Ghi nhận nhiều đánh giá tích cực đối với Dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi)

20/04/2015
Thực hiện Quyết định số  01/QĐ-TTg ngày 02 tháng 01 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch của Chính phủ về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi), ngày 17/4/2015, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị khu vực phía Nam góp ý Dự thảo Báo cáo tổng hợp của Chính phủ về kết quả lấy ý kiến nhân dân và dự kiến tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) với sự tham gia của Bộ trưởng Hà Hùng Cường, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Kiều Đình Thụ cùng đại diện các cơ quan, tổ chức khu vực phía Nam (từ Đà Nẵng trở vào) như các Đoàn đại biểu quốc hội, Ủy ban nhân dân, Sở Tư pháp, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, đoàn luật sư, các giảng viên, nhà nghiên cứu đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu....

Ông Nguyễn Hồng Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế đã trình bày tóm tắt Dự thảo Báo cáo tổng hợp của Chính phủ về Kết quả lấy ý kiến nhân dân và dự kiến tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) (Dự thảo Báo cáo), trong đó sơ lược những hoạt động của các cơ quan, bộ, ngành đã triển khai như xây dựng kế hoạch lấy ý kiến, tổ chức góp ý vào Dự thảo, gửi văn bản góp ý về Bộ Tư pháp... Đặc biệt Dự thảo Báo cáo đã thông tin đầy đủ về việc triển khai lấy ý kiến nhân dân như hình thức lấy ý kiến rất đa dạng (thông qua việc đăng tải trên Báo Nhân dân, Cổng thông tin điện tử của Quốc hội, Bộ Tư pháp, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Cổng thông tin điện tử của cơ quan, Bộ, ngành; tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm; phát phiếu hỏi...). Đối tượng được lấy ý kiến cũng rất đa dạng, tính đến ngày 15 tháng 4 năm 2015 đã có hàng trăm nghìn lượt ý kiến về dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi), trải đều từ các cơ quan ở Trung ương đến các cơ quan, tổ chức ở địa phương; từ các cơ quan nhà nước đến các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo; từ các nhà quản lý nhà nước đến các nhà nghiên cứu, giảng viên, thẩm phán, công chứng viên, luật sư, trọng tài, chuyên gia y tế, đại diện các nhóm yếu thế trong xã hội…

Dự thảo Báo cáo cho thấy trên cơ sở ý kiến đóng góp của các cơ quan, Bộ, ngành cũng như tại các hội nghị, hội thảo, đa số đánh giá cao mục tiêu, quan điểm xây dựng dự án Bộ luật là phù hợp, nội dung dự thảo Bộ luật có nhiều đột phá quan trọng, góp phần triển khai thi hành các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013, các cam kết quốc tế của Việt Nam về tôn trọng, công nhận, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực dân sự, xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế. Qua đó, phát huy được vị trí, vai trò của Bộ luật dân sự thực sự trở thành luật chung, luật nền của hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội được hình thành trên nguyên tắc tự do, tự nguyện, bình đẳng và tự chịu trách nhiệm giữa các bên tham gia; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật của Nhà nước ta. Trong các quy định cụ thể, dự thảo Bộ luật đã có nhiều định hướng tốt để giải quyết một cách căn bản những bất cập tồn tại trong hệ thống pháp luật và trong thực tiễn kinh tế - xã hội của Việt Nam và yêu cầu hội nhập quốc tế. Dự thảo Bộ luật đã có cách tiếp cận phù hợp để Bộ luật dân sự là luật chung của hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội được hình thành trên nguyên tắc tự do, tự nguyện, bình đẳng và tự chịu trách nhiệm giữa các bên tham gia; vừa bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất, ổn định trong quy định của hệ thống pháp luật, vừa bảo đảm tính dự báo và ổn định lâu dài trong quy định của Bộ luật này. Qua đó, thể hiện được đường lối của Đảng, Nhà nước ta trong việc phát triển ổn định, bền vững kinh tế - xã hội của đất nước, bảo vệ quyền con người, quyền công dân và hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, bên cạnh những đánh giá tích cực nêu trên thì cũng có nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo Bộ luật vẫn còn lỗi về mặt kỹ thuật văn bản hoặc có nội dung chưa rõ ràng, không đồng bộ, chưa giải quyết được triệt để so với yêu cầu của thực tiễn. Những vấn đề này cần được nghiên cứu chỉnh lý để những định hướng mang tính cải cách trong dự thảo Bộ luật thực sự có tính khả thi, nhanh chóng đi vào cuộc sống khi được ban hành; bảo đảm quy định của Bộ luật dân sự là những chuẩn mực pháp lý trong ứng xử của người dân, trong việc cơ quan có thẩm quyền tôn trọng, công nhận, bảo đảm và bảo vệ quyền dân sự; bảo đảm hành lang pháp lý thuận lợi, an toàn, ít rủi ro hơn trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Các đại biểu tham gia Hội nghị đánh giá cao sự nỗ lực của Ban soạn thảo cũng như Biên tập trong việc nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý công phu, thể hiện rõ sự cầu thị, tiếp thu các ý kiến góp ý trong dự thảo Bộ luật. Các đại biểu cũng đã thẳng thắn góp ý trực tiếp vào từng điều luật, đặc biệt là một số vấn đề trọng tâm lấy ý kiến nhân dân. Cụ thể:

