Quy định về quản lý, cải tạo và phục hồi môi trường khu vực đất bị ô nhiễm tồn lưu

02/11/2016
Vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư số 30/2016/TT-BTNMT về quản lý, cải tạo và phục hồi môi trường khu vực đất bị ô nhiễm tồn lưu.
Thông tư này quy định chi tiết điểm a, điểm b, khoản 3 Điều 107 Luật Bảo vệ môi trường; khoản 3, khoản 4 Điều 13 Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (sau đây gọi tắt là Nghị định số 19/2015/NĐ-CP), bao gồm: Tiêu chí phân loại khu vực đất bị ô nhiễm tồn lưu; Hướng dẫn thực hiện hoạt động cải tạo và phục hồi môi trường khu vực đất bị ô nhiễm tồn lưu; Kiểm tra, xác nhận hoàn thành việc cải tạo và phục hồi môi trường khu vực đất bị ô nhiễm tồn lưu.
Thông tư này áp dụng đối với cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài (sau đây gọi tắt là tổ chức, cá nhân) có hoạt động liên quan đến cải tạo và phục hồi môi trường khu vực đất bị ô nhiễm tồn lưu.
Phân loại khu vực bị ô nhiễm
Khu vực bị ô nhiễm được phân loại theo 03 (ba) mức độ rủi ro:
1. Mức độ rủi ro thấp là khu vực có tổng điểm trọng số của các tiêu chí dưới 40 điểm.
2. Mức độ rủi ro trung bình là khu vực có tổng điểm trọng số của các tiêu chí từ 40 điểm đến 60 điểm.
3. Mức độ rủi ro cao là khu vực có tổng điểm trọng số của các tiêu chí trên 60 điểm.
Nội dung kiểm soát khu vực bị ô nhiễm
Nội dung kiểm soát khu vực bị ô nhiễm bao gồm:
a) Thông báo công khai, cảnh báo và duy trì cảnh báo khu vực bị ô nhiễm;
b) Khoanh vùng, cô lập, cách ly nhằm ngăn ngừa các chất gây ô nhiễm lan truyền ra môi trường xung quanh;
c) Truyền thông, nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân liên quan, cộng đồng sống xung quanh khu vực bị ô nhiễm;
d) Theo dõi, quan trắc định kỳ chất lượng môi trường tại khu vực bị ô nhiễm và môi trường xung quanh; công bố thông tin về chất lượng môi trường.
Nội dung của phương án xử lý ô nhiễm
Nội dung chính của phương án xử lý ô nhiễm bao gồm:
a) Thông tin chung về khu vực bị ô nhiễm;
b) Kết quả điều tra và đánh giá mức độ rủi ro của khu vực bị ô nhiễm;
c) Lựa chọn phương thức xử lý tại chỗ hoặc vận chuyển đến địa điểm xử lý theo quy định;
d) Biện pháp kỹ thuật, công nghệ giảm thiểu hoặc loại bỏ các chất gây ô nhiễm tồn lưu tại khu vực bị ô nhiễm;
đ) Giám sát, kiểm soát trong và sau xử lý;
e) Lộ trình và kế hoạch thực hiện phương án xử lý ô nhiễm.
Nội dung chi tiết của phương án xử lý ô nhiễm được quy định tại Phụ lục 6 ban hành kèm theo Thông tư này.
Các trường hợp phải lập lại phương án xử lý ô nhiễm
Tổ chức, cá nhân phải lập lại phương án xử lý ô nhiễm trong các trường hợp sau:
a) Thay đổi quy hoạch sử dụng đất tại thời điểm triển khai thực hiện phương án xử lý ô nhiễm;
b) Thay đổi quy mô, phương thức, biện pháp kỹ thuật và công nghệ xử lý so với phương án xử lý ô nhiễm đã được phê duyệt.
Hồ sơ, nội dung, trình tự kiểm tra, xác nhận hoàn thành cải tạo và phục hồi môi trường
Hồ sơ đề nghị kiểm tra, xác nhận hoàn thành cải tạo và phục hồi môi trường
a) 01 (một) văn bản đề nghị xác nhận hoàn thành cải tạo và phục hồi môi trường khu vực bị ô nhiễm theo mẫu tại Phụ lục 8 ban hành kèm theo Thông tư này;
b) 03 (ba) báo cáo hoàn thành cải tạo và phục hồi môi trường khu vực bị ô nhiễm theo mẫu quy định tại Phụ lục 9 ban hành kèm theo Thông tư này;
c) Biên bản tổng hợp ý kiến của cộng đồng dân cư về việc hoàn thành cải tạo, phục hồi môi trường khu vực bị ô nhiễm.
Nội dung, trình tự kiểm tra, xác nhận hoàn thành cải tạo và phục hồi môi trường
a) Xem xét nội dung báo cáo hoàn thành cải tạo và phục hồi môi trường khu vực bị ô nhiễm theo quy định tại Phụ lục 9 ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Lựa chọn đơn vị đủ năng lực có chức năng lấy và phân tích mẫu theo quy định của pháp luật;
c) Tổ chức đoàn kiểm tra, đánh giá thực tế (thành phần có đại diện Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường).
Kinh phí kiểm tra, xác nhận hoàn thành cải tạo và phục hồi môi trường được bố trí từ nguồn chi sự nghiệp môi trường.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2016.