Phiên họp lần thứ II Ban Chỉ đạo Dự án phát triển lập pháp quốc gia

27/03/2015
Phiên họp lần thứ II Ban Chỉ đạo Dự án phát triển lập pháp quốc gia
Sáng nay (27/03), tại Hà Nội, Bộ Tư pháp phối hợp với Đại sứ quán Canada tổ chức phiên họp lần thứ II Ban Chỉ đạo Dự án phát triển lập pháp quốc gia (NLD). Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng và Giám đốc hợp tác, Bộ Ngoại giao, Thương mại và Phát triển Canada Brian Proskurniak đồng chủ trì phiên họp.

Thứ trưởng Đinh Trung Tụng cho biết, cuộc họp lần đầu tiên của Ban Chỉ đạo Dự án NLD được tổ chức vào tháng 05/2013 đã thông qua văn kiện Dự án, nội dung Kế hoạch tổng thể của Dự án và Kế hoạch hoạt động Giai đoạn I của Dự án NLD. Phiên họp lần thứ nhất đã tập trung nghiên cứu đổi mới quy trình xây dựng chính sách trong xây dựng pháp luật đồng thời thống nhất Giai đoạn II của Dự án NLD sẽ kéo dài 6 năm tiếp theo với sự tham gia mở rộng của các đối tác liên quan và các hoạt động cụ thể sẽ được xây dựng trên cơ sở xem xét kết quả hoạt động của Giai đoạn I.

   

Đề cập đến nội dung của phiên họp lần này, Thứ trưởng đặc biệt nhấn mạnh về một số nội dung như: thông tin về định hướng công tác xây dựng pháp luật trong thời gian tới sau khi Quốc hội Việt Nam đã thông qua Hiến pháp năm 2013; cho ý kiến về kết quả hoạt động Giai đoạn I, thảo luận và thông qua dự thảo kế hoạch hoạt động Giai đoạn II của Dự án NLD.

Nhận định việc Việt Nam ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng và sẽ trở thành thành viên của Cộng đồng kinh tế ASEAN, Giám đốc Brian Proskurniak cho rằng, trong thời gian tới, hệ thống pháp luật Việt Nam sẽ phải minh bạch hơn, dễ hiểu, dễ tiếp cận hơn để đáp ứng được nhu cầu cụ thể của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật cũng cần phải phù hợp với các cam kết quốc tế. Dự án NLD sẽ góp phần giúp đỡ, hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu này. Việc xem xét thông qua Báo cáo của Ban quản lý Dự án Bộ Tư pháp Giai đoạn I, Báo cáo đánh giá của cơ quan thực hiện Dự án Canada về quy trình lập pháp ở Việt Nam sẽ xác định được điểm mạnh, điểm yếu, những việc cần phải thực hiện trong việc xây dựng chính sách và pháp luật, từ đó có thể xác định được những việc cần thực hiện trong Giai đoạn II này. Giám đốc Brian Proskurniak cũng cho biết, Dự án NLD có nhiều hỗ trợ quan trọng cho việc xây dựng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (BHVBQPPL) của Việt Nam, Luật này sẽ góp phần quan trọng trong việc cải thiện năng lực xây dựng văn bản quy phạm pháp luật ở Việt Nam.

   

Đồng tình với Giám đốc Brian Proskurniak, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Nguyễn Hồng Tuyến khẳng định, Luật BHVBQPPL rất quan trọng và còn được gọi là “công nghệ làm luật”, dự kiến tháng 5/2015 Quốc hội sẽ thông qua Luật này. Vụ trưởng Nguyễn Hồng Tuyến đánh giá, Dự án NLD đã thành công bước đầu trong việc hỗ trợ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam, trong đó có Luật BHVBQPPL. Sau khi Luật BHVBQPPL được Quốc hội thông qua, sẽ có rất nhiều vấn đề được đặt ra, trong đó có việc xây dựng Kế hoạch triển khai đồng bộ thi hành Luật này. Ông Tuyến mong rằng, Dự án NLD sẽ hỗ trợ một số hoạt động lập pháp quốc gia để tiến nhanh đến việc hoàn thiện hệ thống pháp luật và đẩy nhanh việc xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam.

Dự án NLD do Chính phủ Canada tài trợ được thực hiện trong 07 năm, bắt đầu từ tháng 05/2013. Dự án được thiết kế để hỗ trợ bốn giai đoạn cơ bản của quá trình làm luật; lập kế hoạch; phân tích chính sách; soạn thảo luật và liên kết, hệ thống hóa pháp luật.

Các đối tác Việt Nam thực hiện Dự án bao gồm: Bộ Tư pháp; Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; Văn phòng Chính phủ; Bộ Tài chính; Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Bộ Công thương. Cơ quan thực hiện Dự án của Canada bao gồm: Liên minh giữa Hiệp hội Luật sư Canada, Bộ Tổng chưởng lý Bang Ontario và Công ty Luật Stikeman Elliott LLP.

Hoàng Vy Anh