Bộ, ngành ủng hộ nhưng vẫn... băn khoăn

26/02/2010
Ngày 24/02/2010, Bộ Tư pháp đã gửi tới các Bộ, ngành và địa phương sẽ phối hợp cùng Bộ tiến hành thí điểm công tác theo dõi thi hành pháp luật bản Kế hoạch tổng thể thực hiện Đề án số 769 được Bộ trưởng Bộ Tư pháp ký ngày 10/02. Nhìn chung, quan điểm của các Bộ, ngành, địa phương là tuyệt đối ủng hộ, tuy nhiên cũng không thể tránh khỏi đôi điều lấn cấn.

Theo như Đề án “Triển khai thực hiên công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 30/11/2009 bằng Quyết định 1987/QĐ-TTg 30/11/2009 thì các Bộ Tài chính, Tài nguyên - Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Khoa học - Công nghệ, Y tế, và các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TPHCM, Cần Thơ, Nghệ An sẽ được chọn thí điểm thực hiện và có nhiệm vụ phối hợp cùng Bộ Tư pháp (mà đầu mối thực hiện là Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật). Có thể nói, đối với pháp chế và tư pháp địa phương đây là nhiệm vụ không mới. Tuy nhiên, cho đến nay công tác này làm vẫn chưa tốt nên cần phải có sự quan tâm thỏa đáng thể hiện bằng Đề án đã được Chính phủ phê duyệt và với sự chủ trì, hỗ trợ của Bộ Tư pháp. Vì thế, PV Báo Pháp luật Việt Nam đã phỏng vấn nhanh lãnh đạo pháp chế của Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương - là hai Bộ đang quản lý đa ngành và công tác thi hành pháp luật có nhiều sự đa dạng, phức tạp - để phần nào thấy được quan điểm cũng như sự chuẩn bị của các cơ quan này cho việc triển khai Đề án.

Ông Nguyễn Văn Việt - Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ NN&PTNT cho biết, về thực chất hoạt động theo dõi thi hành pháp luật như kiểm tra, rà soát việc ban hành, thực hiện VBQPPL... đã được pháp chế ngành tiến hành từ nhiều năm nay. Và, bản thân Vụ Pháp chế của Bộ cũng đã có hẳn một Tổ kiểm tra thực hiện pháp luật được thành lập từ năm 2005 với quân số 6 người, do một đồng chí Phó Vụ trưởng phụ trách để thực hiện công việc. Tuy nhiên, dưới góc độ của Đề án “Triển khai thực hiên công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật” thì nhiệm vụ này được đồng bộ, bài bản hơn và chắc chắn sẽ có nhiều vấn đề mới đưa tới hiệu quả thực hiện. Vì trong thực tế, theo ông Việt không phải lúc nào cũng có thể theo dõi, sâu sát hết được “cuộc sống” của từng VBQPPL đã được ban hành trong thực tiễn. Hiện nay, hoạt động theo dõi thi hành pháp luật ở nhiều ngành nói chung và ngành NN&PTNT nói riêng đa phần đều được làm rất ít hoặc chưa làm được. Vì thế, ông Việt đánh giá việc triển khai Đề án là rất cần thiết và sẵn sàng ủng hộ việc tiến hành thí điểm để góp phần vào thành công của Đề án.

Cũng ủng hộ, nhưng ông Trương Quang Hoài Nam - Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Công Thương lại còn khá nhiều băn khoăn về vấn đề tổ chức. Bởi theo như Đề án thì cần thiết phải tiến hành việc tổ chức, kiện toàn hoặc thành lập đơn vị chuyên trách thực hiện nhiệm vụ theo dõi thi hành pháp luật theo mô hình Phòng hoặc bộ phận. Ông Nam cho biết, trong thời gian sớm nhất sẽ trao đổi với Bộ Tư pháp về vấn đề cần có quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của Phòng theo dõi thi hành pháp luật để từ đó Vụ Pháp chế có cơ sở trình Bộ trưởng Bộ Công Thương xin ý kiến. Tuy nhiên, với tầm quan trọng của công tác theo dõi thi hành pháp luật cũng như từ góc độ quản lý đa ngành của mình, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Công Thương cho biết đã chuẩn bị tương đối tốt cho việc triển khai Đề án về mặt chuyên môn cũng như nhân sự để thành lập Phòng chuyên trách.

Bên cạnh những tín hiệu vui như trên, thì cũng không thể tránh khỏi những vấn đề lấn cấn. Nổi bật trong số đó là những lấn cấn liên quan đến kinh phí như suy nghĩ của một số Bộ, ngành, địa phương là từ trước đến nay công tác pháp chế đã bao gồm cả kiểm tra, rà soát VBQPPL thì với nhiệm vụ mới này liệu có chồng chéo, lãng phí hay không? Hay nói như ông Nguyễn Huy Quang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế để thực hiện được Đề án thì không thể xem nhẹ câu chuyện kinh phí và nhân lực thực hiện. Tuy nhiên, hai vấn đề này vẫn chưa hết khó khăn.

Xuân Hoa

Bộ Tư pháp: Kinh phí đã được quy định rõ trong Đề án

Theo thông tin từ Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp thì vấn đề kinh phí đã được quy định rõ trong nội dung Đề án. Theo đó, một phần kinh phí sẽ do Bộ Tư pháp thực hiện và phần còn lại do các Bộ, ngành, địa phương xây dựng dự trù để báo cáo với Bộ Tài chính và UBND. Trong tuần tới, Bộ Tư pháp sẽ tổ chức cuộc họp với các Bộ, ngành, địa phương được lựa chọn thí điểm để bàn kỹ hơn về vấn đề kinh phí và triển khai thực hiện Đề án.

Còn về nhân lực thì theo quan điểm của ông Lê Thành Long, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật thì không nên quá cứng nhắc ở các mô hình kiện toàn hay thành lập đơn vị chuyên trách, miễn sao phải có đủ nhân lực để thực hiện công việc được giao. Vì mục tiêu cao nhất của Đề án thí điểm là Nghị định về theo dõi thi hành pháp luật để từ đó có thể trao cho công tác theo dõi thi hành pháp luật một “danh phận”, vị trí rõ ràng trong tổng thể hoạt động xây dựng pháp luật, Nhà nước pháp quyền. Do đó, các Bộ ngành, địa phương đã được lựa chọn thí điểm cần tạo điều kiện tối đa để thực hiện.

Dự kiến, đầu tháng 3, Thông tư hướng dẫn nghiệp vụ theo dõi thi hành pháp luật sẽ được Bộ trưởng Bộ Tư pháp ký ban hành