Những năm qua, ngành Tư pháp tỉnh Lai Châu đã có nhiều đổi mới tích cực, không ngừng lớn mạnh về tổ chức bộ máy, cán bộ chất lượng, hiệu quả hoạt động, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng và phát triển của tỉnh Lai Châu.
21 năm một chặng đường
Ngày 01/01/2004, tỉnh Lai Châu chính thức được chia tách thành hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu. Đây cũng là thời điểm Sở Tư pháp tỉnh Lai Châu (mới) được thành lập và đi vào hoạt động. Trải qua hơn 21 năm cùng với quá trình xây dựng và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, ngành Tư pháp tỉnh Lai Châu đã vượt lên biết bao khó khăn, thử thách để ngày càng lớn mạnh về cơ cấu tổ chức, khẳng định vai trò, vị thế của mình.
Ngày đầu thành lập, Sở Tư pháp tỉnh Lai Châu chỉ có 8 công chức, người lao động (bao gồm cả công chức lãnh đạo, quản lý, chuyên môn, lái xe, phục vụ) được điều động từ Sở Tư pháp tỉnh Lai Châu (cũ) sang. Đây thực sự là thách thức rất lớn đối với các cán bộ tư pháp nói riêng và của ngành tư pháp tỉnh Lai Châu nói chung.
Đối mặt với muôn vàn thách thức, nhưng với sự đoàn kết, thống nhất một lòng, ngành Tư pháp tỉnh Lai Châu đã nhanh chóng bắt tay vào việc, vừa củng cố, xây dựng về tổ chức, bộ máy, vừa triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn.
.jpg)
Các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Sở Tư pháp tỉnh Lai Châu luôn nỗ lực phấn đấu, đoàn kết...
Xác định con người là yếu tố quan trọng nhất, quyết định sự phát triển của ngành, các thế hệ lãnh đạo Sở Tư pháp tỉnh Lai Châu luôn quan tâm, chú trọng đến công tác đào tạo, xây dựng công chức, viên chức trong ngành vững vàng về tư tưởng chính trị, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ nhằm đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Qua quá trình thực hiện việc tuyển dụng kết hợp với đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức, Sở Tư pháp tỉnh Lai Châu đã có 5 phòng chuyên môn nghiệp vụ và 3 đơn vị sự nghiệp trực thuộc với 40 công chức, viên chức và người lao động.
Hơn 21 năm qua, chức năng, nhiệm vụ của ngành Tư pháp nói chung và Sở Tư pháp tỉnh Lai Châu nói riêng không ngừng được củng cố, kiện toàn, hoàn thiện. Nhờ đó, Sở luôn thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu về các vấn đề pháp lý cho hệ thống chính trị của tỉnh, xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật của địa phương trên các lĩnh vực ngày càng hiệu quả, nhất là: Các lĩnh vực về xây dựng, thẩm định, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện đồng bộ, giúp UBND tỉnh ban hành kịp thời các chương trình, kế hoạch; các văn bản quy phạm pháp luật trình UBND đã được Sở tư pháp thẩm định, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất và khả thi với điều kiện thực tế phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ngoài ra, Sở kịp thời đề xuất UBND tỉnh xem xét, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về mặt pháp lý trong công tác chỉ đạo, điều hành, tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước trên địa bàn. Đặc biệt là công tác kiểm soát thủ tục hành chính, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, lý lịch tư pháp… được quan tâm thực hiện đi vào chiều sâu và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, góp phần tăng cường pháp chế, quản lý xã hội bằng pháp luật, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Sở Tư pháp là cơ quan tham mưu, giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật; theo dõi tình hình thi hành pháp luật; kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật. Đây là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác hoàn thiện và cải cách thể chế. Với vai trò, trách nhiệm thành viên Ban chỉ đạo cải cách hành chính của tỉnh, Sở đã chủ động triển khai đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ trong lĩnh vực cải cách thể chế trên địa bàn tỉnh.
Việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh Lai Châu được UBND tỉnh xác định là nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá trong thực hiện định hướng, chủ trương của Đảng về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Bám sát các chủ trương, định hướng của Trung ương, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021-2025, Chương trình hành động của Tỉnh ủy, trong giai đoạn 2021-2025, Sở đã thường xuyên hướng dẫn, theo dõi tiến độ, đôn đốc các cơ quan được giao xây dựng các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trình HĐND, UBND tỉnh, trên cơ sở đó giúp các cơ quan nâng cao tính chủ động, kịp thời trong công tác tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Đạt nhiều kết quả nổi bật
Những năm qua, các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Sở Tư pháp tỉnh Lai Châu luôn nỗ lực phấn đấu, đoàn kết, vượt qua khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Đặc biệt, với đặc thù là một tỉnh miền núi, biên giới, bên cạnh thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, Sở Tư pháp đã nghiên cứu, lựa chọn các mô hình hoạt động phù hợp với đặc thù địa lý và tình hình thực tế địa phương. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh công tác tổ chức phổ biến giáo dục pháp luật cho Nhân dân khu vực biên giới, tăng cường trợ giúp pháp lý cho các đối tượng yếu thế, truyền thông tại các điểm bản trên địa bàn tỉnh…
Sở Tư pháp đã thực hiện tốt vai trò là cơ quan Thường trực của Hội đồng phối hợp, phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Với chức năng, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao, Sở Tư pháp đã làm tốt vai trò tham mưu giúp UBND các cấp thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về công tác tư pháp, đặc biệt là công tác xây dựng và thi hành pháp luật.
Sở Tư pháp đã tham gia về mặt pháp lý một số dự thảo văn bản do ngành chủ trì soạn thảo trước khi trình UBND, HĐND xem xét ban hành; triển khai nghiên cứu, tham gia ý kiến vào các dự thảo Luật, pháp lệnh, văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh do bộ ngành ở trung ương chủ trì soạn thảo. Qua đó góp phần từng bước nâng cao chất lượng công tác văn bản, đảm bảo các văn bản quy phạm pháp luật được xây dựng, thẩm định, kiểm tra và rà soát đúng tiến độ, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính khả thi và phù hợp với điều kiện địa phương của các dự thảo văn bản, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, cải cách tư pháp.
.jpg)
Chú trọng đẩy mạnh công tác tổ chức phổ biến giáo dục pháp luật cho Nhân dân.
Công tác ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính có nhiều đột phá nhằm nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành; góp phần cải thiện các chỉ số PCI, PAX INDEX, SIPAS, PAPI của tỉnh theo nhiệm vụ được giao của ngành Tư pháp. Đẩy mạnh xử lý văn bản, hồ sơ công việc trên môi trường mạng; sử dụng hòm thư công vụ để trao đổi công việc; thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử trên Hệ thống Phần mềm quản lý văn bản và điều hành giữa các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Lai Châu; tăng cường triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng chữ ký số cá nhân, đảm bảo tỷ lệ xử lý văn bản, hồ sơ công việc (trừ hồ sơ mật) trên môi trường mạng đạt 100%; xây dựng quy trình nội bộ cắt giảm thời gian giải quyết 87/134 thủ tục hành chính bình quân giảm gần 50% so với thời gian quy định.
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có nhiều đổi mới, cả về nội dung và phương pháp tuyên truyền, bám sát vào nhiệm vụ chính trị của địa phương và định hướng của Bộ Tư pháp. Sở đã tổ chức kịp thời, có hiệu quả các cuộc thi “Báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật giỏi về phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh Lai Châu”; cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Lai Châu”; cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Lai Châu”;…
Tổ chức Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến từ tỉnh đến xã tuyên truyền phổ biến Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, Luật Biên phòng và các văn bản có liên quan cho hàng nghìn đại biểu tham dự tại điểm cầu trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, hoạt động trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách cũng luôn được Sở Tư pháp quan tâm, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, đặc biệt là trợ giúp pháp lý lưu động kết hợp với tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho Nhân dân. Mỗi năm Trung tâm trợ giúp pháp lý tổ chức hàng chục đợt trợ giúp pháp lý lưu động kết hợp với tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho Nhân dân các xã vùng sâu, vùng xa, giúp cho người dân được tiếp cận với các dịch vụ pháp lý, nâng cao trình độ nhận thức, hiểu biết pháp luật.
