Chuyển biến mạnh mẽ về chất trong kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật

21/02/2018
Chuyển biến mạnh mẽ về chất trong kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật
Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) là nhiệm vụ quan trọng của ngành Tư pháp giúp Chính phủ kiểm soát, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của các VBQPPL do các bộ, ngành và chính quyền địa phương ban hành. Trong thời gian qua, công tác kiểm tra văn bản luôn được coi là nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tư pháp và đã có những chuyển biến mạnh mẽ về chất.

Tuy nhiên, công tác kiểm tra văn bản, nhất là xử lý văn bản trái pháp luật ở nước ta vẫn còn những hạn chế, chưa theo kịp yêu cầu của đời sống kinh tế - xã hội. Thực trạng này đòi hỏi phải có giải pháp khắc phục kịp thời để bảo đảm kiểm soát hiệu quả tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của VBQPPL sau khi ban hành, góp phần hoàn thiện và nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật.
Số văn bản sai được phát hiện tăng 20,5%
Theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, trong năm 2017, các cơ quan có thẩm quyền trên cả nước đã kiểm tra 23.795 VBQPPL; phát hiện 1.005 văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền, tăng 34,4% so với năm 2016. Tỷ lệ số văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền trên tổng số VBQPPL đã được kiểm tra chiếm 4,2%, tăng 2,2% so với năm 2016. Ngoài ra, còn phát hiện 3.060 VBQPPL có sai sót về căn cứ, thể thức, kỹ thuật trình bày. Về kết quả xử lý văn bản trái pháp luật, các cơ quan kiểm tra văn bản đã xử lý được 734/1.005 văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền, đạt 73%, tăng 12,5% so với năm 2016.
Riêng Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra VBQPPL), năm 2017 đã kiểm tra 4.462 văn bản, tăng 32% so với số văn bản được kiểm tra năm 2016. Kết quả kiểm tra đã phát hiện và kết luận 156 văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền (26 văn bản cấp bộ và 130 văn bản của HĐND và UBND cấp tỉnh), tăng 20,5% so với năm 2016. Trong đó, số văn bản sai chia theo lĩnh vực là: 85 văn bản trái  pháp luật trong lĩnh vực kinh tế (gồm 10 văn bản của Bộ, 74 văn bản của địa phương), chiếm 54%; 28 văn bản trái pháp luật trong lĩnh vực khoa giáo – văn xã (gồm 10 văn bản của Bộ, 18 văn bản của địa phương), chiếm 18%; 43 văn bản trong lĩnh vực nội chính (gồm 06 văn bản của Bộ, 37 văn bản của địa phương), chiếm 28%. Ngoài ra còn phát hiện 1.032 văn bản sai sót về căn cứ, thể thức, kỹ thuật trình bày.
Đối với 156 văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền của các bộ, HĐND và UBND cấp tỉnh do Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra VBQPPL) phát hiện và kết luận năm 2017, đến nay 73/156 văn bản đã được xử lý (đạt gần 47%, tăng 18% so với tỷ lệ xử lý văn bản năm 2016). Trong số 83 văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền chưa xử lý có 20/83 văn bản đang trong thời hạn xử lý, chiếm 24%; 22/83 văn bản đã quá hạn xử lý, chiếm 14%; số văn bản còn lại thông tin đã có hướng xử lý và đang trong quá trình xử lý theo quy định. So sánh với cùng kỳ năm 2016, tỷ lệ số văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền đã quá hạn nhưng chưa xử lý giảm 74,8%. Các con số thống kê phản ánh công tác kiểm tra văn bản, xử lý văn bản trái pháp luật ngày càng hiệu quả hơn, đồng thời cũng cảnh báo tình trạng ban hành văn bản trái pháp luật vẫn còn nhiều, thậm chí có chiều hướng gia tăng.
Kịp thời ngăn chặn áp dụng các quy định trái pháp luật
Có thể nói, hoạt động kiểm tra văn bản đã được các cơ quan kiểm tra văn bản trong cả nước, đầu mối là Bộ Tư pháp quan tâm, chỉ đạo thực hiện bài bản, toàn diện, đồng thời có trọng tâm, trọng điểm, tập trung kiểm tra các văn bản liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân, doanh nghiệp, môi trường đầu tư kinh doanh, bám sát hơn với thực tiễn ban hành VBQPPL của các bộ, ngành, địa phương. Qua kiểm tra đã phát hiện, xử lý kịp thời nhiều văn bản trái pháp luật, ngăn chặn việc áp dụng các quy định trái pháp luật, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân đồng thời nâng cao nhận thức của cơ quan ban hành văn bản về chấp hành kỷ cương, kỷ luật luật ban hành văn bản, được xã hội quan tâm, ủng hộ.
Đặc biệt, kết quả kiểm tra, xử lý văn bản trái pháp luật thời gian qua, nhất là năm 2017 đánh dấu sự chuyển biến tích cực về phản ứng chính sách trước một số văn bản chưa phù hợp được dư luận xã hội quan tâm. Việc phát hiện, kết luận và kiến nghị xử lý văn bản trái pháp luật được tiến hành cẩn trọng nhưng quyết liệt, giúp cơ quan đã ban hành văn bản trái pháp luật nhận thức rõ các sai sót để xử lý kịp thời, ngăn ngừa hậu quả. Mặt khác, còn góp phần giúp người dân, doanh nghiệp, dư luận xã hội hiểu đúng, đầy đủ các khía cạnh của quy định có sai sót. Kết quả kiểm tra, xử lý văn bản cũng ghi nhận sự nỗ lực, tích cực phối hợp từ nhiều bộ, ngành, địa phương như Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Hà Nội, TP HCM, Kiên Giang, Hưng Yên…
Không những thế, hoạt động kiểm tra, xử lý văn bản trái pháp luật thời gian qua cũng đã từng bước kết nối với các hoạt động xây dựng, theo dõi thi hành pháp luật, kiểm soát thủ tục hành chính, tạo sự đồng bộ trong kiến nghị xử lý văn bản sai phạm. Kết quả công tác kiểm tra, xử lý văn bản trái pháp luật đã khẳng định tính đúng đắn của việc xác lập cơ chế này trong hệ thống cơ quan hành chính nhà nước, góp phần khẳng định vị thế của công tác tư pháp trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước.
