Nghị định số 22/2017/NĐ-CP về hòa giải thương mại

02/03/2017
Ngày 24 tháng 02 năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 22/2017/NĐ-CP về hòa giải thương mại.
Theo đó, Nghị định này quy định về phạm vi, nguyên tắc, trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại, hòa giải viên thương mại, tổ chức hòa giải thương mại, tổ chức hòa giải thương mại nước ngoài tại Việt Nam và quản lý nhà nước về hoạt động hòa giải thương mại. Việc các bên tranh chấp tự hòa giải hoặc đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân khác không phải là hòa giải viên thương mại, tổ chức hòa giải thương mại, tổ chức hòa giải thương mại nước ngoài tại Việt Nam quy định tại Nghị định này làm trung gian hòa giải được thực hiện theo thỏa thuận của các bên phù hợp với quy định pháp luật, không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này. Nghị định áp dụng đối với hòa giải viên thương mại, tổ chức hòa giải thương mại, tổ chức hòa giải thương mại nước ngoài tại Việt Nam, cơ quan quản lý nhà nước về hòa giải thương mại và tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động hòa giải thương mại.
Về phạm vi giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại gồm: Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại; Tranh chấp giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại và Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng hòa giải thương mại.
Về nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại: Nghị định quy định, các bên tranh chấp tham gia hòa giải hoàn toàn tự nguyện và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ. Các thông tin liên quan đến vụ việc hòa giải phải được giữ bí mật, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác. Nội dung thỏa thuận hòa giải không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ, không xâm phạm quyền của bên thứ ba.
Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp sử dụng hòa giải thương mại để giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực thương mại và các tranh chấp khác mà pháp luật quy định được giải quyết bằng hòa giải thương mại và khuyến khích huy động các nguồn lực tham gia hoạt động hòa giải thương mại, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực hòa giải viên thương mại tổ chức hòa giải thương mại.
Tranh chấp được giải quyết bằng hòa giải thương mại nếu các bên có thỏa thuận hòa giải. Các bên có thể thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng hòa giải trước, sau khi xảy ra tranh chấp hoặc tại bất cứ thời điểm nào của quá trình giải quyết tranh chấp.
Tiêu chuẩn hòa giải viên thương mại
Người có đủ tiêu chuẩn sau đây thi được làm hòa giải viên thương mại: Có đầy đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự; có phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín, độc lập, vô tư, khách quan; Có trình độ đại học trở lên và đã qua thời gian công tác trong lĩnh vực được đào tạo từ 02 năm trở lên; Có kỹ năng hòa giải, hiểu biết pháp luật, tập quán kinh doanh, thương mại và các lĩnh vực liên quan.
Hòa giải viên thương mại được thực hiện hòa giải thương mại với tư cách là hòa giải viên thương mại vụ việc hoặc hòa giải viên thương mại của tổ chức hòa giải thương mại theo quy định tại Nghị định này.
Tổ chức hòa giải thương mại có thể quy định tiêu chuẩn hòa giải viên thương mại của tổ chức mình cao hơn các tiêu chuẩn quy định trên.
Người đang là bị can, bị cáo, người đang chấp hành án hình sự hoặc đã chấp hành xong bản án nhưng chưa được xóa án tích; người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc thì không được làm hòa giải viên thương mại.
Quyền, nghĩa vụ của hòa giải viên thương mại
Theo Nghị định, hòa giải viên thương mại có các quyền sau đây: Chấp nhận hoặc từ chối thực hiện hoạt động hòa giải thương mại; Từ chối cung cấp thông tin liên quan đến vụ tranh chấp, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bằng văn bản hoặc theo quy định của pháp luật; Được hưởng thù lao từ việc thực hiện hoạt động hòa giải thương mại theo thỏa thuận với các bên tranh chấp; Các quyền khác theo quy định của Nghị định này và của pháp luật có liên quan.