- Một số đại biểu đề nghị làm rõ cơ sở nào để tăng lãi suất trong hợp đồng vay tài sản từ 150% (BLDS 2005) lên 200% (dự thảo Bộ luật).

- Về hình thức sở hữu, bên cạnh một số ý kiến nhất trí với quy định sở hữu gồm 2 hình thức: riêng và chung hoặc 3 hình thức: toàn dân, riêng, chung, có đại biểu cho rằng nên quy định hai hình thức sở hữu là công hữu và tư hữu.

- Về chủ thể: hộ gia đình, tổ hợp tác luôn là vấn đề gây nhiều tranh luận. Bên cạnh hai quan điểm là tiếp tục quy định hộ gia đình, tổ hợp tác như dự thảo Bộ luật hoặc không quy định hộ gia đình, tổ hợp tác trong BLDS, một số đại biểu cho rằng nên giữ nguyên như BLDS hiện hành và bổ sung thêm một số quy định để giải quyết những vướng mắc trên thực tiễn như cơ chế hình thành nên gia đình, tổ hợp tác; biến động về thành viên; tài sản chung của hộ gia đình và tư cách của thành viên tham gia giao dịch (nếu thành viên tham gia giao dịch nhân danh hộ gia đình thì trách nhiệm thuộc hộ gia đình; nếu không nhân danh hộ gia đình thì trách nhiệm sẽ thuộc hộ gia đình nếu được các thành viên hộ gia đình đồng ý, sẽ thuộc trách nhiệm cá nhân thành viên đó nếu các thành viên hộ gia đình không đồng ý).

- Về điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi là vấn đề mới. Về nguyên tắc, hai bên phải căn cứ vào pháp luật nội dung để thỏa thuận, cam kết. Trong quá trình tòa án giải quyết tranh chấp mà điều chỉnh thì điều chỉnh như thế nào vì có thể không đúng với nội dung hợp đồng. Dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự chưa đặt thủ tục giải quyết trường hợp này.

- Về thời hiệu: các đại biểu nhất trí cách tiếp cận của Ban soạn thảo và Tổ biên tập sửa đổi về thời hiệu theo hướng bảo vệ quyền dân sự của người dân. Tuy nhiên, cần quy định rõ hơn về thời hiệu và gom về một mối, ví dụ về giao dịch, hợp đồng, thừa kế… và cân nhắc việc giữ hoặc bỏ thời hiệu khởi kiện.

Theo kế hoạch, Hội nghị khu vực phía Bắc góp ý Dự thảo Báo cáo tổng hợp của Chính phủ về kết quả lấy ý kiến nhân dân và dự kiến tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) sẽ được tổ chức vào ngày 20/4/2015 tại Hà Nội với thành phần tham dự tương tự như Hội nghị phía Nam.