Triển khai Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017

18/09/2017
Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, sáng 20/6/2017, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Trợ giúp pháp lý số 11/2017/QH14 với 100% số đại biểu có mặt biểu quyết tán thành. Thực hiện Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2017, theo sự phân công của Thủ tướng Chính phủ, để triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý kịp thời, thống nhất và hiệu quả, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý. Ngày 12/9/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1355/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý (Kế hoạch). Theo đó, Kế hoạch đã xác định các nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành, kết quả đầu ra và trách nhiệm, cơ chế phối hợp của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả trên phạm vi cả nước, cụ thể như sau:
1. Tổ chức quán triệt, truyền thông về nội dung của Luật Trợ giúp pháp lý và hoạt động trợ giúp pháp lý
Đây là một trong những hoạt động quan trọng, việc tăng cường công tác truyền thông về nội dung của Luật Trợ giúp pháp lý và hoạt động trợ giúp pháp lý nhằm nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xã hội về quyền được trợ giúp pháp lý và ý nghĩa của công tác này. Nội dung Mục này gồm 04 hoạt động bao gồm:
a) Hoạt động tổ chức biên soạn tài liệu phục vụ công tác quán triệt, phổ biến giáo dục pháp luật về Luật Trợ giúp pháp lý; tài liệu tập huấn nghiệp vụ trợ giúp pháp lý. Kế hoạch giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các Bộ, ngành và các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện nội dung này trong Quý III và Quý IV năm 2017.
b) Hoạt động tổ chức hội nghị quán triệt những điểm mới của Luật Trợ giúp pháp lý. Kế hoạch giao từ Quý III - Quý IV năm 2017 Bộ Tư pháp tổ chức quán triệt việc thi hành Luật, các nội dung cơ bản của Luật cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan, tổ chức có liên quan ở Trung ương; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức quán triệt việc thi hành Luật cho các cơ quan, tổ chức ở địa phương.
c) Hoạt động tổ chức truyền thông về những nội dung cơ bản và điểm mới của Luật Trợ giúp pháp lý và hoạt động trợ giúp pháp lý trên các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức khác. Kế hoạch giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các Bộ, ngành, tổ chức, cơ quan truyền thông thực hiện nhiệm vụ này vào Quý IV năm 2017 và năm 2018 với các sản phẩm đầu ra là các chương trình, chuyên trang, chuyên mục, tin, bài và các sản phẩm truyền thông khác về Luật Trợ giúp pháp lý và hoạt động trợ giúp pháp lý.
d) Hoạt động tổ chức truyền thông về Luật Trợ giúp pháp lý bằng các hình thức, nội dung phù hợp điều kiện thực tế theo từng đối tượng ở các Bộ, ngành, địa phương. Ngoài hình thức tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng như ở trên, dự thảo Kế hoạch còn đề nghị Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và giao cho Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, các Bộ, ngành có liên quan ở Trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ở địa phương tùy từng điều kiện tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung của Luật bằng các hình thức khác nhau trong thời gian Quý IV năm 2017 và năm 2018.
2. Tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về hoạt động trợ giúp pháp lý
Kế hoạch xác định nhiệm vụ của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan có liên quan trực tiếp thực hiện rà soát và gửi kết quả rà soát về Bộ Tư pháp, Bộ Tư pháp làm đầu mối tổng hợp kết quả rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Ở địa phương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật do địa phương ban hành. Công việc rà soát cần được triển khai ngay và hoàn thành vào Quý IV năm 2017, xây dựng báo cáo Quý I năm 2018 nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật về trợ giúp pháp lý.
3. Xây dựng các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Trợ giúp pháp lý; sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để bảo đảm phù hợp với Luật Trợ giúp pháp lý
Luật Trợ giúp pháp lý đã giao cho Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tư pháp có trách nhiệm quy định chi tiết một số điều của Luật. Do đó, Bộ Tư pháp có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý và ban hành Thông tư quy định chi tiết một số điều và hướng dẫn thi hành Luật Trợ giúp pháp lý. Kế hoạch giao các văn bản này phải ban hành trong Quý IV năm 2017, bảo đảm hiệu lực thi hành đồng thời với Luật.
Kế hoạch còn giao xây dựng 01 Thông tư liên tịch và 01 Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài chính, cụ thể: Giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư liên tịch về việc phối hợp, hướng dẫn thực hiện một số quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng trong Quý II năm 2018; giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng và ban hành Thông tư hướng dẫn về việc lập sự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí trong hoạt động trợ giúp pháp lý trong Quý II năm 2018.
Ngoài ra, trên cơ sở việc rà soát văn bản quy phạm pháp luật về trợ giúp pháp lý, Kế hoạch đề nghị Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, giao Bộ Tư pháp, các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với Luật trong năm 2018 và năm 2019.
