Ngành Tư pháp sẽ kịp thời phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí trong trường hợp đột xuất

15/08/2016
Thay thế Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Bộ Tư pháp ban hành kèm theo Quyết định số 10/2007/QĐ-BTP (gọi tắt là Quy chế 10), mới đây Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Bộ Tư pháp và Hệ thống Thi hành án dân sự (kèm theo Quyết định số 1431/QĐ-BTP, gọi tắt là Quy chế số 1431) với nhiều sửa đổi, bổ sung. Những nội dung đáng chú ý của Quy chế 1431 là giao cho 5 đơn vị thuộc Bộ chủ động cung cấp thông tin cho báo chí trong phạm vi, nhiệm vụ được giao và ngành sẽ có trách nhiệm phát ngôn, cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho báo chí trong các trường hợp đột xuất.
Chưa có quy định liên quan đến hoạt động thi hành án dân sự
Quá trình thực hiện Quy chế 10 của Bộ Tư pháp cho thấy, công tác phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí đã đi vào nền nếp, mang tính chất chuyên nghiệp; được thực hiện một cách thường xuyên, kịp thời cung cấp cho báo chí về các hoạt động nổi bật của ngành Tư pháp. Việc cung cấp thông tin trong các trường hợp đột xuất được thực hiện tốt, bảo đảm kịp thời định hướng dư luận...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện Quy chế cũng còn một số hạn chế như chưa làm rõ quyền và nghĩa vụ của người phát ngôn và người được ủy quyền phát ngôn trong việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; còn một số trường hợp cán bộ, công chức, viên chức Bộ Tư pháp cung cấp thông tin, trả lời phỏng vấn của báo chí với tư cách cá nhân nhưng được hiểu là phát ngôn của Bộ Tư pháp...
Ngoài ra, trong những năm gần đây, công tác thi hành án dân sự (THADS) có bước phát triển vượt bậc, khẳng định được vai trò trong đời sống xã hội nên ngày càng thu hút sự quan tâm của đông đảo quần chúng nhân dân, các cơ quan, tổ chức, trong đó có các cơ quan báo chí. Mặt khác, nhiều vụ việc thi hành án có tính chất phức tạp cần có phát ngôn, cung cấp thông tin để định hướng dư luận, góp phần tuyên truyền mục đích, ý nghĩa và vai trò của công tác THADS đến các tầng lớp nhân dân.
Hơn nữa, việc báo chí phản ánh một chiều dễ gây hiểu nhầm về công tác THADS; nhiều vụ việc các cơ quan THADS không chủ động cung cấp thông tin hoặc không có kinh nghiệm gặp gỡ cơ quan báo chí dẫn đến thông tin không được linh hoạt, kịp thời. Trong khi đó, Quy chế 10 lại chưa có quy định về việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí ở các cơ quan THADS trên địa bàn mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Hoạt động này đang được thực hiện theo Công văn số 2558/TCTHADS-VP  ngày 31/7/2015 của Tổng cục THADS về việc  thực hiện việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí tại các cơ quan THADS nên còn có những trường hợp chưa kịp thời cung cấp thông tin cho báo chí để  định hướng dư luận. Việc cung cấp thông tin cho báo chí ở các cơ quan THADS chưa được thực hiện thường xuyên, chưa bài bản, chưa tổ chức họp báo định kỳ.
Để khắc phục những tồn tại của hoạt động phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Bộ Tư pháp trong thời gian qua, đồng thời tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác này trong thời gian tới, Bộ Tư pháp đã xây dựng, ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí thay thế Quy chế 10. Quy chế mới gồm 3 chương, 12 điều, được rà soát, đảm bảo phù hợp với quy định tại Quy chế số 25 của Thủ tướng Chính phủ và các nội dung tương ứng tại Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 cùng các văn bản quy phạm pháp luật khác về các thông tin không được tiếp cận, chủ thể cung cấp thông tin.
Giao quyền chủ động cung cấp thông tin cho 5 đơn vị thuộc Bộ
Nhằm đảm bảo việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của cơ quan THADS trên địa bàn mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo đúng quy định, Quy chế 1431 đã bổ sung về Người phát ngôn, Người được ủy quyền phát ngôn của cơ quan THADS trên địa bàn mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; quyền, trách nhiệm của các chủ thể này. Không những thế, để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, Quy chế mới còn quy định chi tiết hơn về Người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; quy trình, thủ tục ủy quyền phát ngôn cũng như quyền, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước trong việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí và một số nội dung khác.
Cụ thể, Người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Bộ Tư pháp gồm Bộ trưởng Bộ Tư pháp; Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp là Người phát ngôn và cung cấp thông tin thường xuyên cho báo chí của Bộ Tư pháp. Trong trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ủy quyền cho người có trách nhiệm thuộc Bộ phát ngôn (Người được ủy quyền phát ngôn của Bộ Tư pháp) hoặc phối hợp cùng Người phát ngôn của Bộ Tư pháp để phát ngôn hoặc cung cấp thông tin cho báo chí về những vấn đề cụ thể được giao.
Người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của cơ quan THADS trên địa bàn mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong trường hợp cần thiết, Cục trưởng Cục THADS ủy quyền cho người khác có trách nhiệm thuộc Cục hoặc Chi cục trưởng Chi cục THADS cấp huyện trực thuộc (Người được ủy quyền phát ngôn của cơ quan THADS trên địa bàn cấp tỉnh) phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí về những vấn đề cụ thể được giao.
