Từ ngày 01/7/2018 số lượng văn bản quy định chi tiết nợ ban hành lại tăng cao

03/07/2018
Từ ngày 01/7/2018 số lượng văn bản quy định chi tiết  nợ ban hành lại tăng cao
Trong những năm qua, công tác xây dựng thể chế pháp luật của Chính phủ đã có nhiều cải cách, tiến bộ, đặc biệt trong xây dựng các dự án luật, pháp lệnh, các báo cáo, đề án. Năm 2017 là năm đầu tiên sau nhiều năm Chính phủ không còn nợ đọng văn bản chi tiết xây dựng luật, pháp lệnh; đồng thời Quốc hội cũng ghi nhận, đánh giá cao việc trước khi khai mạc Quốc hội, Chính phủ đã hoàn thành và trình Quốc hội toàn bộ các văn kiện, báo cáo. Mặc dù đạt nhiều kết quả trong công tác này nhưng cạnh đó vẫn còn một số tồn tại đòi hỏi phải khắc phục để thực hiện được phương châm xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính và phục vụ nhân dân.
Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2018, Bộ Tư pháp đã báo cáo Chính phủ về tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh 6 tháng đầu năm 2018 và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018 (Báo cáo số 150/BC-BTP ngày 29/6/2018 của Bộ Tư pháp).
Theo đó, trong công tác theo dõi tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH, Bộ Tư pháp thường xuyên phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tình hình. Căn cứ báo cáo của Bộ Tư pháp, tại các Phiên họp Chính phủ thường kỳ cũng như Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, Thủ tướng Chính phủ đều kiểm điểm công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, ban hành văn bản quy định chi tiết, nêu tên và nhắc nhở các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ để xảy ra tình trạng nợ văn bản; đề cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, thường xuyên kiểm tra, kiểm điểm, có hình thức xử lý nghiêm minh, kịp thời tình trạng chậm tiến độ và không đảm bảo chất lượng văn bản…
Kết quả, mặc dù vẫn còn tình trạng nợ ban hành văn bản quy định chi tiết nhưng số lượng văn bản nợ ban hành đã giảm dần qua các năm. Đặc biệt là năm 2017 đã chấm dứt nợ văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên sang năm 2018, tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết việc thi hành luật, pháp lệnh tiếp tục diễn ra. Theo báo cáo, tính đến ngày 29/6/2018, vẫn còn 11 văn bản (04 nghị định, 01 quyết định, 04 thông tư, 02 thông tư liên tịch) nợ ban hành quy định chi tiết 09 luật, pháp lệnh đã có hiệu lực, thuộc trách nhiệm xây dựng, ban hành của các Bộ: Tài chính; Công Thương; Thông tin và Truyền thông; Công an; Lao động - Thương binh và Xã hội; Nội vụ; Kế hoạch và Đầu tư.
Cùng với đó từ ngày 01/7/2018 sẽ có thêm 19 văn bản (11 nghị định, 08 thông tư) quy định chi tiết 06 luật có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2018 đến nay các bộ: Tài Chính; Công an; Quốc phòng; Công Thương; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Kế hoạch và Đầu tư; Ngoại giao chưa ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành sẽ rơi vào tình trạng nợ ban hành.
Như vậy, kể từ ngày 01/7/2018, số văn bản nợ ban hành sẽ là 30 văn bản (15 nghị định, 01 quyết định, 12 thông tư, 02 thông tư liên tịch) quy định chi tiết 16 luật, pháp lệnh đã có hiệu lực; số lượng văn bản nợ ban hành thuộc trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là 16 văn bản – số nợ lớn nhất từ đầu năm đến nay.
Đề xuất giải pháp để khắc phục tình trạng nợ ban hành văn bản quy định chi tiết hiện nay, Báo cáo của Bộ Tư pháp cũng nêu một số các kiến nghị cụ thể:
- Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo, đôn đốc các bộ đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, trình, ban hành văn bản, khắc phục tình trạng xin lùi thời hạn trình và nợ ban hành văn bản; tổ chức Phiên họp chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật tháng 7/2018 để cho ý kiến và thảo luận các nội dung liên quan đến công tác xây dựng pháp luật.
- Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong xây dựng pháp luật.
- Tăng cường công tác phối hợp giữa các đơn vị chuyên môn với tổ chức pháp chế; giữa các bộ với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ; bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ giữa công tác xây dựng với công tác thi hành pháp luật.
Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật