Tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Có quyền khởi kiện tại Tòa án?

19/04/2010
Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) mới nhất trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cuối tuần quan gồm 08 Chương và 68 Điều, trong đó đáng chú ý là quy định bổ sung quyền khởi kiện của tổ chức bảo vệ NTD.

Chi trả “trọn gói” là vô lý

Theo Dự thảo, Tổ chức bảo vệ quyền lợi NTD ngoài các quyền như đại diện cho NTD tiến hành khiếu nại, khởi kiện, tố cáo tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền về các hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân kinh doanh thì Tổ chức này còn có quyền khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NTD theo quy định của pháp luật.

Theo Bộ Công thương, trên thực tế nhiều vụ việc vi phạm quyền lợi NTD diễn ra hết sức nghiêm trọng gây thiệt hại lớn cho cộng đồng (như xăng pha acetone…) nhưng giá trị vi phạm đối với từng NTD là rất nhỏ nên NTD… ngại kiện. Lý do vì tâm lý hoặc vì không đủ thời gian, kiến thức để tiến hành việc khiếu nại, khởi kiện.

Cũng theo Bộ Công thương, việc trao quyền khởi kiện cho tổ chức bảo vệ quyền lợi NTD là hết sức cần thiết để bảo vệ quyền lợi chính đáng của NTD, nâng cao ý thức của tổ chức, cá nhân kinh doanh và giúp các tổ chức này thể hiện được vai trò, vị trí của mình. Vấn đề này được Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội đồng tình, việc làm này sẽ giúp NTD nhanh chóng tiếp cận công lý và loại bỏ rào cản pháp lý để bảo vệ quyền lợi của mình và không phải chi phí quá lớn.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba cho rằng, cần phải cân nhắc kỹ vấn đề này, theo bà Ba, nếu giao Viện kiểm sát thì sẽ thuận lợi hơn.

Còn theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thì việc quy định dù tổ chức bảo vệ quyền lợi NTD khởi kiện hay NTD tự khởi kiện đều phải tự chi trả các chi phí phát sinh trong quá trình giải quyết vụ án là vô lý. Ông Lưu dẫn chứng: pháp luật hiện hành quy định ai thua kiện người đó phải chịu án phí.

Tranh chấp dân sự, giải quyết bằng con đường… hành chính?

 Trong các phương thức giải quyết tranh chấp giữa NTD và tổ chức, cá nhân kinh doanh được đưa ra trong dự thảo mới là giải quyết tranh chấp tại cơ quan hành chính.

Theo Bộ trưởng Bộ công thương Vũ Huy Hoàng đây là một phương thức giải quyết tranh chấp mới theo đó cơ quan bảo vệ NTD tại địa phương có thẩm quyền giải quyết một số tranh chấp nhất định của NTD với tổ chức, cá nhân kinh doanh. Quy định này xuất phát từ thực tiễn tranh chấp NTD rất nhiều và rất phổ biến, nhiều tranh chấp trong đó phát sinh từ các hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân kinh doanh. Do vậy, đối với một số trường hợp, cần tạo điều kiện để NTD có thể yêu cầu cơ quan này giải quyết cho họ một số khiếu nại nhất định.

Tuy nhiên, liên quan đến Phạm vi giải quyết khiếu nại tại cơ quan hành chính theo khoản 1 Điều 43 Dự thảo luật (NTD có quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tại địa phương giải quyết khiếu nại của mình trong trường hợp có đủ các yếu tố sau “Giao dịch có giá trị đến 10 triệu đồng”) còn nhiều ý kiến khác nhau.

Ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật cho rằng, những tranh chấp dạng này là tranh chấp dân sự giữa hai bên, nên giải quyết tại cơ quan hành chính là không ổn. “Nếu người được giải quyết không đồng ý tiếp tục khiếu nại thì sẽ làm phức tạp tình hình” ông Thuận nói.

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng lý giải, thực tế là hiện nay các thủ tục, quy trình tố tụng hiện hành qua nhiều phức tạp, gây tâm lý e ngại cho NTD. Quy định như trên giúp NTD khắc phục được sự e ngại đó để chủ động hơn trong việc tự bảo vệ quyền lợi của mình.

Bình An

Theo thống kê của Bệnh viện K cho thấy, mỗi năm Việt Nam có khoảng 77.457 ca mới mắc bệnh ung thư trong đó 80% là do môi trường sống và chỉ có khoảng 5% là do gen di truyền. Một thống kê khác cũng rất đáng chú ý là, từ năm 2004 đến năm 2008 cả nước có 1.634 vụ ngộ độc thực phẩm với 23.894 người bị mắc và 321 người tử vong.

Theo khảo sát của Hội tiêu chuẩn và bảo vệ NTD Việt Nam, tại một số điểm bán xăng dầu, sai số đo lường bình quân khoảng 5%. Với mức tiêu thụ xăng dầu hiện nay số tiền mà NTD bị thiệt hại lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Theo kết quả tổng kiểm tra mới đây của Bộ Khoa học và Công nghệ cho thấy khoảng 28% cơ sở kinh doanh sai phạm về đo lường (có nơi sai số gần 10%), 17% vi phạm về chất lượng.

Những con số trên chỉ là sự thống kê một phần nhỏ và mới chỉ phản ánh được phần nào thực trạng xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của NTD

(Trích nội dung tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật bảo vệ quyền lợi NTD)