Hội nghị quốc gia về Nghị định thư bổ sung cho Hiệp định thanh sát hạt nhân

24/08/2007
Nhằm giúp các bộ, ngành liên quan hiểu rõ hơn trách nhiệm và nghĩa vụ của quốc gia ký kết theo Nghị định thư bổ sung cho Hiệp định thanh sát hạt nhân với Cơ quan Năng lượng quốc tế (IAEA), Bộ Khoa học và Công nghệ và IAEA đã tổ chức Hội thảo về Nghị định thư bổ sung cho Hiệp định Thanh sát của Việt Nam từ ngày 22- 23/8/2007 tại khách sạn Hilton – Hà Nội. Tham dự hội nghị có đại diện của IAEA, các cường quốc về hạt nhân như Nhật Bản, Úc, v.v... và các cơ quan nhà nước của Việt Nam như đại diện của Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, v.v....

Hội thảo lần này là nhằm mục đích giải thích vai trò của hệ thống thanh sát tăng cường của IAEA. Theo đó, hệ thống thanh sát của IAEA là một phương tiện để một quốc gia thể hiện cho cộng đồng quốc tế thấy rằng chương trình hạt nhân của quốc gia chỉ vì một mục đích duy nhất, đó là mục đích hoà bình, bảo đảm vũ khí hạt nhân sẽ không bao giờ được sử dụng.

            Mặc dù Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, Hiệp định thanh sát toàn diện vũ khí hạt nhân… đã có hiệu lực thi hành từ lâu giữa các quốc gia thành viên nhưng việc phát hiện ra chương trình vũ khí hạt nhân bí mật của một số nước đã cho thấy rằng các hiệp định thanh sát toàn diện thông thường đă không cho phép IAEA có đầy đủ phương tiện và điều kiện để xác minh sự có mặt của các vật liệu hạt nhân và hoạt động hạt nhân không khai báo tại các quốc gia thành viên. Do đó, tháng 5 năm 1997, Hội đồng Thống đốc IAEA đã phê chuẩn Nghị định thư Mẫu nhằm cung cấp thêm công cụ cho các thanh tra viên của IAEA thông qua các quy định cho phép IAEA tiếp cận tới bất cứ điểm nào trong quốc gia, nếu IAEA không thể thực hiện nhiệm vụ kiểm chứng của mình bằng các phương tiện khác.

Để tăng cường thêm nữa vai trò của thanh tra viên, Nghị định thư bổ sung yêu cầu quốc gia phải khai báo tất cả các hoạt động hạt nhân của mình  "từ khai thác mỏ đến thải chất thải", và vì thế giải quyết được những thiếu sót của hệ thống cũ. Nghị định thư bổ sung cũng đưa vào quy định về thông báo trước với thời hạn ngắn, đặc biệt trong việc lấy mẫu môi trường tại địa điểm đã khai báo.

            Việt Nam với tư cách là một quốc gia không có vũ khí hạt nhân, thành viên của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, đã thực hiện nghĩa vụ của mình là không phát triển hoặc không cố gắng có được vũ khí hạt nhân. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã trở thành thành viên của Hiệp định thanh sát toàn diện từ ngày 23 tháng 02 năm 1990. Do vậy, việc ký kết Nghị định thư bổ sung là một bước quan trọng và cần thiết nhằm tăng cường thêm nữa sự hỗ trợ của IAEA cho Việt Nam về mặt kỹ thuật, phương tiện, nhân lực, tài chính cũng như pháp luật, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay Việt Nam đang đầu tư mở rộng các chương trình nghiên cứu, khai thác hạt nhân vì mục đích hoàn toàn hoà bình.

Thu Phương