Nâng cao nhận thức về dân chủ và thực hành dân chủ

04/05/2018
Đây là một trong những giải pháp của Kế hoạch thực hiện Quy chế dân chủ trong hoạt động của Bộ Tư pháp năm 2018

Theo Quyết định số 743/QĐ-BTP, năm 2018, Bộ Tư pháp tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ và giải pháp lớn. Theo đó:
1. Tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội, nhất là người đứng đầu, cán bộ, đảng viên Bộ Tư pháp về dân chủ và thực hành dân chủ. Trong đó, Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của Bộ Tư pháp về thực hiện quy chế dân chủ, trọng tâm là các quan điểm chỉ đạo của Đảng nêu trong Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị khóa VIII, Kết luận số 120-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI; quy định của Chính phủ tại Nghị định số 04/2015/NĐ-CP; Thông tư số 01/2016/TT-BNV của Bộ trưởng Bộ Nội vụ; và quy định của Bộ Tư pháp tại Quyết định số 92/QĐ-BTP ngày 19/01/2016 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của Bộ Tư pháp, gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, Nghị quyết Trung ương 6, Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, Quyết định số 99-QĐ/TW của Ban Bí thư khóa XII, các chỉ thị, nghị quyết về công tác dân vận, phong trào thi đua... Các cấp ủy Đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải trực tiếp lãnh đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ quan, đơn vị. Tăng cường sự phối hợp giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện. Phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên.
2. Đẩy mạnh việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ quan Bộ Tư pháp, đảm bảo thực chất, hiệu quả
Tiếp tục chỉ đạo thực hiện Nghị định số 04/2015/NĐ-CP của Chính phủ; Thông tư số 01/2016/TT-BNV của Bộ Nội vụ hướng dẫn một số nội dung của Nghị định số 04/2015/NĐ-CP; Quyết định số 92/QĐ-BTP của Bộ trưởng Bộ Tư pháp bảo đảm thiết thực, hiệu quả, trong đó tập trung: Hoàn thiện thể chế nội bộ; Thực hiện dân chủ trong quản lý và điều hành hoạt động; trong quản lý, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức; Duy trì việc tổ chức các cuộc họp giao ban của Bộ; Nghiên cứu, giải quyết những kiến nghị của cán bộ, công chức, viên chức đã được nêu tại Hội nghị đại biểu cán bộ, công chức, viên chức Bộ Tư pháp năm 2018; Tổ chức Hội nghị đại biểu cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Bộ Tư pháp và của các đơn vị thuộc Bộ năm 2018.
3. Gắn việc thực hiện QCDC với thực hiện cải cách hành chính, cải tiến lề lối làm việc, tác phong của cán bộ, công chức, viên chức ở cơ quan Bộ Tư pháp
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, công khai, minh bạch các quy định, quy trình, cơ chế, chính sách; Giáo dục đạo đức công vụ, chấn chỉnh phong cách, lề lối làm việc, nâng cao tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Tổ chức đánh giá định kỳ hàng năm đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc cơ quan Bộ Tư pháp theo trình tự, thủ tục quy định tại Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức; Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức; Nghị định số 56/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức và Nghị định số 88/2017/NĐ-CP ngày 27/7/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2015/NĐ-CP của Chính phủ.
4. Tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng, trách nhiệm của chính quyền, người đứng đầu trong thực hiện QCDC ở cơ sở; đẩy mạnh hoạt động tiếp xúc, đối thoại trực tiếp
5. Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện QCDC ở Bộ Tư pháp
Các tổ chức chính trị - xã hội của Bộ Tư pháp tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động; thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên, của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và công dân; Đẩy mạnh hoạt động giám sát, phản biện xã hội, nhất là những vấn đề có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và công dân.
6. Tiếp tục kiện toàn, đổi mới hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ trong hoạt động của Bộ Tư pháp
Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ trong hoạt động của Bộ Tư pháp tiếp tục kiện toàn Ban Chỉ đạo và Tổ thư ký; phân công nhiệm vụ cho các thành viên; xây dựng, ban hành Quy chế hoạt động, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo; tăng cường hướng dẫn, trao đổi kinh nghiệm, kiểm tra; thực hiện đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng, hiệu quả chương trình hoạt động, kế hoạch đã đề ra.
Năm 2018, Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ trong hoạt động của Bộ Tư pháp sẽ tổ chức việc kiểm tra tình hình thực hiện dân chủ trong hoạt động đối với 100% các đơn vị thuộc Bộ (trong đó, kiểm tra trực tiếp tiếp đối với 6- 8 đơn vị; 100% các đơn vị còn lại tự kiểm tra và báo cáo kết quả tự kiểm tra) nhằm đảm bảo việc tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở Bộ Tư pháp đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thực chất, tránh hình thức; kiểm tra tình hình thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.