Ba năm thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý: Được, mất đều ở khâu cán bộ

20/01/2010
Ngay sau thời điểm có hiệu lực từ ngày 01/01/2007, việc tổ chức thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL) đến nay đã được 3 năm. Đây là một trong những đạo luật được đánh giá là thành công của công tác lập pháp gắn với việc đưa pháp luật vào cuộc sống. Tuy nhiên, quá trình thực hiện Luật cũng không thể tránh khỏi những tồn tại, hạn chế. Nhìn nhận 3 năm bước đầu này, Cục trưởng Cục TGPL (Bộ Tư pháp) Tạ Thị Minh Lý chia sẻ:

Triển khai thi hành Luật TGPL, Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương và chính quyền các cấp ở địa phương đã huy động nguồn lực, tích cực tổ chức thực hiện Luật có trọng tâm theo từng năm. Năm 2007, tập trung vào công tác hoàn thiện thể chế để tạo khuôn khổ pháp lý thống nhất, toàn diện và đồng bộ điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong hoạt động TGPL. Năm 2008, tập trung xây dựng, tổ chức thực hiện Quy hoạch mạng lưới nhằm kiện toàn tổ chức thực hiện TGPL. Còn năm vừa qua, đẩy mạnh các hoạt động nghiệp vụ TGPL, chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về TGPL.

Làm được nhiều vụ việc khó

* Theo đánh giá của bà, đâu là kết quả nổi bật của 3 năm thực hiện Luật?

- Tôi cho đó là việc có thêm đội ngũ trợ giúp viên pháp lý (TGVPL) tham gia đại diện, bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho người được TGPL để người được TGPL có thể lựa chọn TGVPL của nhà nước hoặc luật sư cộng tác viên.

* Với mục tiêu khắc phục tình trạng thiếu luật sư trong các vụ việc tranh tụng, đội ngũ TGVPL đã được tăng cường. Nhưng thưa bà, hình như vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu?

- Hiện nay đội ngũ TGVPL được gần 200 người. Đợt bồi dưỡng cấp chứng chỉ vừa rồi được thêm 72 người, nghĩa là sắp tới cũng chỉ có khoảng 270 TGVPL trong toàn quốc. Phấn đấu theo quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt là đến năm 2010, trung bình mỗi Trung tâm TGPL Nhà nước có 8 TGVPL. Tuy nhiên, tới giờ mới được vài Trung tâm có 8 TGVPL gồm Bình Dương, Quảng Bình, Nghệ An, Đồng Nai, Quảng Nam… Đó là chưa kể có TGVPL của Trung tâm đã được bổ nhiệm song lại phải luân chuyển như Lào Cai. Đa số các Trung tâm còn lại chỉ có 2 hoặc 3, thậm chí 1 TGVPL. Riêng Hà Nội sau khi mở rộng và có thêm một số Chi nhánh ra đời chắc sẽ được hơn 10 TGVPL.

* Quy trình bổ nhiệm TGVPL rõ ràng cần chặt chẽ khi Luật quy định TGVPL làm sai sẽ phải bồi thường. Bà có nghĩ vậy không?

- Đúng thế! Tham gia đại diện, tư vấn pháp luật, bào chữa, bảo vệ quyền lợi trong điều kiện mà làm sai dù chỉ một lỗi rất nhỏ cũng bị người dân kiện cho nên không thể dễ dàng, qua loa được. Trong khi các vụ việc TGPL hầu hết toàn vụ việc khó. Chẳng hạn, thực hiện chế độ chính sách cho thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng đòi hỏi phải bỏ rất nhiều công sức đi thu thập chứng cứ, gặp gỡ các nhân chứng còn sống để người ta xác nhận cho, yêu cầu nhiều cơ quan tìm tài liệu lưu trữ mà trong nhiều trường hợp người thuộc diện TGPL không còn giấy tờ ngoài xác nhận của địa phương, nhưng xác nhận thì không phải là chứng cứ để người thực hiện TGPL đề nghị các cơ quan có thẩm quyền. Hay những vụ tham gia đại diện chia tài sản cũng rất phức tạp. Mặc dù vậy, trong năm 2009, các tổ chức TGPL trên cả nước đã làm được gần 60 vụ buôn bán phụ nữ, 100 vụ bạo lực gia đình.

Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn thừa nhận, việc bảo vệ quyền và lợi ích cho người tiêu dùng ở một số địa phương về tài sản, hàng hoá mua sắm kém chất lượng, bảo vệ môi trường ở những khu vực không khí độc hại là những việc chưa làm được. Một số vụ việc cũng rất khó, nếu không muốn nói là đụng chạm. Những vụ tranh chấp giữa dân với dân thì còn thu xếp được, chứ tranh chấp giữa dân với cơ quan nhà nước thì làm thế nào để bảo vệ quyền và lợi ích của người dân mà cơ quan nhà nước cũng nhận thức được cái sai của mình là bài toán khá hóc búa.

Ngân sách nhà nước đang bị lãng phí

* Bà vừa đề cập về chuyện luân chuyển cán bộ. Trong khi đội ngũ TGVPL vẫn còn mỏng mà lại phải luân chuyển thì có ổn không, thưa bà?

