Dự án Luật An toàn thực phẩm: Cấm quảng cáo không đúng

16/04/2010
Người tiêu dùng nhiều khi bị tung “hỏa mù” vì chất lượng thực tế của sản phẩm không giống như trong quảng cáo. Hành vi này sẽ bị nghiêm cấm theo Dự án Luật An toàn thực phẩm được thường vụ Quốc hội thảo luận trong chiều qua 15/4.

Muốn quảng cáo phải thẩm định

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XII đã xem xét, cho ý kiến về dự thảo Luật An toàn thực phẩm, theo đó nhiều ý kiến đề nghị cần quy định rõ các hành vi bị cấm để tăng tính khả thi. Đồng thời, đề nghị bổ sung quy định cụ thể, chi tiết các hành vi bị cấm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Tiếp thu các ý kiến này, trong dự thảo Chính phủ trình thường vụ hôm qua đã chỉnh sửa, bổ sung các hành vi bị cấm. Cụ thể có 16 nhóm hành vi bị cấm bao gồm một số hành vi tiêu biểu như: tuyên truyền không đúng, quảng cáo không đúng, sử dụng động vật chết làm thực phẩm, nhập khẩu sản phẩm động vật không qua kiểm dịch; sử dụng nguyên liệu có hại; cấm kinh doanh sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, sản phẩm đang bị dịch bệnh; cấm kinh doanh, mua bán, sử dụng sản phẩm thực phẩm quá hạn sử dụng. ..

Riêng vấn đề quảng cáo thực phẩm, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ môi trường của Quốc hội Đặng Vũ Minh cho biết, hiện còn nhiều ý kiến khác nhau: có ý kiến đề nghị chỉ được quy định quảng cáo những đặc tính đã được đăng ký đối với thực phẩm chức năng; cần có quy định phải phản hồi về thông tin quảng cáo không đúng sự thật; làm rõ nội dung quảng cáo và chế tài xử lý vi phạm.

Luồng ý kiến khác cho rằng cần có giải pháp khắc phục tình trạng quảng cáo không đúng chất lượng, cần có sự thẩm định quảng cáo của các cơ quan chức năng. 

Tiếp thu ý kiến nêu trên, Dự thảo mới đã quy định: tổ chức, cá nhân phát hành quảng cáo, tổ chức cá nhân có thực phẩm quảng cáo chỉ được tiến hành quảng cáo khi đã được thẩm định nội dung và chỉ được quảng cáo đúng nội dung đã được xác nhận. Dự thảo cũng quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc thực hiện quy định này.

Về quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, đa số ý kiến trong phiên thảo luận cho rằng: hiện tại việc quản lý nhà nước về vấn đề này được phân công cho quá nhiều Bộ. Vì vậy, việc quản lý trong nhiều công đoạn của quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm còn có sự chồng chéo, khi xảy ra vụ việc khó xác định trách nhiệm của các Bộ có liên quan. Do đó, các thường vụ đề nghị giao Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm và đề nghị cần làm rõ trách nhiệm của Bộ Y tế và các Bộ quản lý chuyên ngành.

Đồng quan điểm trên, UBTVQH cho rằng: an toàn thực phẩm liên quan trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng của người dân nên quy định giao cho Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm là phù hợp.

Dán nhãn năng lượng: không xuể!

Thảo luận về Dự án Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (SDNLTKHQ), nhiều thường vụ không đồng ý với quy định về dán nhãn năng lượng và nhãn tiết kiệm năng lượng.

Theo Dự thảo Luật, phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng đưa ra thị trường phải được dán nhãn năng lượng hoặc nhãn tiết kiệm năng lượng theo quy định để hướng dẫn cho người sử dụng lựa chọn sản phẩm có hiệu suất năng lượng cao.

Các phương tiện, thiết bị được dán nhãn phải qua thử nghiệm và được cấp giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng tại các phòng thử nghiệm có đủ điều kiện.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Nguyễn Văn Thuận không yên tâm về dự thảo Luật vì “phạm vi điều chỉnh của Luật quá rộng, quy định chung chung, thiếu chế tài xử lý. Ông Thuận cũng cho rằng việc dự thảo Luật quy định về dán mác năng lượng gây tốn kém và chắc chắn không thể thực hiện được nếu không khoanh lại phạm vi điều chỉnh.

Tuy nhiên, theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo của UBTVQH thì việc dán nhãn là cần thiết để quản lý phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng.

Liên quan đến vấn đề về chương trình mục tiêu quốc gia về SDNLTKHQ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh, Lê Quang Bình và Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đều cho rằng không nên quy định Chương trình mục tiêu quốc gia trong Luật, bởi thẩm quyền quyết định chương trình mục tiêu quốc gia là của Thủ tướng. 

Thu Hằng

1. Việc quảng cáo thực phẩm do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm hoặc người kinh doanh dịch vụ quảng cáo thực hiện và phải tuân theo quy định của pháp luật về quảng cáo.

2. Trước khi đăng ký quảng cáo, tổ chức, cá nhân có thực phẩm phải gửi hồ sơ tới cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền được xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm.

3. Tổ chức, cá nhân phát hành quảng cáo, tổ chức cá nhân có thực phẩm quảng cáo chỉ được tiến hành quảng cáo khi đã được thẩm định nội dung và chỉ được quảng cáo đúng nội dung đã được xác nhận.

Bộ trưởng Bộ quản lý chuyên ngành quy định cụ thể thẩm quyền, trình tự, thủ tục xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm và loại thực phẩm phải đăng ký quảng cáo.

(Điều 43 Dự thảo Luật An toàn thực phẩm)