“Ngành Tư pháp hãy đề cao trách nhiệm, đoàn kết, nỗ lực, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”

19/03/2018
“Ngành Tư pháp hãy đề cao trách nhiệm, đoàn kết, nỗ lực, hoàn thành  xuất sắc nhiệm vụ được giao”
Ngày 17/3, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ra Thông cáo đặc biệt báo tin nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải từ trần và quyết định tổ chức tang lễ đồng chí Phan Văn Khải với nghi thức Quốc tang trong 02 ngày 20/3/2018 và ngày 21/3/2018.
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải được nhìn nhận một vị Thủ tướng “một lòng vì dân, một đời vì nước”. Trong thời gian giữ cương vị Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng Phan Văn Khải đã dành một sự quan tâm sâu sắc đối với Ngành Tư pháp. Đặc biệt, tại Hội nghị triển khai công tác tư pháp toàn quốc năm 2005 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã đến dự buổi khai mạc và có bài phát biểu quan trọng đối với Ngành Tư pháp, trong đó thúc giục “Ngành Tư pháp hãy đề cao trách nhiệm, đoàn kết, nỗ lực, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”.
Ghi nhận nhiều kết quả đạt được của Ngành Tư pháp
Thủ tướng Chính phủ đánh giá năm 2004, đất nước ta có thuận lợi cơ bản do kế thừa những thành tựu phát triển từ những năm trước, nhưng cũng là năm chúng ta phải đương đầu với nhiều khó khăn to lớn. Với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, đất nước ta đã duy trì được nhịp độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao, giữ được ổn định chính trị, an ninh quốc phòng được củng cố, đời sống của nhân dân được cải thiện, vị thế của nước ta trên trường quốc tế được nâng cao. Trong thành tựu chung đó, Ngành Tư pháp có những đóng góp quan trọng. Bộ Tư pháp cùng với các tổ chức pháp chế của các bộ, ngành và các cơ quan tư pháp địa phương đã hoàn thành một khối lượng công việc khá lớn về xây dựng, thẩm định và kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật. Qua thực tiễn xây dựng pháp luật, trình độ chuyên môn và nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ Ngành Tư pháp được năng lên một bước, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển đất nước và chủ động hội nhập quốc tế.
Chấp hành Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, Ngành Tư pháp đã tích cực phối hợp với các bộ, các ngành hữu quan tổ chức triển khai kịp thời và bước đầu thu được kết quả tốt. Theo đề xuất của Bộ Tư pháp, ngày 16/12/2004, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình hành động quốc gia phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn từ năm 2005 đến 2010. Công tác thi hành án dân sự cũng có những tiến bộ. Sáu giải pháp lớn của Chính phủ về nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự đã được Bộ Tư pháp tích cực triển khai. Số lượng án tồn đọng đang có xu hướng giảm dần, số người tự nguyện thi hành án tăng lên. Nhiều cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương đã thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi hành án dân sự, không coi vấn đề thi hành án dân sự chỉ là nhiệm vụ riêng của cơ quan tư pháp. Toàn ngành đã có nhiều cố gắng trong cải cách hành chính, quan tâm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong đăng ký khai sinh, đăng ký hôn nhân thực tế, kết hôn với người nước ngoài, công chứng, chứng thực, góp phần tạo thuận lợi cho làm ăn, sinh sống của người dân. Những nhiệm vụ của Chính phủ liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị đã được Ngành Tư pháp quán triệt và thực hiện nghiêm túc với các chương trình, kế hoạch và đề án cụ thể, nhất là trong lĩnh vực xây dựng pháp luật đào tạo cán bộ và nghiên cứu khoa học pháp lý.
Thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như: Trong lĩnh vực thi hành án dân sự vấn đề tồn đọng án chưa được giải quyết dứt điểm; công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật còn nhiều hạn chế về chất lượng và tiến độ; khiếu nại, tố cáo vượt cấp của công dân trong hoạt động tư pháp vẫn chưa chấm dứt; hoạt động hành chính - bổ trợ tư pháp chưa đáp ứng được yêu cầu nguyện vọng chính đáng của người dân.