4. Nâng cấp và vận hành trang thông tin điện tử trợ giúp pháp lý, phần mềm quản lý tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý
Kế hoạch đề ra nhiệm vụ nâng cấp và vận hành trang thông tin điện tử về trợ giúp pháp lý và phần mềm quản lý tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý là nhiệm vụ thường xuyên thực hiện từ Quý IV năm 2017. Đây là nơi trao đổi thông tin, kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm cho người thực hiện trợ giúp pháp lý; là nơi truyền thông, phổ biến về pháp luật trợ giúp pháp lý công khai, rộng rãi; phần mềm cập nhật vụ việc làm căn cứ để đánh giá hiệu quả công việc của đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý.
5. Nâng cao năng lực cho đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý
Nội dung này rất quan trọng trong việc bảo đảm triển khai thi hành hiệu quả Luật Trợ giúp pháp lý với mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý cho người dân, bao gồm hai hoạt động như sau:
a) Hoạt động tổ chức tập huấn chuyên sâu các nội dung của Luật, Kế hoạch giao Bộ Tư pháp ở Trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ở địa phương chủ trì thực hiện nhiệm vụ tập huấn cho đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý, cán bộ, công chức thực hiện quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý.
Đối với việc tổ chức tập huấn chuyên sâu về các nội dung phối hợp trong hoạt động trợ giúp pháp lý cho đội ngũ cán bộ, công chức của các Bộ, ngành có liên quan, Kế hoạch đề nghị Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an và các Bộ, ngành có liên quan phối hợp với Bộ Tư pháp, cơ quan, tổ chức có liên quan ở Trung ương; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phối hợp Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Công an cấp tỉnh và các cơ quan, tổ chức có liên quan ở địa phương. Nhiệm vụ này được thực hiện trong Quý IV năm 2017 và Quý I năm 2018.
b) Hoạt động tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ và kỹ năng trợ giúp pháp lý cho đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý, Kế hoạch giao nhiệm vụ thực hiện hằng năm ở Trung ương cho Bộ Tư pháp và ở địa phương cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
6. Rà soát người thực hiện trợ giúp pháp lý, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và người thuộc diện được trợ giúp pháp lý trên địa bàn
Kế hoạch giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong năm 2018 phải hoàn thành việc rà soát đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý được bổ nhiệm để có kế hoạch đào tạo nghề luật sư phù hợp với điều kiện thực tế tại Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước; rà soát Chi nhánh đã được thành lập để có kế hoạch sáp nhập, giải thể các Chi nhánh hoạt động không hiệu quả; rà soát tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý, người tham gia trợ giúp pháp lý theo quy định Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 để các cá nhân, tổ chức này có kế hoạch hoàn thiện các yêu cầu theo quy định Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017; đồng thời rà soát tổ chức trong tên gọi có sử dụng cụm từ "trợ giúp pháp lý" và đề xuất hướng giải quyết. Đây là các nhiệm vụ quan trọng cần được triển khai, hoàn tất trong giai đoạn chuyển tiếp theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017.
Đồng thời, để triển khai hiệu quả Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, Kế hoạch giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong năm 2018 và những năm tiếp theo rà soát luật sư, tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật có đủ điều kiện tham gia trợ giúp pháp lý, rà soát, thống kê số lượng người thuộc diện được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 trên địa bàn để chủ động dự kiến được nguồn lực (nhân lực và kinh phí) thực hiện trợ giúp pháp lý, bảo đảm đáp ứng nhu cầu trợ giúp pháp lý của người dân trên địa bàn.
7. Cập nhật, công bố danh sách tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý trên địa bàn và các thủ tục hành chính theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản hướng dẫn thi hành
Kế hoạch giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì từ năm 2018 thường xuyên thực hiện nhiệm vụ này để người dân biết và dễ dàng thực hiện các thủ tục cần thiết yêu cầu và sử dụng dịch vụ trợ giúp pháp lý, qua đó thực hiện chủ trương minh bạch hóa thủ tục hành chính của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý.
Ngoài các nội dung nêu trên, Kế hoạch cũng xác định trách nhiệm cụ thể của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được phân công trong Kế hoạch này chủ động, tích cực triển khai các nhiệm vụ trong phạm vi quản lý của Bộ, ngành, địa phương, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả, tiết kiệm, tránh hình thức, lãng phí và gửi báo cáo kết quả triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý về Bộ Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Như vậy, với những nội dung trên sẽ tạo thuận lợi cho các Bộ, ngành, địa phương chủ động trong việc tổ chức triển khai Luật Trợ giúp pháp lý từ 01/01/2018 và những năm tiếp theo, đặc biệt là sớm ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương./.
 
- Thanh Trịnh -