Hòa giải viên thương mại có các nghĩa vụ: Tuân thủ pháp luật, quy tắc đạo đức và ứng xử của hòa giải viên thương mại; độc lập, vô tư, khách quan, trung thực; Tôn trọng thỏa thuận của các bên nếu thỏa thuận đó không vi phạm pháp luật và không trái đạo đức xã hội; Bảo vệ bí mật thông tin về vụ tranh chấp mà mình tham gia hòa giải, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bằng văn bản hoặc theo quy định của pháp luật; Thông báo cho các bên về thẩm quyền, thù lao và chi phí trước khi tiến hành hòa giải; Không được đồng thời đảm nhiệm vai trò đại diện hay tư vấn cho một trong các bên, không được đồng thời là trọng tài viên đối với cùng vụ tranh chấp đang hoặc đã tiến hành hòa giải, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác; Các nghĩa vụ khác theo quy định của Nghị định này và của pháp luật có liên quan.
Những hành vi bị cấm đối với hòa giải viên thương mại
Nghị định cũng quy định một số hành vi bị cấm đối với hòa giải viên thương mại như sau: Cấm tiết lộ thông tin về vụ việc, khách hàng mà mình biết được trong quá trình hòa giải, trừ trường hợp được các bên tranh chấp đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác; Vi phạm quy tắc đạo đức hòa giải viên thương mại; Nhận, đòi hỏi thêm bất kỳ một khoản tiền, lợi ích nào khác từ các bên ngoài khoản thù lao và chi phí đã thỏa thuận và các hành vi bị cấm khác theo quy định của pháp luật.
Trình tự, thủ tục tiến hành hòa giải
Các bên có quyền lựa chọn Quy tắc hòa giải của tổ chức hòa giải thương mại để tiến hành hòa giải hoặc tự thỏa thuận trình tự, thủ tục hòa giải. Trường hợp các bên không có thỏa thuận về trình tự, thủ tục hòa giải thì hòa giải viên thương mại tiến hành hòa giải theo trình tự, thủ tục mà hòa giải viên thương mại thấy phù hợp với tình tiết vụ việc, nguyện vọng của các bên và được các bên chấp thuận. Tranh chấp có thể do một hoặc nhiều hòa giải viên thương mại tiến hành theo thỏa thuận của các bên. Tại bất kỳ thời điểm nào trong quá trình hòa giải, hòa giải viên thương mại đều có quyền đưa ra đề xuất nhằm giải quyết tranh chấp. Địa điểm, thời gian hòa giải được thực hiện theo thỏa thuận của các bên hoặc theo lựa chọn của hòa giải viên thương mại trong trường hợp các bên không có thỏa thuận.
Thủ tục thành lập Trung tâm hòa giải thương mại
Công dân Việt Nam có đủ tiêu chuẩn hòa giải viên thương mại quy định tại Nghị định này muốn thành lập Trung tâm hòa giải thương mại gửi 01 bộ hồ sơ đến Bộ Tư pháp. Hồ sơ bao gồm: Giấy đề nghị thành lập Trung tâm hòa giải thương mại theo mẫu do Bộ Tư pháp ban hành; Danh sách sáng lập viên; Giấy tờ chứng minh sáng lập viên đủ tiêu chuẩn hòa giải viên thương mại quy định tại Khoản 1 Điều 7 Nghị định này; Dự thảo Quy tắc hòa giải của Trung tâm. Nội dung của Quy tắc hòa giải của Trung tâm không được trái quy định của pháp luật.
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Tư pháp cấp Giấy phép thành lập cho Trung tâm hòa giải thương mại; trường hợp từ chối thì phải thông báo lý do bằng văn bản. Người bị từ chối có quyền khiếu nại, khởi kiện theo quy định của pháp luật.
Đăng ký hoạt động Trung tâm hòa giải thương mại
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày quyết định cấp Giấy phép thành lập của Trung tâm hòa giải thương mại có hiệu lực, Trung tâm gửi hồ sơ đăng ký hoạt động đến Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi Trung tâm đặt trụ sở. Hết thời hạn này, nếu Trung tâm hòa giải thương mại không đăng ký hoạt động thì Giấy phép thành lập không còn giá trị, trừ trường hợp có lý do chính đáng.
