Cổng Pháp luật Quốc gia được xây dựng với mục tiêu trở thành điểm truy cập chính thống, phục vụ người dân và doanh nghiệp trong việc tìm hiểu, hỏi đáp pháp luật, đảm bảo tính công khai, minh bạch và hiệu quả.
Ngày 23/5, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh đã làm việc với Ban Chỉ đạo phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06 về xây dựng Cổng Pháp luật quốc gia. Tại buổi làm việc, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị hoàn thiện các công việc với quyết tâm cao, nỗ lực lớn để dự kiến tới đây sẽ sớm khai trương Cổng.
Theo báo cáo của Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý tại buổi làm việc, Cổng Pháp luật quốc gia được xây dựng với mục tiêu trở thành điểm truy cập chính thống, phục vụ người dân và doanh nghiệp trong việc tìm hiểu, hỏi đáp pháp luật, đảm bảo tính công khai, minh bạch và hiệu quả.
Cổng Pháp luật quốc gia được thiết kế với các tính năng cơ bản như: Phục vụ kịp thời, đầy đủ chính xác việc tra cứu thông tin pháp luật của người dân, doanh nghiệp; Giải đáp các câu hỏi của người dân, doanh nghiệp về các nội dung, tình huống pháp luật mà người dân, doanh nghiệp quan tâm và thực hiện việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về văn bản quy phạm pháp luật trên môi trường số bảo đảm nhanh chóng, kịp thời, chính xác và phân định rõ trách nhiệm, nội dung, thời gian giải quyết của các cơ quan tổ chức, cá nhân có liên quan.
Các đại biểu tham dự buổi làm việc.
Hiện Cổng Pháp luật quốc gia đang tiếp tục được hoàn thiện các tính năng theo yêu cầu thực tiễn và chỉ đạo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp như: bổ sung phần Giới thiệu; Hệ thống văn bản pháp luật; Hỏi đáp pháp luật (giải đáp các khó khăn, vướng mắc cơ bản của người dân và doanh nghiệp; chat Chatbot AI); Phản ánh - Kiến nghị; Hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp; Hỏi đáp trực tuyến; Xây dựng chính sách, VBQPPL… Cổng Pháp luật quốc gia sẽ tích hợp với nền tảng VNeID để định danh, hỗ trợ người dân tiếp cận thông tin chính thống hai chiều.
Các đại biểu tham dự buổi làm việc.
Theo nhận định của Bộ Tư pháp, Cổng Pháp luật quốc gia không chỉ là kho dữ liệu, mà còn là công cụ hỗ trợ tương tác, phản hồi chính sách và nâng cao năng lực pháp lý cho doanh nghiệp.
Khi được triển khai hiệu quả, Cổng Pháp luật quốc gia không chỉ góp phần tháo gỡ “điểm nghẽn” về thể chế, mà còn trở thành một hạ tầng pháp lý chiến lược, thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân phát triển lành mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế.
Toàn cảnh buổi làm việc.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh đã nghe các đơn vị có liên quan báo cáo về việc xây dựng và tính năng của Cổng; tình hình vận hành thí điểm Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về văn bản quy phạm pháp luật.
Bộ trưởng ghi nhận khả năng xử lý khá hiệu quả của AI đối với những câu hỏi mà Bộ trưởng và các đại biểu đặt ra. Với dữ liệu được chuẩn hóa, khá đầy đủ và cập nhật của Luật Việt Nam, chatbot AI bước đầu đã thể hiện tiềm năng trở thành công cụ tương tác pháp luật, trả lời hiệu quả. Theo Bộ trưởng, đây là tiền đề quan trọng để Cổng Pháp luật quốc gia có thể phát huy vai trò là “trợ lý số” đáng tin cậy của người dân và doanh nghiệp trong thời đại chuyển đổi số.