượng ở địa bàn khó khăn, đặc biệt là con em các gia đình chính sách, gia đình nghèo, dân tộc vùng sâu vùng xa.

Khối các cơ sở giáo dục ĐH ngoài công lập phát triển nhanh, góp phần đẩy mạnh xã hội hóa sự nghiệp giáo dục. Nếu như năm 1997, cả nước mới chỉ có 15 trường ĐH ngoài công lập, đến tháng 9/2009 con số này là 77 trường  tăng 5,1 lần, góp phần tăng quy mô đào tạo của khối ngoài công lập lên 218.189 sinh viên vào năm học 2008-2009, chiếm 12,7% so với tổng quy mô đào tạo của cả nước. 

Nhưng con số mà ông Thi đưa ra trong báo cáo tóm tắt kết quả giám sát dài 15 trang đã khơi mào cho những tranh luận hết sức gay gắt về vấn đề này.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho rằng việc đánh giá về chất lượng giáo dục trong báo cáo còn mờ nhạt, chỉ thiên nhiều về các điều kiện để đảm bảo nó. Chủ tịch nhấn mạnh: văn kiện của Đảng trước đây coi giáo dục được xem là quốc sách hàng đầu nhưng gần đây “thực sự là quốc sách hàng đầu”. Qua giám sát này đã đạt được chủ trương đó hay chưa?

Cho rằng đây là một câu hỏi khó, Chủ nhiệm Đào Trọng Thi phân trần: cá nhân tôi cho rằng thực tế chưa được như vậy.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ môi trường Quốc Hội Đặng Vũ Minh, chất lượng giáo dục ĐH đã có những chuyển biến lớn, ông dẫn chứng, chuyện ông đi đến nhiều công trình trọng điểm của đất nước, phần lớn các kỹ sư, người nắm vai trò chủ chốt đều là sản phẩm của giáo dục trong nước. Trong khi đó, những năm 80, trên hầu hết các công trường (ví dụ như công trình thủy điện Sông Đà) lực lượng chuyên gia phần lớn của nước ngoài. Lao động của ta phần lớn là lao động thủ công. “Nay mọi chuyện đã khác”, ông Minh nói.

Nhưng, để việc thành lập các trường không ồ ạt dẫn đến kém chất lượng, ông Minh cho rằng, phải trao quyền cho người đứng đầu được lựa chọn người giỏi vào làm việc chứ không phải nhận người vì lý do này, lý do khác. Phương pháp như vậy thì tất yếu các trường cho ra lò các sản phẩm kém chất lượng sẽ tự phải giải thể.

Cũng vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Quốc hội Nguyễn Văn Thuận đề nghị: phải làm rõ vấn đề quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ như vậy có hợp lý? Có cần phải đặt mục tiêu bộ nào, ngành nào, địa phương nào cũng phải có trường ĐH, CĐ như thế không?

Quản lý có “vấn đề”?

“Chất lượng giáo dục ĐH hiện nay đang bộc lộ nhiều yếu kém”, đó là lo ngại của nhiều thường vụ khi cho ý kiến vào báo cáo của Đoàn giám sát.

Chỉ minh chứng bằng một con số về quy mô đào tạo: Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, từ năm 1987 đến năm 2009, số SV cả nước tăng 13 lần, nhưng số GV chỉ tăng 3 lần, do đó tỷ lệ sinh viên/giáo viên quá cao so với quy định. Số sinh viên không chính quy của cả nước trong năm học 2008-2009 khoảng 900.000, chiếm hơn 50% tổng số sinh viên các trường ĐH, CĐ

Trong tổng số 61.190 giáo viên ĐH, CĐ, chỉ mới có 6.217 tiến sỹ (10,16%), trong khi mục tiêu trong Quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2006-2020 đặt ra là đến năm 2015 phải có ít nhất 50% giáo viên trình độ TS ở bậc ĐH.

Đặc biệt, Đoàn giám sát thẳng thắn: do chú trọng phát triển quy mô đào tạo nên GDĐH nước ta chưa quan tâm đúng mức đến chất lượng đầu vào của sinh viên các trường. Để trở thành sinh viên ĐH, nhiều thí sinh chỉ cần đạt trên dưới 13, 14 điểm (điểm sàn) là đã đỗ mấy trường ĐH. Điểm chuẩn của các trường CĐ còn thấp hơn.

Một trong những nguyên nhân được đề cập là công tác quản lý GDĐH còn nhiều yếu kém, chưa theo kịp yêu cầu phát triển của GD&ĐT và hệ thống quản lý cồng kềnh (hiện nay ngoài Bộ GD ĐT phần lớn các trường ĐH, CĐ còn chịu sự quản lý của cơ quan chủ quản, dẫn tới tình trạng chồng chéo).

“Phương pháp quản lý của ta còn nhiều vấn đề, việc lập trường quá dễ dãi”, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn nêu ý kiến. “Chính phủ cần thành lập một đơn vị tổ chức điều tra về số và chất lượng của sinh viên ĐH ra trường. Xem lại cách thức quản lý các trường ĐH, CĐ”. Ông Đàn đề nghị.

Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đồng tình: Quản lý nhà nước phải tập trung mạnh mẽ hơn. Hiện Bộ GD&ĐT quản lý chỉ với 54 cơ sở, còn lại các Bộ ngành khác và địa phương. “Như vậy là rất phân tán”, bà Mai nhận xét. Đồng thời kiến nghị, cần xóa bỏ cơ chế chủ quản, nhưng phải có lộ trình. Hiện, việc phân cấp giữa bộ và địa phương là chưa phải là giải pháp tốt.

Thu Hằng

Trong việc thành lập trường và đảm bảo chất lượng đào tạo, đề nghị Chính phủ dành ưu tiên cho việc thành lập các trường ngoài công lập có vốn đầu tư lớn; chỉ mở thêm các trường ĐH, CĐ công lập của địa phương khi ngân sách địa phương đủ đầu tư cho nhà trường để bảo đảm chất lượng đào tạo; hạn chế mở rộng quy mô đào tạo không chính quy; tăng cường hậu kiểm và có biện pháp xử lý nghiêm khắc, giải thể hoặc hạ cấp với những trường vi phạm quy định, không thực hiện đúng cam kết thành lập trường...

(Trích báo cáo của Đoàn giám sát)