Trong chỉ đạo điều hành chưa kiên quyết triển khai các giải pháp có tính đột phá để tạo ra sự chuyển biến rõ rệt trong công việc; một bộ phận cán bộ còn yếu kém về năng lực, chậm đổi mới về tư duy, thậm chí tiêu cực; cấp dưới còn thụ động, trông chờ ý kiến của cấp trên khi giải quyết công việc thuộc thẩm quyền, gây chậm trễ, phiền hà cho nhân dân... Ngành cần nhận thức rõ những khuyết điểm và tồn tại và đề ra được các giải pháp và kiên quyết chỉ đạo thực hiện nhằm sớm khắc phục những khuyết điểm này.
Định hướng công tác tư pháp cho những năm tiếp theo
Năm 2005 là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, đồng thời là năm có vai trò quyết định trong việc hoàn thành các mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2001- 2005. Để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2005 đã được Quốc hội thông qua, tại kỳ họp cuối năm 2004, Chính phủ đã đề ra một số giải pháp chủ yếu cần tập trung chỉ đạo, điều hành nhằm tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế cả về tốc độ và chất lượng, nâng cao hiệu quả đầu tư, chống thất thoát, lãng phí, ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục cải cách hành chính, đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng.
Mỗi bộ, ngành và địa phương cần xác định chương trình công tác cụ thể, chỉ đạo kiên quyết và thực hiện có hiệu quả theo chương trình và kế hoạch đề ra.
Theo tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu Ngành Tư pháp:
Một là, năm 2005, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo để có được những chuyển biến trong những công việc then chốt của quản lý nhà nước, đặc biệt là xây dựng, hoàn chỉnh thể chế và kiểm tra chặt chẽ việc thực hiện thể chế. Trong điều kiện chúng ta vừa phải xây dựng thể chế, vừa phải điều chỉnh nhằm bảo đảm sự thích ứng với luật pháp quốc tế và cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, thì nhiệm vụ này càng nặng nề. Chính phủ quyết tâm thực hiện đúng tiến độ chương trình xây dựng luật và pháp lệnh. Trong phạm vi chức năng và nhiệm vụ của mình, Bộ Tư pháp cần tích cực tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo thực hiện chương trình xây dựng pháp luật, đồng thời cần chủ động phối hợp với các bộ, ngành có liên quan triển khai các biện pháp đổi mới toàn diện công tác xây dựng pháp luật, nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật theo tinh thần Quyết định số 909 ngày 14/8/2003 của Thủ tướng Chính phủ, tích cực triển khai thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân vừa được Quốc hội thông qua cuối năm 2004. Thực hiện công tác thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp phải giúp Chính phủ, Quốc hội, ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn thiện các dự thảo văn bản cả về chất lượng và tiến độ, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất và đồng bộ của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong cả nước.
Phải huy động được trí tuệ tập thể, kinh nghiệm và hiểu biết của các chuyên gia vào công tác soạn thảo, thẩm định, kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật. Chấm dứt tình trạng kéo dài quá hạn việc thẩm định văn bản cũng như việc chậm trễ ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh.
Bộ Tư pháp phải tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, ủy ban nhân dân các địa phương chỉ đạo các tổ chức pháp chế, các cơ quan tư pháp các cấp trong việc xây dựng thể chế, đổi mới công tác thẩm định và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; phát hiện kịp thời những bất cập của thể chế, báo cáo Chính phủ để có những biện pháp xử lý phù hợp.
 Hai là, Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 10 của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ ra những định hướng quan trọng về củng cố và phát triển các cơ quan tư pháp trong những năm tới. Thời gian qua, Ngành Tư pháp đã thực hiện có kết quả một số công việc. Các đồng chí cần tiếp tục nghiên cứu đề xuất các giải pháp nhằm đẩy mạnh cải cách tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp, như hoàn thiện chính sách đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong tình hình mới, đặc biệt là các loại tội phạm có tổ chức, tội phạm tham nhũng; xây dựng cơ chế bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả giữa các cơ quan tư pháp trong thực hiện nhiệm vụ; giải quyết tốt khiếu nại, tố cáo của công dân từ cấp cơ sở để giảm dần và tiến tới chấm dứt tình trạng khiếu nại vượt cấp; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều kiện làm việc cho các cơ quan tư pháp. Ngành Tư pháp cần đề xuất được các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự, khắc phục tình trạng án tồn đọng, giải quyết dứt điểm số vụ việc thi hành án phức tạp, khiếu nại kéo dài. Trước mắt, cần tập trung triển khai tốt Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 và khẩn trương soạn thảo Bộ luật Thi hành án để sớm trình Quốc hội cho ý kiến. Cần phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương trong chỉ đạo công tác thi hành án dân sự. Thực tiễn cho thấy, sự quan tâm chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tư pháp Trung ương với cấp ủy, chính quyền địa phương là yếu tố rất quan trọng, tạo nên sự chuyển biến rõ rệt của công tác thi hành án dân sự theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp vững về chính trị, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ là đảm bảo quan trọng cho cải cách tư pháp đạt kết quả. Bộ Tư pháp cần chỉ đạo Học viện Tư pháp phối hợp với các đơn vị chức năng của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao sớm hoàn thiện chương trình, nội dung về đào tạo thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư, chấp hành viên; đặc biệt quan tâm việc xây dựng đội ngũ giảng viên có năng lực, có phẩm chất tốt và đẩy mạnh công tác đào tạo để đến năm 2010 chúng ta có đội ngũ cán bộ chức danh tư pháp đủ về số lượng và có chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cải cách tư pháp và hội nhập kinh tế quốc tế theo mục tiêu Chính phủ đã đề ra.