Hồ sơ đăng ký hoạt động Trung tâm hòa giải thương mại bao gồm: Giấy đề nghị đăng ký hoạt động theo mẫu do Bộ Tư pháp ban hành; Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu Giấy phép thành lập Trung tâm; Giấy tờ chứng minh về trụ sở của Trung tâm.
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp cấp Giấy đăng ký hoạt động cho Trung tâm hòa giải thương mại; trường hợp từ chối thì phải thông báo lý do bằng văn bản. Sở Tư pháp gửi bản sao Giấy đăng ký hoạt động của Trung tâm hòa giải thương mại cho Bộ Tư pháp.
Trung tâm hòa giải thương mại được hoạt động kể từ ngày được cấp Giấy đăng ký hoạt động. Trung tâm hòa giải thương mại được sử dụng con dấu theo quy định của pháp luật.
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy đăng ký hoạt động, Trung tâm hòa giải thương mại phải đăng báo hằng ngày của Trung ương hoặc báo địa phương nơi đăng ký hoạt động trong ba số liên tiếp về những nội dung chủ yếu như: Tên, địa chỉ trụ sở của Trung tâm hòa giải thương mại; Lĩnh vực hoạt động của Trung tâm hòa giải thương mại; Số Giấy đăng ký hoạt động, cơ quan cấp, ngày, tháng, năm cấp; Thời điểm bắt đầu hoạt động của Trung tâm hòa giải thương mại.
Điều kiện, hình thức hoạt động của tổ chức hòa giải thương mại nước ngoài tại Việt Nam
Tổ chức hòa giải thương mại nước ngoài được thành lập và hoạt động hợp pháp tại nước ngoài, tôn trọng Hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì được phép hoạt động tại Việt Nam theo quy định của Nghị định này.
Tổ chức hòa giải thương mại nước ngoài hoạt động tại Việt Nam dưới các hình thức sau đây: Chi nhánh của tổ chức hòa giải thương mại nước ngoài; Văn phòng đại diện của tổ chức hòa giải thương mại nước ngoài.
Quyền và nghĩa vụ của chi nhánh, văn phòng đại diện của tổ chức hòa giải thương mại nước ngoài tại Việt Nam
Nghị định quy định, chi nhánh của tổ chức hòa giải thương mại nước ngoài tại Việt Nam có một số quyền và nghĩa vụ sau: 1- Được thuê trụ sở phục vụ cho hoạt động của chi nhánh; 2- Tuyển dụng lao động là người Việt Nam, người nước ngoài để làm việc tại chi nhánh theo quy định của pháp luật; 3- Mở tài khoản bằng đồng Việt Nam, bằng ngoại tệ tại ngân hàng được phép hoạt động tại Việt Nam để phục vụ cho hoạt động của chi nhánh; 4- Chuyển thu nhập của chi nhánh ra nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam; 5- Có con dấu theo quy định của pháp luật; 6- Hoạt động đúng mục đích, phạm vi và thời hạn được quy định trong Giấy phép thành lập chi nhánh; 7- Chỉ định hòa giải viên thực hiện hòa giải theo ủy quyền của tổ chức hòa giải thương mại nước ngoài; 8- Cung cấp dịch vụ hòa giải thương mại;9- Lưu trữ hồ sơ, cung cấp các bản sao kết quả hòa giải theo yêu cầu của các bên tranh chấp hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền; 10- Báo cáo về tổ chức và hoạt động hòa giải thương mại với Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi chi nhánh đăng ký hoạt động định kỳ hàng năm và khi có yêu cầu; 11- Các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Ngoài một số quyền, nghĩa vụ như của chi nhánh (1,2,3,4,5,11), Văn phòng đại diện còn có quyền tìm kiếm, thúc đẩy các cơ hội hoạt động hòa giải thương mại tại Việt Nam; Không được thực hiện hoạt động hòa giải thương mại tại Việt Nam; chỉ được thực hiện các hoạt động xúc tiến, quảng bá hoạt động hòa giải thương mại theo quy định của pháp luật Việt Nam. Báo cáo về tổ chức và hoạt động hòa giải thương mại với Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi văn phòng đại diện đặt trụ sở định kỳ hàng năm và khi có yêu cầu.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 4 năm 2017.