Phân bổ nguồn tăng thu ngân sách nhà nước: Ưu tiên địa bàn khó khăn

15/04/2010
Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội đề nghị phân bổ số tăng thu ưu tiên cho các tỉnh khó khăn có số hụt ngân sách lớn do thực hiện chính sách miễn, giảm thuế để phục hồi kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội theo Nghị quyết 32/2009 của Quốc hội.

Ngày làm việc tiếp theo, UBTVQH đã cho ý kiến về phương án phân bổ nguồn tăng thu ngân sách nhà nước năm 2009, quyết toán ngân sách nhà nước năm 2008 và Dự thảo Nghị quyết ban hành biểu suất thuế tài nguyên.

Có nên giảm bội chi ngân sách?

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, kết quả thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2009 đạt cao hơn so với dự toán (trên 442 ngàn tỷ đồng, vượt 13,4%, tăng thêm hơn 52 ngàn tỷ đồng so với dự toán)

Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng, trong điều kiện nền kinh tế còn nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 5,32% song thu NSNN vẫn vượt dự toán lớn là nỗ lực rất lớn của các cấp ngành.

Tuy nhiên, cũng theo báo cáo Chính phủ, số tăng bội chi NSNN năm 2009 dự kiến là 28.600 tỷ đồng. Có ý kiến đồng ý với Chính phủ, nhưng theo đề nghị của Ủy ban Tài chính ngân sách thì nên chia khoản tiền này thành hai khoản: dùng 3 ngàn tỷ để hỗ trợ các địa phương bù đắp số giảm thu ngân sách địa phương năm 2009 do chính sách miễn, giảm thuế để kích thích kinh tế, số 25.600 tỷ còn lại sử dụng để giảm bội chi ngân sách nhà nước năm 2009 từ 6,9%GDP xuống còn 6,5%GDP, tương ứng với số kinh phí khoảng 6.719 tỷ đồng. Số còn lại (18.881 tỷ đồng): trình Quốc hội xem xét, quyết định chi xử lý các khoản ứng trước trong gói kích thích kinh tế của năm 2009 và Quốc hội ủy quyền cho UBTVQH xem xét phương án phân bổ cụ thể trên cơ sở Tờ trình của Chính phủ.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận đồng tình với cơ quan thẩm tra và cho rằng cần ưu tiên cho giảm bội chi, tăng chi trả nợ. Còn tăng chi đầu tư phát triển phải để sau.

Tuy nhiên, một số thường vụ vẫn không đồng tình với đề nghị giảm bội chi NSNN từ 6,9% GDP xuống còn 6,5% GDP.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh tiếp tục phân trần: với mức bội chi 6,9% cân đối ngân sách Trung ương năm 2009 vẫn còn thiếu nguồn khoảng 8760 tỷ đồng, phải xử lý tiếp trong quá trình điều hành NSNN năm 2010 và các năm tiếp theo.

Kết luận vấn đề này, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng: Quốc hội đã xem xét và chấp nhận bội chi ngân sách 6,9% thì nên giữ nguyên và nên dành phần tăng thu cho đầu tư phát triển. Phó Chủ tịch cũng lưu ý cần công khai trong việc ứng vốn và quan tâm dành vốn cho các công trình chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội

Chưa làm rõ lý do tăng thuế suất

Cũng trong ngày hôm qua, Chính phủ đã có tờ trình UBTVQH về ban hành Nghị quyết ban hành Biểu suất thuế tài nguyên.

Theo Tờ trình này, có 9 nhóm tài nguyên chịu thuế. Trong mỗi nhóm sẽ quy định các loại tài nguyên với mức thuế suất cụ thể (trừ yến sào thiên nhiên và tài nguyên khác). Một số nhóm sẽ theo hướng tăng lên, một số giữ nguyên và một số thấp hơn mức hiện hành.

Ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội “phê” tờ trình của Chính phủ trình sơ sài, chưa nêu được lý do vì sao phải tăng thuế suất. Ông Thuận cho rằng biểu thuế phải hết sức cụ thể. Phải làm rõ nhóm nào khuyến khích xuất khẩu, khuyến khích khai thác cho sản xuất trong nước, trữ lượng ra sao…. Ông Thuận không đồng ý với việc thông qua Dự thảo Nghị quyết này..

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền đồng quan điểm: Chính phủ dựa vào đâu quyết định mức thuế suất mới? Ông Hiền phân tích: chính sách thuế có ý nghĩa rất quan trọng, thúc đẩy hoặc kìm hãm sản xuất. Ở đây Chính phủ quá nặng về quản lý.

Ông Hiền đề nghị: Cần phải khảo sát, đánh giá chính sách thuế hiện hành đã phát huy trên thực tế như thế nào. Bởi lẽ tăng giá một loại tài nguyên sẽ kéo theo tăng nhiều mặt hàng tiêu dùng khác, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội Cao Hồng Xuyên khi trình bày báo cáo thẩm tra cũng nêu rõ: còn tình trạng tăng bình quân. Trong khi đó, nhiều loại tài nguyên như cát, cao lanh, sét chịu lửa… đang khai thác ồ ạt, tác động tiêu cực đến môi trường thì đề nghị tăng lại chưa nhiều.

Ủy ban Tài chính ngân sách cũng nhận định: Dự thảo Biểu thuế suất chưa quy định thuế suất riêng biệt mà vẫn quy định theo nhóm và áp dụng một mức thuế suất chung cho nhiều tài nguyên. Ví dụ: bạch kim, bạc, thiếc vẫn trong cùng một nhóm với thuế suất 10%; chì, kẽm, nhôm, bô-xít, đồng, ni-ken cũng cùng một nhóm khác với thuế suất 10%... Ủy ban này cho rằng, việc quy định như Dự thảo một mặt chưa bảo đảm tính thống nhất với quy định của Luật thuế tài nguyên; mặt khác, có thể dẫn đến bất cập trong quá trình áp dụng, đặc biệt khi cần điều chỉnh thuế suất đối với một tài nguyên cụ thể trong một thời điểm nhất định (ví dụ, do biến động thị trường).

Vì vậy, để bảo đảm tính cụ thể, thuận tiện trong thực thi Nghị quyết, Ủy ban Tài chính ngân sách đề nghị tách riêng từng loại tài nguyên, theo đó xác định thuế suất cho phù hợp với mỗi loại.

Do chưa được sự đồng thuận nên Dự thảo Nghị quyết về ban hành biểu suất thuế tài nguyên được giao về cho cơ quan soạn thảo phối hợp cùng các cơ quan liên quan tiếp tục bổ sung, hoàn thiện.

Thu Hằng