Với sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của công chức, viên chức, Sở Tư pháp tỉnh Lai Châu nhiều năm được Bộ Tư pháp xếp hạng A toàn quốc. Năm 2021, lần đầu tiên Sở Tư pháp vươn lên đứng đầu bảng xếp hạng về chỉ số CCHC của các sở, ban, ngành tỉnh Lai Châu (năm 2019 và 2020 xếp hạng 2). Năm 2020 được Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chủ tịch UBND tỉnh tặng cờ thi đua và đặc biệt trong năm 2021 Sở Tư pháp vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng nhì. Năm 2022 và 2023 có nhiều cá nhân và tập thể được Bộ trưởng Bộ Tư pháp, UBND tỉnh Lai Châu tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào hoạt động của ngành, của tỉnh.
Tinh gọn để nhìn lại vai trò, trách nhiệm
Thực hiện chủ trương đổi mới, tinh gọn tổ chức bộ máy theo hướng hoạt động hiệu lực, hiệu quả, ngày 7/7/2025, Sở Tư pháp tỉnh Lai Châu tổ chức Hội nghị công bố Quyết định số 1345/QĐ-UBND ngày 18/6/2025 của UBND tỉnh Lai Châu về việc sáp nhập, đổi tên các phòng chuyên môn trực thuộc, đồng thời, công bố quyết định điều động, bổ nhiệm công chức theo tổ chức bộ máy mới.
Sở Tư pháp từ 5 phòng chuyên môn và 3 đơn vị sự nghiệp với 40 cán bộ, công chức nay được sắp xếp giảm còn 3 phòng chuyên môn và 2 đơn vị sự nghiệp, với tổng số 38 cán bộ, công chức. Đồng thời, chức năng thanh tra được chuyển về thanh tra tỉnh quản lý, đảm bảo phân công rõ ràng, giảm chồng chéo nhiệm vụ.
.jpg)
Sở Tư pháp tỉnh Lai Châu tổ chức Hội nghị công bố Quyết định về việc sáp nhập, đổi tên các phòng chuyên môn trực thuộc, đồng thời, công bố quyết định điều động, bổ nhiệm công chức theo tổ chức bộ máy mới.
Cụ thể, sáp nhập Văn phòng Sở và Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật thành Phòng Hành chính và Phổ biến pháp luật; đổi tên Phòng Hành chính và Bổ trợ tư pháp thành Phòng Bổ trợ tư pháp. Cơ cấu mới của đơn vị gồm 3 phòng: Phòng Xây dựng, Kiểm tra và Thi hành pháp luật; Phòng Hành chính và Phổ biến pháp luật; Phòng Bổ trợ tư pháp.
Ông Lê Thanh Hải, Giám đốc Sở Tư pháp Lai Châu cho biết: Việc tinh gọn tổ chức lần này không đơn thuần là giảm số lượng đầu mối mà còn thể hiện quyết tâm chính trị trong cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả công vụ, xây dựng nền hành chính phục vụ, minh bạch và hiện đại.
Giám đốc Sở Tư pháp Lai Châu nhấn mạnh: Việc sắp xếp tổ chức không chỉ là yêu cầu của thời kỳ đổi mới mà còn là cơ hội để mỗi cán bộ, công chức nhìn lại vai trò, trách nhiệm của mình. Giám đốc Sở Tư pháp Lai Châu mong muốn các đồng chí được phân công, bổ nhiệm lần này tiếp tục phát huy năng lực, tinh thần đoàn kết, tiên phong trong đổi mới hoạt động chuyên môn./.
Nguyễn Hải - Tống Bao - Thế Anh