Bộ Tư pháp tổ chức Đoàn công tác tại Hungary

16/12/2015
Bộ Tư pháp tổ chức Đoàn công tác tại Hungary

Hiện nay, Bộ Tư pháp được Chính phủ giao chủ trì soạn thảo dự án Luật tiếp cận thông tin (đã trình Quốc hội cho ý kiến về những nội dung cơ bản tại kỳ họp thứ 10, dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khóa XIII) và Luật Ban hành quyết định hành chính (dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa XIV). Đây là hai dự án luật quan trọng, phức tạp liên quan đến quyền con người, quyền công dân và để trực tiếp triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013. Nhằm có thêm thông tin, kinh nghiệm trong việc ban hành và thực thi Luật tiếp cận thông tin và Luật Ban hành quyết định hành chính, Bộ Tư pháp tổ chức Đoàn công tác liên ngành để khảo sát về 02 dự án Luật (từ ngày 14 đến ngày 17 tháng 12 năm 2015) tại Hungary, là nước đã ban hành Luật Tự do thông tin từ năm 1992 và luật thủ tục hành chính năm 1957. Đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng làm Trưởng đoàn và các thành viên là đại diện của  Ủy ban pháp luật của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ và đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.

Hungary thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam hơn 60 năm (từ ngày 3 tháng 2 năm 1950). Trong lĩnh vực tư pháp, hai nước đã ký Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự, gia đình và hình sự (đầu năm 1985), ký Hiệp định hợp tác phòng, chống tội phạm có tổ chức (1998). Tháng 11/2012,  Thoả thuận hợp tác giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Hành chính công và Tư pháp Hungary đã được ký kết nhân chuyến thăm Việt Nam của Ngài Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ hành chính công và tư pháp Hungary. Chuyến công tác của Đoàn tại Hungary lần này là một phần trong chương trình nhằm tăng cường quan hệ hợp tác trong công tác xây dựng pháp luật giữa hai nước Việt Nam – Hungary, đồng thời góp phần tạo thuận lợi cho việc ký kết Chương trình hợp tác giai đoạn 2016-2017 về pháp luật giữa hai nước tại Việt Nam vào đầu năm tới trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hungary.

Để tìm hiểu về việc bảo đảm quyền tự do thông tin, quy trình lưu giữ thông tin và bảo vệ thông tin nói chung, bảo vệ dữ liệu cá nhân nói riêng ở Hungary, Đoàn công tác đã có buổi làm việc với ông Attila Péterfalvi, Chủ tịch Cơ quan Quốc gia về bảo vệ dữ liệu và tự do thông tin Hungary. Luật tự do thông tin của Hungary năm 1992 quy định về 2 nội dung là bảo vệ bí mật cá nhân và quyền tiếp cận thông tin (thông thường được ban hành bằng hai đạo luật ở các quốc gia khác), ban đầu luật quy định về cơ chế bảo vệ bí mật cá nhân và quyền tiếp cận thông tin thông qua cơ chế Ombusman độc lập do Quốc hội bầu với nhiệm kỳ 6 năm. Đến năm 2002, để bảo vệ dữ liệu cá nhân, thông tin bí mật cá nhân và quyền tự do thông tin, khi sửa đổi Luật đã thành lập Cơ quan quốc gia về bảo vệ dữ liệu và tự do thông tin của Hungary với vị trí là cơ quan hành chính độc lập, trong cả nước chỉ có 1 cơ quan này, không tổ chức ở địa phương.  Để bảo đảm tính độc lập trong hoạt động của cơ quan này, không chịu ảnh hưởng và sức ép từ cơ quan khác, người đứng đầu cơ quan được Tổng thống bổ nhiệm trên cơ sở đề xuất của Thủ tướng Chính phủ với nhiệm kỳ 9 năm, tương đương bộ trưởng. Đội ngũ nhân sự gồm 68 người; có ngân sách hoạt động của cơ quan cũng độc lập, có quyền tự quyết sử dụng ngân sách trong các hoạt động của cơ quan. Hàng năm cơ quan này có báo cáo về kết quả hoạt động của mình gửi Ủy ban pháp luật của Quốc hội để cơ quan này thảo luận. Cơ quan này có hai thẩm quyền, thứ nhất là quyền quyết định trong xem xét các loại dữ liệu mật theo quy định của pháp luật, quyết định này là quyết định cuối cùng, có giá trị bắt buộc thực hiện trong phạm vi cả nước, thứ hai là quyền khuyến nghị đối với các cơ quan cung cấp thông tin trong việc bảo đảm quyền tự do thông tin, nếu cơ quan cung cấp thông tin không thực hiện theo khuyến nghị thì người yêu cầu cung cấp thông tin có thể kiện ra tòa án.

