Hoàn thiện pháp luật tương trợ tư pháp về dân sự theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế

Hoàn thiện pháp luật tương trợ tư pháp về dân sự theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế

Chiều 13/11, Bộ Tư pháp tổ chức phiên họp thẩm định đề nghị xây dựng Luật Tương trợ tư pháp (Luật TTTP) về dân sự. Thứ trưởng Trần Tiến Dũng chỉ trì phiên họp.
Góp phần rút ngắn thời gian, tạo thuận lợi cho quá trình xét xử các vụ việc có yếu tố nước ngoài
Phát biểu tại phiên họp, đồng chí Phạm Hồ Hương - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Quốc tế, Bộ Tư pháp cho biết Luật TTTP được ban hành ngày 21/11/2007 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2008, đã tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động hợp tác với nước ngoài về tương trợ tư pháp (TTTP)  trong cả 4 lĩnh vực: dân sự, hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù. Hoạt động TTTP thời gian quan có nhiều chuyển biến, góp phần rút ngắn thời gian, tạo thuận lợi cho quá trình xét xử các vụ việc có yếu tố nước ngoài và đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia; qua đó góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội để phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Luật TTTP đã thể chế hoá đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tăng cường hội nhập quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp cũng như nội luật hoá các cam kết quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực này.
 

Đồng chí Phạm Hồ Hương - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Quốc tế trình bày tóm tắt nội dung Tờ trình.

Tuy vậy, sau hơn 15 năm thực hiện, để đáp ứng những yêu cầu mới phát sinh của quá trình hội nhập quốc tế, yêu cầu của cải cách pháp luật, cải cách tư pháp và chuyển đổi số cũng như thực tiễn phát triển của hoạt động TTTP, Luật TTTP đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập như Luật TTTP điều chỉnh chung cả bốn lĩnh vực dân sự, hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù nhưng mỗi lĩnh vực lại có đối tượng, phạm vi điều chỉnh với tính chất đặc thù riêng, mục đích và tính chất, nguyên tắc hợp tác khác nhau; chủ thể yêu cầu, chủ thể thực hiện, trình tự, thủ tục, thời gian thực hiện các yêu cầu TTTP trong từng lĩnh vực hoàn toàn độc lập và khác nhau; ….
Vì vậy, việc xây dựng đạo luật riêng về TTTP về dân sự là cần thiết nhằm hoàn thiện pháp luật TTTP về dân sự theo hướng hiện đại, khả thi, thúc đẩy hợp tác quốc tế, hỗ trợ quy trình giải quyết các vụ việc dân sự (theo nghĩa rộng) có yếu tố nước ngoài và vụ án hành chính được nhanh chóng, chính xác và hiệu quả; giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đối tượng có liên quan, tăng cường khả năng thực hiện quyền tiếp cận công lý của người dân; tạo nền tảng cho việc ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế về TTTP trong lĩnh vực dân sự.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện yêu cầu TTTP về dân sự
 

Đồng chí Trần Anh Đức - Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật
Phát biểu tại phiên họp, đại diện Bộ Ngoại giao đánh giá dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật đáp ứng các quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao ủng hộ việc xây dựng điều khoản riêng tại dự thảo đề cương Luật liên quan đến việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại, trong đó, quy định theo hướng kế thừa Điều 4 của Luật TTTP 2007 và bổ sung thêm nội dung “cơ quan có thẩm quyền Việt Nam có thể từ chối thực hiện TTTP về dân sự cho nước ngoài khi có căn cứ cho thấy phía nước ngoài không thực hiện TTTP về dân sự cho Việt Nam”. Ngoài ra, để hoàn thiện Hồ sơ, tại Chính sách 2, đồng chí đề nghị xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đầu mối cũng như những có quan có thẩm quyền thực hiện TTTP về dân sự để đảm bảo đồng bộ với Luật trong 3 lĩnh vực còn lại về hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù.
 

Đại diện Bộ Ngoại giao
 
Còn đại diện Toà án nhân dân tối cao cho biết, về cơ bản, đồng chí nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật, phạm vi điều chỉnh và ba chính sách lớn của dự án Luật. Đồng chí cho biết thêm, Luật TTTP năm 2007 và Luật Tố tụng hành chính năm 2010 không đề cập đến TTTP trong quá trình giải quyết vụ án hành chính. Tuy nhiên, Luật Tố tụng hành chính năm 2015 quy định về việc uỷ thác tư pháp ra nước ngoài theo pháp luật về TTTP. Vì vậy, đồng chí đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu bổ sung về TTTP trong quá trình giải quyết vụ án hành chính vào dự án Luật.
 

Đại diện Toà án nhân dân tối cao.
 
Đánh giá cao các ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng nhấn mạnh đây là đạo Luật rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh hội nhập sâu rộng của đất nước. Vì vậy, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo phải đánh giá kỹ, chi tiết những kết quả đã đạt được, những tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật TTTP nói chung và các quy định về TTTP trong lĩnh vực dân sự nói riêng; từ đó xác định rõ phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật TTTP về dân sự. Ngoài ra, cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát thêm các cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý; bổ sung các nghị quyết của Trung ương, của Đảng, của Bộ Chính trị liên quan đến TTTP về dân sự.
 

Thứ trưởng Trần Tiến Dũng phát biểu kết luận phiên họp.

Về 3 chính sách được đề xuất, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo điều chỉnh tên các chính sách để phù hợp với nội dung; tham khảo, nghiên cứu thêm các kinh nghiệm quốc tế liên quan. Thứ trưởng nhấn mạnh, nội dung các chính sách phải rõ ràng, cụ thể; thể hiện được công tác phân cấp, phân quyền; hướng tới giảm thủ tục hành chính cho các cơ quan nhà nước, tổ chức, công dân; đồng thời cho ý kiến cụ thể về việc số hoá các yêu cầu TTTP về dân sự, tiến tới chuyển đổi số quy trình thực hiện.
Anh Thư - Trung tâm Thông tin
​​​