Bên cạnh những kết quả tích cực, hoạt động kiểm tra, xử lý văn bản trái pháp luật vẫn còn những hạn chế. Cụ thể, hệ thống cơ quan kiểm tra văn bản của cả nước vận hành chưa thực sự đồng bộ; công tác tự kiểm tra văn bản tại nhiều Bộ, ngành, địa phương chưa hiệu quả; một số Bộ, ngành chưa quan tâm thực hiện việc kiểm tra văn bản theo thẩm quyền. Ngoài Bộ Tư pháp, các cơ quan kiểm tra văn bản trong cả nước nhìn chung chưa quản lý được chính xác, đầy đủ, kịp thời “đầu vào” công việc là các văn bản thuộc thẩm quyền, trách nhiệm kiểm tra dẫn đến chưa kiểm tra được đầy đủ văn bản thuộc thẩm quyền, trách nhiệm kiểm tra của mình; còn có VBQPPL của các bộ, ngành, địa phương đã được áp dụng nhưng chưa được kiểm tra tính hợp hiến, hợp pháp sau khi ban hành.
Việc phát hiện văn bản có nội dung trái pháp luật trong nhiều trường hợp còn chưa kịp thời, có trường hợp cơ quan thông tấn, báo chí phát hiện, dư luận xã hội nêu vấn đề trước, thậm chí có văn bản đã áp dụng sau một thời gian mới được kiểm tra và phát hiện sai phạm. Việc xử lý một số văn bản trái pháp luật của các bộ, ngành, địa phương chưa đúng hình thức hoặc chậm xử lý, tiềm ẩn rủi ro pháp lý khi áp dụng, xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp. Một số trường hợp văn bản trái pháp luật đã được Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra văn bản) kết luận, kiến nghị và đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo nhưng vẫn chưa có kết quả xử lý dứt điểm. Đáng chú ý, việc khắc phục hậu quả do thực hiện văn bản trái pháp luật gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; việc xử lý trách nhiệm của cơ quan, người đã ban hành văn bản trái pháp luật mới chỉ dừng ở mức phê bình, nhắc nhở, kiểm điểm công chức khi thi hành công vụ.
Cần xử lý trách nhiệm với cơ quan, người tham mưu, trình, ký sai
Để đưa hoạt động kiểm tra, xử lý văn bản trái pháp luật thực sự trở thành công cụ hữu hiệu của Chính phủ trong việc bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của các VBQPPL, Bộ Tư pháp cho rằng cần quán triệt quan điểm xây dựng các giải pháp nâng cao chất lượng của công tác kiểm tra, xử lý văn bản trái pháp luật. Trên cơ sở đó, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như tập trung nguồn lực để thực hiện kiểm tra kịp thời các văn bản thuộc đối tượng kiểm tra; hoàn thiện quy trình nghiệp vụ tại các cơ quan kiểm tra văn bản, có cách thức phù hợp để tiếp nhận thông tin phản ánh về tính hợp pháp của văn bản của tổ chức, cá nhân, cơ quan thông tấn, báo chí; thực hiện các biện pháp tăng cường hiệu quả xử lý văn bản có nội dung trái pháp luật; ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong công tác kiểm tra văn bản…
Với mong muốn nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả của công tác kiểm tra, xử lý văn bản trái pháp luật trong thời gian tới, Bộ Tư pháp đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng, ban hành, kiểm tra và xử lý VBQPPL để bảo đảm chất lượng của VBQPPL, nhất là về tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất và khả thi; chỉ đạo Bộ Nội vụ nghiên cứu, đề xuất quy định chế độ phụ cấp nghề cho công chức làm công tác kiểm tra văn bản, đề xuất hướng dẫn cụ thể về xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, người xây dựng, ban hành văn bản trái pháp luật; cho phép báo cáo về kết quả kiểm tra, tình hình xử lý văn bản trái pháp luật tại các phiên họp thường kỳ của Chính phủ.
  Đối với các bộ, ngành và địa phương, Bộ Tư pháp đề nghị chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong soạn thảo, ban hành, kiểm tra, xử lý văn bản; tăng cường tự kiểm tra, kiểm tra văn bản theo thẩm quyền; xử lý kịp thời, dứt điểm văn bản trái pháp luật do mình ban hành, kể cả việc khắc phục hậu quả của văn bản (nếu có); xem xét xử lý trách nhiệm bằng hình thức phù hợp đối với cơ quan, người tham mưu, trình, ký ban hành văn bản trái pháp luật. Các bộ, ngành, địa phương cũng cần quan tâm đầu tư kinh phí và các điều kiện bảo đảm khác phục vụ công tác kiểm tra, xử lý văn bản; tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho công chức làm công tác xây dựng, ban hành, kiểm tra, xử lý VBQPPL; phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, đầu mối là Cục Kiểm tra VBQPPL và các cơ quan có liên quan trong việc kiểm tra văn bản, đặc biệt là trong xử lý văn bản trái pháp luật.
H.T