Bên cạnh đó, Cơ quan quốc gia về Bảo vệ dữ liệu và Tự do thông tin có quyền tiến hành một quy trình bảo vệ thông tin nếu cơ quan này nhận thấy việc xử lý dữ liệu cá nhân bất hợp pháp có thể gây ảnh hưởng tới nhiều cá nhân, liên quan tới các dữ liệu đặc biệt, có thể gây tổn hại lợi ích hoặc gây ra thiệt hại. Trường hợp nhận thấy thông tin cá nhân không chính xác hoặc có sự kiểm soát hoặc xử lý dữ liệu cá nhân một cách bất hợp pháp, … thì cơ quan này có quyền yêu cầu cơ quan cung cấp thông tin sửa đổi thông tin, yêu cầu chặn hoặc xóa hủy thông tin, cấm thực hiện hành vi bất hợp pháp và có thể xử phạt đối với các hành vi đó. Cơ quan này được phép tiến hành quy trình rà soát tính bảo mật thông tin khi nhận thấy các thông tin liên quan tới bí mật quốc gia; cung cấp dịch vụ kiểm tra bảo mật dữ liệu kiểm toán khi được các cơ quan, tổ chức khác yêu cầu.

Đoàn công tác cũng có buổi làm việc tại Bộ Tư pháp Hungary. Tại buổi làm việc, Quốc vụ khanh Pál Völner cùng với các cán bộ cấp Vụ của Bộ Tư pháp Hungary đã nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm xây dựng Luật tự do thông tin của Hungary. Theo pháp luật Hungary, quyền tự do thông tin được thể hiện dưới 2 góc độ được nhận, biết về thông tin và truyền bá thông tin mà mình biết, nhận được cho người khác, được áp dụng đối với tất cả các cá nhân, kể cả người nước ngoài sinh sống trên lãnh thổ Hungary. Cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin là tất cả các cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ công như cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan tự quản địa phương và bất kỳ cơ quan, tổ chức thực hiện dịch vụ công nào có sử dụng ngân sách nhà nước.

Không quan trọng thông tin được tồn tại dưới dạng nào, thông tin có thể là văn bản viết hoặc điện tử, ảnh, ghi âm,…đều phải được cung cấp. Việc cung cấp có thể dưới hai hình thức là cơ quan cung cấp thông tin chủ động công khai thông tin rộng rãi và cung cấp thông tin theo yêu cầu. Về nguyên tắc, các cơ quan có thông tin phải cung cấp thông tin cho người yêu cầu, bao gồm cả thông tin tạo ra và nhận được từ các cơ quan khác, hoặc từ EU. Đối với trường hợp nhận được thông tin từ EU, trước khi cung cấp phải hỏi ý kiến và được sự đồng ý của EU. Thông thường, cơ quan nhận được thông tin cung cấp thông tin mà mình nhận được dưới dạng nguyên bản. Cơ quan được yêu cầu cũng có quyền từ chối đối với yêu cầu cung cấp thông tin nếu phải xử lý, tổng hợp thông tin. Nếu việc tìm kiếm, thu thập thông tin mất nhiều thời gian thì phải tính chi phí cho việc xử lý thông tin nhưng phải thông báo trước cho người yêu cầu và nếu người yêu cầu đồng ý trả chi phí thì mới cung cấp thông tin. Nhìn chung, trừ thông tin về bí mật cá nhân và thông tin thuộc bí mật nhà nước còn các thông tin khác đều có thể công bố. Về nguyên tắc, thông tin thuộc bí mật cá nhân được bảo vệ nghiêm ngặt, tuy nhiên, thông tin về tên, chức vụ của các nhân viên Chính phủ thì vẫn phải được cung cấp… Bên cạnh các quy định về tự do thông tin, Luật tự do thông tin của Hungary điều chỉnh đồng thời việc bảo vệ thông tin thuộc dữ liệu cá nhân.

Ngoài ra, Bộ Tư pháp Hungary cũng cung cấp những thông tin quan trọng về các nội dung như: các lý do từ chối cung cấp thông tin, trình tự, thủ tục cung cấp thông tin, chi phí cung cấp thông tin, vấn đề khiếu kiện và mối quan hệ giữa Luật tự do thông tin và luật khác, …

Theo kế hoạch, Đoàn công tác sẽ tiếp tục chương trình làm việc với Quốc hội, Văn phòng Thị trưởng Budapest để tìm hiểu về kinh nghiệm xây dựng, thực thi hai đạo luật nêu trên.

          Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính


Chu Thị Thái Hà- Vụ Pháp luật hình sự hành chính