Người phát ngôn cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí tại Bộ Tư pháp về các nội dung chủ yếu sau: Tình hình ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo quy định tại Thông tư số 12/2013/TT-BTP ngày 07/8/2013 của Bộ Tư pháp; Các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng, văn bản hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp; Tình hình và kết quả hoạt động của Bộ Tư pháp trên các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp; Kế hoạch, chương trình công tác của Bộ Tư pháp; Các nội dung khác liên quan đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tư pháp khi cần thiết.
Việc tổ chức cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí tại Bộ Tư pháp được thực hiện định kỳ hàng tháng cung cấp thông tin cho báo chí trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp (http://www.moj.gov.vn); cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho Cổng thông tin điện tử Chính phủ theo quy định hiện hành. Trong vòng 10 ngày đầu của mỗi quý, Bộ Tư pháp tổ chức họp báo để cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí. Trường hợp cần thiết, Bộ Tư pháp thực hiện cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí bằng văn bản dưới hình thức Thông cáo báo chí hoặc thông tin trực tiếp tại các cuộc họp giao ban do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức và tại các buổi họp báo Chính phủ thường kỳ do Văn phòng Chính phủ tổ chức.
Tại cơ quan THADS trên địa bàn cấp tỉnh, hàng tháng, Người phát ngôn của Cơ quan THADS tổ chức cung cấp, cập nhật thông tin trên trang tin điện tử của Cục THADS tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong vòng 10 ngày đầu của mỗi quý, Cục trưởng Cục THADS tổ chức họp báo để cung cấp thông tin định kỳ về công tác THADS, thi hành án hành chính trên địa bàn cho báo chí.
Trong một số trường hợp đột xuất, Người phát ngôn hoặc Người được ủy quyền phát ngôn của Bộ Tư pháp, Cục trưởng Cục THADS hoặc Người được ủy quyền phát ngôn của cơ quan THADS trên địa bàn cấp tỉnh có trách nhiệm phát ngôn và cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho báo chí. Việc cung cấp thông tin cho báo chí trong trường hợp đột xuất được thực hiện theo một hoặc một số hình thức như thông tin trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp, Báo Pháp luật Việt Nam điện tử, các cơ quan báo chí quan tâm; thông tin trên Trang thông tin điện tử của Cục THADS; tổ chức họp báo; thông tin bằng văn bản; trả lời phỏng vấn trực tiếp hoặc qua điện thoại; thông tin qua thư điện tử và các hình thức khác theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt, Quy chế 1431 nêu rõ: “Tổng cục trưởng Tổng cục THADS, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội thuộc Bộ Tư pháp chủ động cung cấp thông tin cho báo chí về hoạt động chuyên môn nghiệp vụ theo từng lĩnh vực chuyên ngành được giao phụ trách hoặc trong phạm vi và phù hợp với tính chất nhiệm vụ được giao (đối với Trường Đại học Luật Hà Nội). Trong trường hợp cung cấp thông tin về những vấn đề phức tạp, nhạy cảm, cần báo cáo Bộ trưởng Bộ Tư pháp thông qua Người phát ngôn của Bộ”. Quy chế cũng nhấn mạnh, cá nhân các đơn vị thuộc cơ quan Bộ và cơ quan THADS trên địa bàn mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định của pháp luật nhưng không được nhân danh Bộ Tư pháp, cơ quan THADS.
H.Thư
Đại diện các đơn vị hoan nghênh và đánh giá cao việc ban hành Quy chế mới cho phép chủ động cung cấp thông tin cho báo chí theo lĩnh vực chuyên ngành được giao phụ trách. Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính Ngô Hải Phan cho rằng, việc ban hành Quy chế 1431 thể hiện sự quan tâm của Bộ trưởng trong việc kịp thời cung cấp ra bên ngoài những thông tin về hoạt động chuyên môn nghiệp vụ của một số đơn vị, nhằm tạo sự đồng thuận của dư luận xã hội với công tác của Bộ, ngành Tư pháp. Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Đồng Ngọc Ba kỳ vọng, Quy chế sẽ góp phần tích cực của các đơn vị được chủ động cung cấp thông tin cho báo chí trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, góp phần vào thành tích chung của Bộ, ngành.
 
Các trường hợp từ chối cung cấp thông tin cho báo chí
1. Những vấn đề thuộc bí mật nhà nước, bí mật công vụ; những vấn đề bí mật thuộc nguyên tắc và quy định của Đảng; những vấn đề không thuộc quyền hạn phát ngôn theo quy định của pháp luật.
2. Thông tin liên quan đến các vụ án đang được điều tra hoặc chưa xét xử, trừ trường hợp cần thông tin trên báo chí những vấn đề giúp cho hoạt động điều tra và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm được tiến hành thuận lợi, khách quan, đúng pháp luật.
3. Các vụ việc đang trong quá trình thanh tra chưa có kết luận thanh tra; các vụ việc đang trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo; những vấn đề tranh chấp, mâu thuẫn giữa các cơ quan nhà nước đang trong quá trình giải quyết, chưa có kết luận chính thức của người có thẩm quyền mà theo quy định của pháp luật chưa được phép công bố.
4. Những văn bản chính sách, đề án đang trong quá trình soạn thảo mà theo quy định của pháp luật chưa được cấp có thẩm quyền cho phép công bố.
5. Các trường hợp thông tin công dân không được tiếp cận theo quy định của pháp luật.
(trích Điều 6, Quy chế Phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Bộ Tư pháp và Hệ thống THADS ban hành kèm theo Quyết định số 1431/QĐ-BTP)