- Đó chính là hạn chế lớn nhất trong 3 năm thi hành Luật. Ở các địa phương, việc luân chuyển cán bộ là lãng phí. Đại diện Bộ Tài chính từng nói với tôi, một TGVPL đã được đào tạo bên này rồi chuyển sang công việc khác thì Nhà nước lại phải bỏ tiền ra, tốn kém thêm kinh phí để đào tạo lại cho làm công việc khác. Việc đào tạo TGVPL giống như luật sư, thẩm phán, đòi hỏi phải có tay nghề, kinh nghiệm, tích luỹ nhiều năm, phải chuyên sâu về lĩnh vực pháp luật chứ còn cứ mới tinh đi sang vừa không làm được gì vừa đào tạo không kịp. Kể cả đào tạo, bồi dưỡng cũng khó vì làm trợ giúp rất cần kỹ năng chứ không phải cứ học luật ra là vào guồng được ngay.

Cái khó của nhiều địa phương, nhất là những tỉnh khó khăn, tỉnh miền núi, là không có nguồn để bổ nhiệm. Đặc biệt, muốn trợ giúp cho người dân tộc thì không có người dân tộc để tuyển dụng. Đã vậy, lại chưa có sự phối hợp giữa cơ quan tuyển dụng địa phương và các cơ sở đào tạo luật. Sinh viên học luật ra trường không biết đi về đâu, đào tạo rất nhiều mà địa phương lại vẫn thiếu nguồn thì không hiểu có tiêu cực nào đó trong việc tuyển chọn ở địa phương hay không. Còn nếu cứ tuyển chọn những người không học luật ra để rồi cho đi học lại là rất nguy hiểm.

* Được biết, năm nay, một số nhà tài trợ quốc tế suốt 3 năm qua của Việt Nam đã rút khỏi danh sách. Theo bà, liệu có ảnh hưởng gì đến công tác TGPL của chúng ta?

- Về hỗ trợ quốc tế, 2 tổ chức của Thuỵ Điển theo định hướng chung của Chính phủ nước này thì Việt Nam tuyên bố sẽ thoát nghèo trong năm 2010, không còn trong danh sách các nước nghèo. Vì vậy, Thuỵ Điển rút ra nhưng họ đang đề nghị với Cục làm chương trình đối tác, hợp tác. Có điều, chúng tôi chưa sang Thụy Điển để tìm kiếm đối tác hoặc nhờ người tìm đối tác. Còn những nhà tài trợ khác vẫn đang tiếp tục chương trình của họ. Chẳng hạn, 2 tổ chức Oxfam Novib của Hà Lan và SDC của Thụy Sỹ đang cùng chúng tôi tích cực chuẩn bị ký kết dự án mới. Hay trong hợp phần cho nhà nước của EC có dự toán gửi cho Cục về công tác TGPL.

Nhưng một vấn đề là đến nay mới chỉ có 30 Trung tâm có ô tô riêng để đi TGPL lưu động. 33 Trung tâm chưa có, thường xuyên phải thuê xe ô tô mà kinh phí thuê xe dựa chủ yếu vào Dự án, điều đó gây tốn kém về mặt kinh phí và làm cho các Trung tâm khó chủ động về mặt thời gian. Sắp tới một số Trung tâm không có Dự án, sẽ không có tiền thuê ô tô thì không biết sẽ như thế nào!

Một số đạo luật chưa “động” đến TGPL

* Một điểm khá được quan tâm là chúng ta đã xây dựng được Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng TGPL. Nhưng có gì ràng buộc các tổ chức thực hiện TGPL, người thực hiện TGPL phải tuân thủ không?

- Bộ tiêu chuẩn đã được Bộ trưởng ký ban hành năm 2008, trong năm 2009, Cục đã hướng dẫn cách thức đánh giá, phân loại đánh giá. Bộ tiêu chuẩn đòi hỏi thời gian, tính nghiêm túc trong công việc; đề ra cơ chế kiểm tra để nâng cao chất lượng, giúp người dân yên tâm về công tác TGPL. Nếu tuân thủ tất cả thì không thể có sai sót trong nghiệp vụ nhưng do người ít, công việc lại nhiều nên đôi khi người ta muốn làm nhanh, bỏ tắt giai đoạn hoặc không đi theo những quy trình đã có. Đứng ở góc độ tổ chức quản lý, Cục không thể kiểm tra, xác minh được 100% mà chỉ kiểm tra một số vụ việc. Nghĩa là phải trông chờ vào tính tự giác của địa phương, của người thực hiện TGPL.

* Đã có kiến nghị gì về sửa đổi Luật TGPL chưa, thưa bà?

- Tôi chưa thấy có kiến nghị nào sửa đổi Luật TGPL, chỉ có nhiều kiến nghị sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng Hình sự, Bộ luật Tố tụng Dân sự, Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính. Hay những luật liên quan đến đối tượng nhạy cảm như Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Phòng, chống HIV lại không đề cập TGPL cho nạn nhân trong khi đây là những đối tượng rất cần được TGPL.

Hoàng Thư