Chi bộ Cục Công nghệ thông tin sinh hoạt chuyên đề về triển khai Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị

05/05/2025
Chi bộ Cục Công nghệ thông tin sinh hoạt chuyên đề về triển khai Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị
Sáng 05/5, Chi bộ Cục Công nghệ thông tin đã thực hiện sinh hoạt chuyên đề quán triệt, triển khai Nghị quyết số 66-NQ/TW (gọi tắt là Nghị quyết số 66) của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Dự sinh hoạt chuyên đề có đồng chí Phạm Quang Hiếu, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng ủy Bộ Tư pháp, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin; đồng chí Tạ Thành Trung, Bí thư Chi bộ, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin; đồng chí Phạm Đức Dụ, Phó Bí thư Chi bộ, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và toàn thể đảng viên Chi bộ Cục Công nghệ thông tin.
Nghị quyết số 66 là chuyên đề rất đặc biệt được ban hành vào ngày 30/4/2025 - trong bối cảnh cả nước kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Đất nước và cũng trong thời điểm Bộ, ngành Tư pháp được giao nhiều nhiệm vụ nặng nề, nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội mới. 
 
Đồng chí Tạ Thành Trung, Bí thư Chi bộ Cục Công nghệ thông tin 
 
Tại buổi sinh hoạt, Bí thư Chi bộ Tạ Thành Trung đã nêu một số nội dung quan trọng của Nghị quyết số 66 như: Năm 2025, cơ bản hoàn thành việc tháo gỡ những “điểm nghẽn” do quy định pháp luật. Năm 2027, hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản pháp luật bảo đảm cơ sở pháp lý đồng bộ cho hoạt động của bộ máy nhà nước theo mô hình chính quyền 3 cấp. Năm 2028, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh, góp phần đưa môi trường đầu tư của Việt Nam nằm trong nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN. Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam có hệ thống pháp luật chất lượng cao, hiện đại, tiệm cận chuẩn mực, thông lệ quốc tế tiên tiến và phù hợp với thực tiễn đất nước, được thực hiện nghiêm minh, nhất quán, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân, thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội, quản trị quốc gia hiện đại với bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045.
Đồng chí Tạ Thành Trung cũng nhắc đến bảy (07) nhiệm vụ, giải pháp lớn của Nghị quyết gồm: 1. Bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật, phát huy cao độ tính Đảng trong xây dựng và thi hành pháp luật; 2. Đổi mới tư duy, định hướng xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực phát triển; 3. Tạo đột phá trong công tác thi hành pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực và hiệu quả; gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng và thi hành pháp luật; 4. Nâng cao hiệu quả công tác hợp tác quốc tế, pháp luật quốc tế; 5. Xây dựng giải pháp đột phá nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật; 6. Tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật; 7. Thực hiện cơ chế tài chính đặc biệt cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật.
Đồng chí Tạ Thành Trung đề nghị các đảng viên Chi bộ tiếp tục nghiên cứu quan điểm chỉ đạo và các nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết số 66, trong đó nhấn mạnh về nhiệm vụ tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Đồng chí cũng đề nghị Chi bộ tiếp tục triển khai sâu rộng phong trào "học tập số" - đây không chỉ là nội dung được nhắc tới trong Nghị quyết số 66 mà còn là một trong những nhiệm vụ giải pháp được đề cập trong Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia nhằm phổ cập, nâng cao kiến thức khoa học, công nghệ, kiến thức số cho cán bộ đảng viên, công chức, viên chức, người lao động của Cục. 
 
Đồng chí Nguyễn Trung Dũng, Chi ủy viên, Trưởng phòng Phòng Chuyển đổi số.
 
Trao đổi, thảo luận tại buổi sinh hoạt, đồng chí Nguyễn Trung Dũng, Chi ủy viên, Trưởng phòng Phòng Chuyển đổi số đã có bài tham luận về các giải pháp thực nhiệm vụ có liên quan đến hoạt động công nghệ thông tin, chuyển đổi số được giao cho Cục Công nghệ thông tin chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan để triển khai như: 1. Xây dựng Nghị quyết của Ban Thường vụ Đảng uỷ Bộ Tư pháp về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng ủy Bộ Tư pháp về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; 2. Xây dựng Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu lớn về pháp luật; 3. Xây dựng Đề án ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong công tác xây dựng, kiểm tra và rà soát văn bản quy phạm pháp luật; 4. Triển khai xây dựng Nền tảng số pháp luật Việt Nam; 5. Ban hành Kiến trúc Chính phủ số Bộ Tư pháp với những hoạt động xây dựng, phát triển và ứng dụng cơ sở dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo trong hoạt động chuyển đổi số của Bộ, ngành Tư pháp… Đề xuất các giải pháp thực hiện, đồng chí Nguyễn Trung Dũng cũng nhấn mạnh, đây là các nhiệm vụ lớn và mới đòi hỏi cần tập trung trí tuệ và các nguồn lực của toàn thể Cục để triển khai thực hiện.
 
  
Đồng chí Phạm Quang Hiếu, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng ủy Bộ Tư pháp, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin 
 
Nhất trí với các nội dung trong buổi sinh hoạt, đồng chí Phạm Quang Hiếu, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng ủy Bộ Tư pháp, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin đánh giá, trong thời điểm hiện nay, công nghệ thông tin và chuyển đổi số phải “gánh vác” nhiều vai trò, đồng thời cũng là một trong các nhiệm vụ, giải pháp quan trọng trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Đồng chí đề nghị các đảng viên và lãnh đạo chủ chốt phải nhận diện đúng các nhiệm vụ được giao, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu để đảm bảo tiến độ, chất lượng công việc. Theo đồng chí, “chăm chỉ” là chưa đủ mà đòi hỏi cán bộ đảng viên phải tiếp tục “thay đổi cách nghĩ, cách làm có tính đột phá, đổi mới và không chờ đợi” mới đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Trên cơ sở các nội dung trao đổi, thảo luận, Bí thư Chi bộ Tạ Thành Trung ghi nhận và thống nhất các ý kiến tại buổi sinh hoạt, đồng thời nhấn mạnh việc duy trì các hoạt động sinh hoạt thường xuyên và sinh hoạt chuyên đề nhằm kịp thời cập nhật và chỉ đạo triển khai các văn bản, chủ trương, định hướng của Bộ Chính trị và Đảng ủy Bộ Tư pháp. 
 
An Như (thực hiện)