Ngành Tư pháp phải khẩn trương sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực hoạt động bổ trợ tư pháp và hành chính tư pháp theo hướng công khai; minh bạch, đơn giản và thuận tiện cho người dân. Cần rà soát để hủy bỏ ngay những quy định về hộ tịch, công chứng gây phiền hà, thậm chí tạo kẽ hở, phát sinh tiêu cực trong đăng ký, cải chính hộ tịch, công chứng, chứng thực... Đồng thời, phải tiếp tục nghiên cứu để từng bước xã hội hóa hoạt động công chứng, chứng thực. Trong năm 2005, phải nghiên cứu để thực hiện phân cấp mạnh hơn cho chính quyền địa phương trong lĩnh vực hành chính tư pháp và bổ trợ tư pháp. Khi đã phân cấp phải tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra, xử lý kịp thời các sai phạm của người thi hành công vụ.
 Ba là, Ngành Tư pháp cần quan tâm hơn nữa kiện toàn các cơ quan tư pháp và xây dựng đội ngũ cán bộ Ngành Tư pháp, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, có biện pháp quy hoạch, đào tạo đội ngũ cán bộ ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ. Cán bộ tư pháp, trước hết là ở cấp Trung ương và ở cấp tỉnh phải nắm vững kiến thức pháp lý chuyên sâu, đồng thời phải hiểu biết các lĩnh vực liên quan, nắm được những vấn đề cơ bản của pháp luật quốc tế, giúp cơ quan tư pháp tham mưu cho chính quyền các cấp xử lý tốt những vấn đề pháp lý phát sinh trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế trên phạm vi toàn quốc và ở các địa phương.
Những năm gần đây, tổ chức pháp chế và tư pháp cấp huyện ở một số bộ, ngành, địa phương có sự biến động nhất định. Năm 2004, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 122/2004/NĐ-CP về tổ chức pháp chế các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh và doanh nghiệp nhà nước, các Nghị định số 171/2004/NĐ-CP và số 172/2004/NĐ-CP về cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện. Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, các bộ, các ngành liên quan và ủy ban nhân dân các cấp cần có sự phối hợp chặt chẽ để sớm kiện toàn tổ chức và biên chế của hệ thống các tổ chức pháp chế, các cơ quan tư pháp theo đúng quy định tại các Nghị định nói trên.
Cuối cùng, Thủ tướng yêu cầu hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình công tác của Ngành Tư pháp năm 2005. Với vai trò là cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật, Ngành Tư pháp cần chỉ đạo triển khai mạnh mẽ Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Trước mắt, các đồng chí cần phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tập trung cao độ triển khai Giai đoạn I Chương trình hành động quốc gia phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn từ năm 2005 đến năm 2010. Đồng thời, tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ trong Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ từ năm 2003 đến năm 2007. Phải xác định công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của tất cả các cấp, các ngành. Cán bộ, công chức đã thuộc bộ nào, ngành nào cũng phải ra sức nghiên cứu để nắm vững các quy định của pháp luật trong lĩnh vực bộ mình, ngành mình phụ trách. Nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật phải phù hợp với từng loại đối tượng và từng địa bàn. Trong năm 2005 và các năm tiếp theo phấn đấu tạo được chuyển biến rõ rệt về ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân./.
                Nguyễn Xuân Tùng                                                                                        
     Ban Tuyên giáo Đảng ủy Bộ Tư pháp