Họp với các Bộ, ngành liên quan về Dự án Luật Tố tụng hành chính

26/03/2015
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng vừa chủ trì cuộc họp với các Bộ, ngành liên quan về Dự án Luật Tố tụng hành chính. Tại cuộc họp, vấn đề có quy định hay không điểm dừng trong tố tụng hành chính tiếp tục nhận được những ý kiến khác nhau.

Luật Tố tụng hành chính năm 2010 được đánh giá là đã góp phần rất lớn đối với việc nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án hành chính, tạo ra một khung pháp lý vững chắc cho hoạt động tố tụng. Trong đó, Luật đã quy định chặt chẽ về thời hạn, trình tự đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đảm bảo các sai lầm nghiêm trọng trong việc xét xử của Tòa án được khắc phục kịp thời, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

Trước khi có Luật, thực tiễn công tác giám đốc thẩm của TANDTC cũng đã phát hiện trường hợp Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC có sai lầm nghiêm trọng, do vậy Luật đã quy định về thủ tục đặc biệt xem xét lại Quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC. Tuy nhiên, sau 3 năm thi hành Luật đến nay, qua giải quyết hơn 15,1 nghìn vụ việc theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm và giám đốc thẩm thì không phát hiện ra Quyết định giám đốc thẩm nào của Hội đồng Thẩm phán TANDTC phải xem xét lại theo thủ tục đặc biệt. Vì thế, việc duy trì thủ tục đặc biệt xem xét lại Quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC không còn hợp lý, làm giảm niềm tin của nhân dân vào hệ thống Tòa án nói riêng và hệ thống cơ quan nhà nước nói chung nên TANDTC - cơ quan chủ trì xây dựng Dự án Luật Tố tụng hành chính sửa đổi đề nghị cân nhắc bãi bỏ thủ tục này.

Bên cạnh đó, thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm nên chỉnh sửa tương tự như trong tố tụng dân sự để đảm bảo việc thống nhất, tương đồng giữa các ngành tố tụng cũng như cách hiểu của người dân. Ngoài ra, cần thu hẹp đối tượng có quyền đề nghị xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Cụ thể, Tòa án, Viện kiểm sát, cá nhân, cơ quan, tổ chức khác chỉ có quyền đề nghị xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm khi phát hiện bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án có vi phạm pháp luật và xâm phạm quyền lợi của người thứ ba hoặc lợi ích của Nhà nước.

Đáng chú ý, vấn đề thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm cũng được đề xuất mở rộng theo hướng Hội đồng giám đốc thẩm có quyền sửa một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật khi xét thấy cần thiết, giúp cho việc giải quyết không bị quay vòng nhiều lần, tốn kém về chi phí cũng như làm mất thời gian của đương sự. Cơ quan soạn thảo Dự án Luật sửa đổi lý giải rằng Quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC có sai lầm là sự việc hy hữu và nếu có thì có thể nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm quốc tế về cách giải quyết hợp lý như quy định trách nhiệm bồi thường nhà nước theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại, đồng thời vẫn bảo đảm tinh thần tố tụng cần có điểm dừng nhằm ổn định các quan hệ xã hội, quan hệ tài sản.

Tại cuộc họp với một số Bộ, ngành dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Đinh Trung Tụng, có ý kiến nhất trí với định hướng trên. Tuy nhiên, đa số ý kiến cho rằng trong điều kiện hiện nay, việc giữ như quy định hiện hành về thủ tục này có yếu tố hợp lý, đảm bảo bảo vệ triệt để quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.        

                                                      Thục Quyên