Ngày 21/7, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Ngọc đã chủ trì buổi làm việc với một số đơn vị về Kế hoạch tuyên truyền Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Tư pháp lần thứ XII, nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Theo đó, Kế hoạch yêu cầu đảm bảo đúng chỉ đạo, định hướng chính trị, tư tưởng của cấp uỷ cấp trên, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm đúng quy định và phù hợp với điều kiện thực tế; thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức, lãng phí.
Đồng thời yêu cầu triển khai đa dạng các hình thức tuyên truyền, đổi mới, sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động tuyên truyền; gắn với tuyên truyền triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, của đất nước.
Kế hoạch tập trung tuyên truyền những chủ đề lớn, nội dung trọng tâm từ nay đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, trong đó có công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; tình hình, kết quả và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; tuyên truyền về các hoạt động đối ngoại, ngoại giao quan trọng của Đảng, Nhà nước.
Bên cạnh đó, tuyên truyền về đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Tư pháp lần thứ XII nhiệm kỳ 2025 - 2030; tuyên truyền ý nghĩa, tầm quan trọng của Đại hội XIV của Đảng, tập trung khẳng định và nêu bật tầm vóc, ý nghĩa lịch sử Đại hội XIV của Đảng là một dấu mốc quan trọng trên con đường phát triển của đất nước và dân tộc.
Toàn cảnh buổi làm việc.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Ngọc giao Báo Pháp luật Việt Nam là đơn vị “chủ lực” trong việc xây dựng và triển khai kịch bản báo cáo hình tại Đại hội Đảng bộ Bộ Tư pháp nhiệm kỳ 2025 - 2030. Theo Thứ trưởng, kịch bản báo cáo cần bám sát dự thảo Báo cáo chính trị, chuyển tải thành hình ảnh sinh động, có chiều sâu và truyền cảm hứng mạnh mẽ, trong đó phần mở đầu cần trích dẫn những phát biểu quan trọng của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhằm khơi dậy khát vọng phát triển và quyết tâm chính trị của đất nước.
Thứ trưởng lưu ý, kết quả nhiệm kỳ 2020 - 2025 cần được trình bày theo hướng nhận diện rõ bối cảnh “thời cơ và thách thức đan xen”, từ đó lựa chọn những thành tựu thực sự nổi bật. Những thành tựu đó không chỉ là kết quả điều hành nội bộ, mà là dấu ấn tham mưu chiến lược về thể chế pháp luật của Bộ Tư pháp với Trung ương, Chính phủ và đất nước.
Đặc biệt, phần nội dung đánh giá kết quả nhiệm kỳ cần làm nổi bật vai trò tham mưu của Bộ Tư pháp trong việc kiến tạo thể chế, góp phần tháo gỡ “điểm nghẽn của điểm nghẽn”. Trong đó, Nghị quyết 66 được xác định là một trong bốn Nghị quyết “tứ trụ” về phát triển đất nước, thể hiện rõ dấu ấn đóng góp của Bộ, ngành Tư pháp.
Thiên Thanh